Do chủ nhân của chú chó dại cắn tử vong một người tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã tử vong nên sẽ không có căn cứ để khởi tố vụ án.
Tin nên đọc
Thanh Hoá: Chó dại cắn 7 người, một thai phụ tử vong
Liên tục phát hiện xe chở nội tạng, mỡ động vật đã hôi thối
Nghệ An: Hé lộ đường dây mua bán động vật hoang dã để nấu cao?
Nghệ An: Thả lô động vật quý hiếm về rừng
Mới đây, tại khu phố 2 thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa vừa xảy ra vụ việc 7 người bị chó dại cắn, trong đó thương tâm hơn cả là 1 người đang mang thai đã bị tử vong.
Sáu người hàng xóm còn lại may mắn hơn đã đến Trung tâm y tế huyện để tiêm phòng dại nên hiện tại sức khỏe của họ vẫn bình thường. Con chó dại sau đó đã bị mọi người trong khu phố đập chết rồi tiêu hủy.
Hiện tượng người dân bị chó dại cắn tử vong không còn là một điều mới mẻ nhưng hậu quả gây thương vong, chết người do chó dại cắn lại là vấn đề nan giải từ trước tới nay. Nhiều người băn khoăn rằng, không biết ai là người phải chịu trách nhiệm trong các vụ việc người dân vô tình bị chó dại cắn?
Phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Huỳnh Mỹ Long - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này. Luật sư Huỳnh Mỹ Long cho rằng: "Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa), tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó.
Pháp luật đã quy định, tổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin...".
|
Luật sư Huỳnh Mỹ Long. |
Trong sự việc chó dại cắn 7 người khiến một người tử vong tại Lang Chánh, Thanh Hóa vừa qua, luật sư Huỳnh Mỹ Long cho rằng có khả năng chó đã không được tiêm phòng dại từ kỳ tiêm phòng dại chính vào tháng 3-4 và kỳ bổ sung là tháng 9-10 năm 2015.
Vậy người nuôi chó, mèo có trách nhiệm như thế nào trong việc nuôi, quản lý chó mèo? Luật sư Long cho rằng, người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định vệ sinh thú y trong việc nuôi chó và hướng dẫn của cán bộ thú y; Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường thì báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn.
Đăng ký số lượng chó nuôi với Ủy ban nhân dân xã và cơ quan thú y địa phương; có sổ quản lý chó để theo dõi sức khỏe và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo; Nếu cá nhân và tổ chức không làm triệt để theo đúng quy định pháp luật của Thông tư này thì sự việc nêu trên rất dễ xảy ra.
Sau khi sự việc chó dại cắn 7 người tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, dư luận đang quan tâm rằng, liệu có căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hay không khi có hậu quả chết người xảy ra?
Khi trao đổi về điều này, luật sư Huỳnh Mỹ Long bày tỏ quan điểm: “Theo thông tin mà báo chí đã đưa thì chị H., chủ vật nuôi (chó dại đã cắn 7 người) cũng đồng thời là nạn nhân đã chết nên vụ án sẽ không được khởi tố". Luật sư Long viện dẫn khoản 7, Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự:
Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự.
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Tuy nhiên, luật sư Huỳnh Mỹ Long cũng nhấn mạnh Điều 625 Bộ luật dân sự quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu chị H. là chủ của vật nuôi thì mặc dù chị đã qua đời nhưng người thân vẫn có trách nhiệm bồi thường cho 6 người bị chó của chị H. cắn, căn cứ theo Điều 637 BLDS.
Điều 637. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại 1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế. 3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân. |