Hơn 2 năm qua, người dân khu phố 7, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa luôn phải hứng chịu tình trạng bụi gỗ mù mịt, mùi sơn PU và tiếng ồn từ xưởng gỗ của 1 doanh nghiệp trên địa bàn. Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã trực tiếp đến xưởng sản xuất gỗ này để ghi nhận.
Người dân bị “tra tấn” quanh năm
Xưởng gỗ mà người dân phản ánh là của Doanh nghiệp tư nhân Đỉnh Kim Ngọc (do bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng làm chủ doanh nghiệp) có địa chỉ chính tại 117E, KP7, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa nhưng hoạt động sản xuất tại địa chỉ chi nhánh 120C/1, KP7, phường Tân Hòa. Theo người dân cho biết, cơ sở này đã hoạt động gần 10 năm nay. Khu đất làm xưởng sản xuất được bà Hằng thuê lại của 1 người dân trên địa bàn.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, 2 xưởng sản xuất của doanh nghiệp này nằm lọt thỏm trong khu dân cư, hàng ngày có rất đông công nhân ra vào làm việc. Phía trước nhà xưởng và trên đường đi có các kiện gỗ để tràn ra mặt đường gây cản trở việc đi lại và khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
|
Công nhân xưởng gỗ đang làm việc |
Nhà xưởng của doanh nghiệp được xây dựng rất sơ sài, phía trước không có bảng hiệu, toàn bộ khu xưởng được lợp và che chắn bằng tôn. Trong xưởng, có nhiều loại máy chuyên dụng để chế tác gỗ. Do xưởng được thiết kế giản đơn, máy móc hoạt động liên tục tạo ra âm thanh và tiếng ồn rất khó chịu cho người dân sinh sống lân cận.
|
Xưởng gỗ được xây dựng sơ sài, tiếng ồn lớn phát ra từ máy móc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nơi đây |
|
Bụi từ xưởng gỗ bám dày đặc đồ đạc của người dân |
Theo người dân phản ánh, ngoài tiếng máy móc gây ồn suốt ngày, kinh hoàng hơn là bụi gỗ bay mù mịt khắp nơi và bay sang nhà dân phủ trắng các mái nhà, đồ đạc trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy ( ngụ KP7, phường Tân Hòa) cho hay: “Nhà tôi ở ngay phía sau lưng của xưởng gỗ, tôi mở quán bún bán nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ khi xưởng gỗ Đỉnh Kim Ngọc hoạt động thì khách không dám vào ăn vì bụi gỗ bay vào thức ăn, vào mắt làm cay mắt khách hàng. Chỉ vì bụi gỗ bay khắp nơi và mùi hôi của cơ sở sản xuất mà chúng tôi không buôn bán làm ăn gì được”.
|
Người dân bức xúc trao đổi với phóng viên |
Chị Trang, một người dân sống cạnh xưởng gỗ cho biết thêm: “Hoạt động của các loại máy cắt, tiện, máy mài, máy dập, máy quạt thổi suốt ngày cứ ầm ầm, ro ro, rè rè,… làm đinh óc nhức tai rất khó chịu. Bụi thì cứ phủ đầy nhà cửa dù nhà đã che chắn kín mít. Chúng tôi không khi nào dám mở cửa sổ hay cửa chính ra như những nhà nơi khác cả. Rồi mùi gỗ tẩm thuốc chống mối mọt, sau còn xịt PU lên và bay khắp nơi khiến rất hôi thối. Xung quanh đây, nhà ai cũng có người bị viêm mũi viêm xoang, trẻ con thì viêm đường hô hấp ốm đau suốt ngày”.
|
Từng lớp bụi dày đặc bao phủ khắp ngoài vào trong |
Theo người dân cho biết, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe ra vào chở thành phẩm của cơ sở, còn khoảng 2-3h sáng thì có xe vào chở mùn cưa gây tiếng ồn lớn rất khó chịu, khiến nhiều người mất ngủ.
Nghi vấn sử dụng lao động chưa đủ tuổi?
Chia sẻ với phóng viên, người dân KP7 cho biết, trước đây khu nhà xưởng ở 120C/1 chỉ là một xưởng sản xuất gỗ nhỏ lẻ, có khoảng 10- 15 nhân công. Sau đó, xưởng sản xuất gỗ này phát triển thành doanh nghiệp mở rộng quy mô lên, lúc này doanh nghiệp có tới gần 100 nhân công và trong đó có cả những lao động chưa đủ tuổi thành niên.
|
Quang cảnh hoạt động của nhà xưởng |
Ông Nguyễn Văn Tú (Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, KP 7) cho biết: “Không những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cơ sở này đang sử dụng rất nhiều trẻ em chưa đủ tuổi lao động vào làm việc trong môi trường độc hại với mức lương 7.000đ/giờ đối với trẻ nhỏ, 9.000đ/giờ đối với người lớn. Doanh nghiệp này hoạt động đang ẩn chứa nhiều rủi ro nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân chúng tôi. Không chỉ gây ô nhiễm, theo người dân cho biết doanh nghiệp này đã 2 lần xẩy ra cháy nổ, may là được phát hiện kịp thời, chứ không hậu quả không biết thế nào!”.
Chính quyền địa phương “bó tay”?
Sau khi ghi nhận những phản ánh của người dân, phóng viên cũng đã có trao đổi với UBND phường Tân Hòa, TP Biên Hòa. Ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa cho biết: “Từ trước tới nay, tại địa phương có nghề làm mộc, các hộ dân nhà nào cũng sản xuất kinh doanh đồ gỗ nên doanh nghiệp Đỉnh Kim Ngọc hoạt đông trong dân cư không gây ảnh hưởng. Sau này người dân gửi đơn thư bức xúc vì vấn đề gây ô nhiễm nhưng phường chúng tôi chỉ là bên trung gian không giải quyết được”.
Khi phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề an toàn cháy nổ thì không nhận được câu trả lời của ông Chủ tịch. Về những nghi vấn lao động chưa đủ tuổi thì ông Minh cho biết: “Việc kiểm tra về nhân công lao động chúng tôi chưa kiểm tra”.
Qua tìm hiểu, từ lâu người dân địa phương đã rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm và ảnh hưởng đời sống nghiêm trọng từ cơ sở này. Nhiều lần người dân kiến nghị di dời xưởng nhưng vẫn chưa được thực hiện với “muôn vàn” lý do được chính quyền nơi đây đưa ra trong mấy năm qua.
Người dân đã và đang rất quan tâm việc cơ sở này hoạt động có đảm bảo an toàn PCCC theo quy định? Sử dụng lao động có tuân thủ theo luật pháp? Các quy định của pháp luật về môi trường đã được cơ sở này đảm bảo không? “Uẩn khúc” gì khiến việc kiến nghị di dời của người dân suốt mấy năm qua không thực hiện được? Có hay không sự “chống lưng” cho doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người dân?
Hàng loạt vấn đề đang chờ các cơ quan chức năng TP Biên Hòa giải đáp.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.