Đường 40 tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng, 21 khách sạn ở Khánh Hòa có vấn đề, Quảng Ninh tước giấy phép dự án resort 4 sao ven biển Cô Tô ... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.
Quảng Ninh tước giấy phép dự án resort 4 sao ven biển Cô Tô
UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái ở huyện đảo Cô Tô.
Theo đó, hủy bỏ các quyết định của UBND tỉnh: số 2360/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Resort 4 sao ven biển Tây Cô Tô; số 731/QĐ-UBND ngày 14/3/2017 về việc tạm dừng chủ trương đầu tư dự án này.
|
Bãi biển ở huyện đảo Cô Tô. Ảnh internet. |
Lý do Dự án Khu du lịch sinh thái Resort 4 sao ven biển Tây Cô Tô chấm dứt hoạt động theo Điều 48, Luật Đầu tư.
Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái resort 4 sao ven biển Tây Cô Tô có quy mô nghiên cứu gần 14ha do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Bảo Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án này thuộc danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030.
Xem thêm...
Tiến độ dự án Golden Park Tower: Giá tốt, đang xây tầng 13
Thời gian dự kiến bàn giao dự án là quý IV/2020. Hiện tại, dự án đang xây thân đến tầng 13.
Dự án Golden Park Tower tổ hợp khách sạn, căn hộ, văn phòng và dịch vụ thương mại, tọa lạc tại số 2 Phạm Văn Bạch (ô đất D32), phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Dự án nằm ở giao cắt giữa 2 trục đường là đường Dương Đình Nghệ và đường Phạm Văn Bạch.
Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Tây Đô. Đơn vị thi công ngầm dự án là Công ty cổ phần Vimexco – Vinaconex 9, đơn vị thi công phần thân là Công ty cổ phần Tsq Techco và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Samcons Việt Nam. Dự án được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2017. Quy mô dự án bao gồm 45 tầng nổi và 4 tầng hầm.
|
Hiện tại, dự án đang xây thân đến tầng 13. |
Theo thông tin trên trang của dự án goldenparktower.com, tổng diện tích dự án là 4.576m2, thời gian dự kiến bàn giao dự án vào quý IV/2020. Hiện tại, dự án đang xây thân đến tầng 13.
Video và một số hình ảnh tiến độ dự án tháng 3/2019:
Xem thêm...
Khánh Hòa: 21 khách sạn có vấn đề
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công khai 21 khách sạn (KS) ở TP Nha Trang và 1 khu du lịch tại thị xã Ninh Hòa không bảo đảm điều kiện để người dân và du khách nắm rõ.
Nhiều KS trong số này vi phạm liên tục nhiều năm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh. Đơn cử như KS Euro Star (tên cũ là Euro Nha Trang) cao 19 tầng nằm ở đường Trần Phú, KS Dubai (đường hẻm Tôn Đản, tên cũ là Thăng Long Golden 2) cao 14 tầng, bị phạt vì chưa nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đón khách.
Đặc biệt, có 2 cơ sở lưu trú của Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh, gồm: tổ hợp KS - căn hộ du lịch Mường Thanh Luxury Khánh Hòa (đường Trần Phú, phường Xương Huân) và tổ hợp KS - căn hộ du lịch Mường Thanh Luxury Viễn Triều (khu Bãi Dương, phường Vĩnh Phước). Cả hai cơ sở này cao 40 tầng, đều vi phạm đưa khách vào lưu trú dù chưa bảo đảm an toàn.
|
Khách sạn này vi phạm, bị Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa bêu tên. |
Mường Thanh Luxury Viễn Triều trong năm 2018 đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt 115 triệu đồng vì thi công hồ bơi không có giấy phép xây dựng và đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước. Còn KS Mường Thanh Luxury Khánh Hòa sau khi phá dỡ 3 tầng phần vi phạm quy hoạch thì tiếp tục bị xử phạt vì đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu.
Xem thêm...
Đường 40 tỷ đồng ở Kon Tum chưa bàn giao đã hư hỏng
Tuyến đường thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, được đầu tư gần 40 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa kịp bàn giao đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông và khiến người dân khu vực rất bức xúc.
|
“Hố tử thần” nằm giữa đường như bẫy người tham gia giao thông |
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, được đầu tư tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, theo quyết định của UBND tỉnh Kon Tum. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm Chủ đầu tư; Ban quản lý Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên do tỉnh Kon Tum (Ban QLDA) làm đại diện.
Ghi nhận tại hiện trường đoạn đường từ điểm giao nhau với Quốc lộ 14 (đoạn gần UBND xã Đăk La), đến hết thôn 2, xã Đăk La, dài hơn 1km, phóng viên đã bắt gặp hàng chục điểm bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Tại hiện trường, nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc loang lổ, lổm chổm chỉ thấy cát, đá mà không thấy xi măng. Có đoạn sau khi đổ bê tông xong, đơn vị thi công cho tráng thêm một lớp mỏng hồ dầu (xi măng hòa nước – PV) phủ lên mặt đường. Sau một thời gian ngắn, qua vài trận mưa lớp hồ dầu bị bong tróc, lộ rõ kết cấu mặt đường có dấu hiệu thiếu mác, vì tỷ lệ đá và cát chênh lệnh so với xi măng. Tình trạng nứt nẻ xảy ra nhiều. Có những vết nứt toác kéo dài tạo thành khe hở lớn, gãy ngang đường. Hiện tượng “ổ gà” xuất hiện ở nhiều vị trí, khoảng cách giữa mặt đường và lề đường tạo thành bậc cấp, gây nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Xem thêm...
“Xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe: Lo ngại dự án bị biến tướng
Trong khi còn nhiều dự án bãi đỗ xe triển khai kiểu “rùa bò", đất dự án bị doanh nghiệp sử dụng sai mục đích để thu lợi bất chính mà vẫn chưa được xử lý thì nhiều dự án mới tiếp tục được nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất. Mới đây, câu chuyện “xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe ngầm đang làm nóng dư luận. Nhiều ý kiến quan ngại rằng, liệu dự án này có đi vào “vết xe đổ” như bao dự án khác?
Hàng loạt dự án vẫn "nằm trên giấy"
Nhiều ngày trôi qua, cuộc tranh luận về việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ - gọi tắt là Công ty Tây Hồ được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại vẫn chưa ngã ngũ.
Kể từ khi nghe tin Công viên Cầu Giấy bị “xẻ thịt” làm Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc có kết hợp dịch vụ thương mại - gọi tắt là Dự án, đời sống của người dân Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đã bị đảo lộn hoàn toàn. Cuộc sống vốn yên bình nơi đây bỗng trở nên ngột ngạt, nặng nề bởi những câu chuyện “lá phổi xanh” Công viên Cầu Giấy bị “xẻ thịt”.
Dù Dự án mới chỉ đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư, thế nhưng nó đã vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt vì người dân cho rằng việc đầu tư xây dựng trên là bất hợp lý. Cùng với đó, nhiều ý kiến quan ngại về năng lực và việc chấp hành quy định về pháp luật xây dựng của chủ đầu tư – Công ty Tây Hồ.
Hiện nay, với việc đô thị hóa mạnh mẽ khi các nhà cao tầng trong nội đô mọc lên như nấm, các con đường vành đai và cả xuyên tâm nội đô mở rộng đã làm cho bầu khí quyển của Hà Nội luôn nằm trong tình trạng báo động. Theo đó, chỉ số chất lượng không khí trung bình AQI tại Hà Nội tăng nhanh liên tục trong các năm qua. Điều này càng khiến người dân Thủ đô và Khu đô thị mới Dịch vọng lo ngại khi “lá phổi xanh” Công viên Cầu Giấy phải nhường 1,45ha đất để thi công Dự án.
Trên thực tế, từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại: Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) đều chưa được khởi công.
Đơn cử, dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống nhất đã được chuyển đổi từ dự án khách sạn sang dự án bãi đỗ xe ngầm từ năm 2009, vậy nhưng 10 năm sau, nơi đây vẫn là bãi đất trống. Trước thực tế hàng loạt dự án bãi đỗ xe đang rơi vào cảnh “dậm chân tại chỗ”, nhiều người lo ngại Dự án trên của Công ty Tây Hồ cũng đi vào vết xe đổ ấy.
|
Nhiều ý kiến quan ngại về năng lực và việc chấp hành quy định về pháp luật xây dựng khi thi công Dự án của chủ đầu tư – Công ty Tây Hồ. (Ảnh: Trần Tiến). |
Xem thêm...