CapitaLand - Hiền Đức XDCT không giấy phép, cư dân Carina có thể ra tòa đòi tiền bảo hiểm, quận Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm "dẫn đầu" danh sách công trình xây dựng vi phạm... là những tin chính trong Địa ốc 7AM hôm nay.
Dự án CapitaLand - Hiền Đức: Xây dựng công trình không giấy phép
Dự án CapitaLand - Hiền Đức có địa chỉ lô đất D7, phường phú thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã thi công công trình dù chưa có GPXD.
|
Lô đất D7 nằm tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội |
Thời gian gần đây, Pháp luật Plus nhận được phản ánh của một số người dân khu vực xung quanh dự án lo ngại về việc tại lô đất D7, phường Phú Thượng đang có dấu hiệu xây dựng trái phép.
Theo tìm hiểu, lô đất D7 rộng gần 9.000m2 thuộc khu đấu giá quyền sử dụng đất 18,6ha. Năm 2007, lô đất này được đấu giá để xây dựng công trình công cộng như khách sạn, nhà hàng ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại và văn phòng cho thuê...Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ là đơn vị trúng đấu giá tại lô đất này.
Đến tháng 3/2018, đã có nhiều thông tin Tập đoàn CapitaLand mua 99,49% cổ phần của Công ty Hiền Đức Tây Hồ để nắm quyền phát triển dự án này. Tuy nhiên sau thương vụ thâu tóm nêu trên, Công ty Hiền Đức Tây Hồ đã đổi tên thành Công ty Cổ phần CapitaLand - Hiền Đức.
Tại đây, CapitaLand - Hiền Đức dự kiến phát triển một tổ hợp cao 25 tầng với 380 căn hộ với 21.367 m2 diện tích văn phòng và 19.323 m2 diện tích khu thương mại. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 217 triệu USD.
Xem thêm...
Cư dân Carina có thể ra tòa đòi tiền bảo hiểm vụ cháy thảm khốc
Sau vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TPHCM) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, vẫn còn cư dân chưa nhận được tiền bảo hiểm. UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 8 phối hợp với chủ đầu tư hướng dẫn, hỗ trợ các bên giải quyết thông qua tòa án.
Liên quan đến việc khắc phục vụ cháy thảm khốc làm 13 người chết tại chung cư Carina, UBND TPHCM giao UBND quận 8 phối hợp với chủ đầu tư (Công ty Hùng Thanh) tập hợp thông tin của người dân liên quan đến khó khăn về tiền bảo hiểm, bồi thường trong vụ cháy chung cư.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ thỏa thuận giải quyết chi phí bảo hiểm, bồi thường cho người dân. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận, UBND quận 8 hướng dẫn các bên giải quyết thông qua tòa án.
|
Vụ cháy chung cư Carina vào năm 2018 khiến 13 người tử vong (ảnh: Đình Thảo) |
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết các vướng mắc liên quan đến vụ cháy Carina theo quy định của pháp luật; đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền.
Trước đó, Sở Xây dựng TP có báo cáo về việc chủ đầu tư cơ bản hoàn thành khắc phục, sửa chữa sau vụ cháy chung cư Carina, ngoại trừ công tác kiểm nghiệm nước uống. Chủ đầu tư đang thay mới 6 thang máy cho block A và B, sửa chữa những nơi bong tróc gạch sàn nhà.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đã có 473/736 hộ dân trở về chung cư. Tính đến cuối tháng 11/2018, chủ đầu tư đã chi tạm ứng cho sự cố cháy nổ với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng gồm: bồi thường xe máy, ô tô, thuê nhà ở cho hộ dân, sửa chữa công trình… Tuy nhiên các chi phí này chưa được đơn vị bảo hiểm đền bù.
Xem thêm...
Thái Nguyên: "Lùm xùm" quanh việc cấp ĐTM cho dự án tại KCN Sông Công II
Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp tại KCN Sông Công II sau nhiều tháng vẫn chưa được Tổng cục Môi trường phê duyệt Báo cáo ĐTM.
Tổng cục Môi trường làm khó doanh nghiệp?
Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất thiết kế 100 triệu m2 vải/năm với diện tích thuê đất 53,4 ha tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên do Công ty Interweave Holding Limited (Hồng Kông) làm chủ đầu tư. Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế xã hội lớn cho tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, dù đã nộp hồ sơ từ nhiều tháng trước nhưng đến nay, Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án này vẫn chưa được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Sự việc này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia về môi trường.
|
Nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại Dự án KCN Sông Công II vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo lí giải của Tổng cục Môi trường, Dự án này có những điểm không phù hợp với KCN Sông Công II. Cụ thể, theo Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II đã quy định rõ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với KCN Sông Công II là “chỉ tiếp nhận vào khu công nghiệp các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”; đồng thời, báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên nêu rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm.
Trong khi đó, “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” lại có công đoạn nhuộm, có định mức sử dụng nước lớn, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000 m3/ngày đêm (và lớn nhất lên đến 14.400 m3/ngày đêm).
Xem thêm...
Quận Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm "dẫn đầu" danh sách công trình xây dựng vi phạm
Sở Xây dựng TP Hà Nội đã công bố danh sách 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng từ năm 2015 - 2016 trên địa bàn.
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, trong danh sách đen này thì nổi bật nhất và dẫn đầu là quận Hai Bà Trưng và quận Hoàn Kiếm. Quận Hoàn Kiếm có tới 8 trường hợp, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng 7 trường hợp, quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì sai phạm 5 trường hợp, quận Ba Đình có 3 trường hợp, quận Nam Từ Liêm và Hà Đông 2 trường hợp vi phạm…
Có thể thấy, Sở Xây dựng Hà Nội đã quyết tâm phản ánh đúng thực trạng quản lý trật tự xây dựng tại các địa bàn, để tồn đọng không thể giải quyết triệt để.
Đơn cử như tại quận Hai Bà Trưng, còn nhiều công trình tồn đọng như: Tòa nhà TTTM, trụ sở, văn phòng cho thuê, căn hộ trung cư cao cấp để bán và cho thuê - do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm Chủ đầu tư; hay các công trình xây dựng tại khu vực Cảng Hà Nội do Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng làm chủ đầu tư, loạt công trình này có địa chỉ tại 78 Bạch Đằng, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng...
Một dự án được dư luận rất quan tâm là Dự án Khu nhà ở để bán tại 129DTrương Định do Công ty CP Đồng Tháp đầu tư...
Tại quận Thanh Xuân có hàng loạt các công trình chung cư “dính” sai phạm phải kể đến Dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, Chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng của Cty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn, Chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, Hà Đông) của Cty CP thương mại Hà Tây.
Xem thêm...
Vụ hàng trăm người đòi sổ đỏ ở Quảng Nam: Để giải quyết cần có lộ trình
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có trả lời phản ánh của người dân liên quan tranh chấp của hai công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP Hoàng Nhất Nam.
Sau khi cuộc họp ngày 15/3, các bên chưa tìm được tiếng nói chung, người dân mua đất tiếp tục đến phòng tiếp dân của UBND tỉnh gửi đơn khiếu nại và gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để phản ánh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trực tiếp gặp gở người dân đi khiếu nại vào ngày 20/3. Trưóc đó, ông Lê Trí Thanh nguyên là Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn trước khi lên giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
|
UBND tỉnh Quảng Nam trả lời người dân quanh tranh chấp giữa hai công ty. |
Sau khi nghe ý kiến của người dân, lãnh đạo tỉnh cho biết, các cơ quan chức năng đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của người dân và nhấn mạnh bản chất bên trong của vụ việc này cần mổ xẻ và dựa theo quy định của pháp luật chứ không thể làm theo cảm tính. Nếu liên quan đến đơn vị nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đảm bảo các quyền lợi của các bên theo đúng qui định của pháp luật.
“Quan hệ giữa đôi bên là quan hệ bằng hợp đồng giữa hai bên. Trong đó, Bách Đạt An có phần trách nhiệm đúng, có phần sai, kể cả Hoàng Nhất Nam cũng vậy. Nhưng trong hợp đồng có quy định, nếu không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa và hiện TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đang thụ lý vụ việc của hai công ty.
Để giải quyết vụ việc phân minh, nếu tòa có triệu tập phía UBND tỉnh, tỉnh sẽ cử các ngành chức năng để cùng tham gia. Chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ, chứng cứ cho tòa án nếu họ yêu cầu. Chính quyền luôn theo dõi và sẽ can thiệp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mua đất và các bên liên quan” - ông Lê Trí Thanh nói.
Xem thêm...