Vance McElhinney là một trong số hàng nghìn đứa trẻ rời Việt Nam theo chiến dịch ‘Không vận Trẻ em’ vào năm 1975. Sau 43 năm thất lạc mẹ, kể từ chuyến bay định mệnh, anh mới gặp lại bà.
Chuyến bay định mệnh
Tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em), đưa hàng nghìn đứa trẻ Việt rời quê hương đến các nước như: Mỹ, Úc, Anh, Canada... bằng số tiền tài trợ của một tổ chức nhân đạo.
Gần 30 chuyến bay được sử dụng trong chiến dịch này. Theo lộ trình, máy bay sẽ khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Căn cứ Không quân Clark của Mỹ ở Philippines trước khi đưa đến các quốc gia khác. Theo tài liệu, các phi cơ đã đưa gần 3.000 trẻ em rời Việt Nam.
Hơn 40 năm sau chiến dịch, chỉ rất ít trong hàng nghìn đứa trẻ tìm được gốc gác của mình.
Anh Vance McElhinney (SN 1974, Anh quốc) là người may mắn đó. Vance thuộc danh sách 99 đứa trẻ được đưa sang Anh. Khi ấy, anh tròn 9 tháng tuổi, với lý lịch mồ côi cha mẹ, thông tin vỏn vẹn tờ giấy với dòng chữ: ‘Van Tan Nguyen (1974)’.
9 tháng sau khi lên chuyến bay, thông qua các chương trình nhận con nuôi, anh được cặp vợ chồng Cyril và Liz McElhinney ở thị trấn Lurgan (Bắc Ireland) đến đón về.
|
Vance lớn lên trong sự che chở của gia đình bố mẹ nuôi |
Anh là đứa trẻ cuối cùng trong 99 đứa trẻ từ Việt Nam sang được nhận nuôi. Bố mẹ nuôi đặt cho anh cái tên Vance McElhinney.
‘Bố mẹ nuôi của tôi là những người thành đạt và khá giả. Họ có 2 con trai tên là David và Stephen. Hai anh luôn coi tôi như em ruột. Suốt thời thơ ấu, tôi sống trong sự bao bọc, yêu thương của gia đình bố mẹ nuôi.
Tôi nhận ra sự khác biệt của mình từ khoảng năm 13 tuổi. Vì ngoại hình, màu da và khuôn mặt không giống với mọi người xung quanh. Đến trường, tôi bị bạn bè bắt nạt. Đó là khoảng thời gian tồi tệ. Từ thẳm sâu trái tim, tôi luôn dằn vặt: ‘Tại sao bố mẹ sinh tôi ra, không nuôi dưỡng, lại đưa vào cô nhi viện?
Tôi đã thẳng thắng hỏi bố mẹ nuôi và được họ kể cho nghe về gốc gác của tôi. Nhiều lúc tôi thử tưởng tượng xem bố mẹ đẻ có khuôn mặt thế nào nhưng bất lực vì ký ức trống rỗng. Tất cả những gì tôi có là giấy khai sinh giả để đưa tôi ra nước ngoài', giọng chậm rãi, Vance kể tiếp.
Đau đáu nguồn cội
Vance McElhinney chưa bao giờ nguôi ngoai về quá khứ bí ẩn của mình. Anh tìm đến dự án A Place To Call Home của một cơ quan báo chí địa phương nhờ giúp đỡ tìm kiếm thông tin người thân ở Việt Nam. Manh mối duy nhất là mẩu giấy năm xưa.
Chương trình lên sóng, anh được nhiều người gọi đến, nhận là bố mẹ. Thế nhưng trực giác mách bảo rằng, họ không phải ruột thịt của anh. Năm 2016 Vance về Việt Nam lần đầu tiên tìm mẹ, nhờ các kênh thông tin báo chí giúp đỡ nhưng không thành công.
Vance tiếp tục chờ đợi. Một ngày, anh nhận được tin nhắn của cô gái Việt Nam tên Hương qua facebook và thư điện tử. Trong tin nhắn, Hương gửi cho Vance bức ảnh anh lúc nhỏ, chụp cùng bố mẹ kèm theo một số thông tin ở Quy Nhơn. Theo người này, mẹ Vance tên là Lê Thị Anh.
Từ nguồn thông tin ít ỏi, năm 2017 Vance bay về Việt Nam lần nữa. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyễn Nga (giám đốc một trung tâm nhân đạo ở Quy Nhơn) và chị Hương đưa đến gặp mẹ. Sau này, anh mới biết Hương là con gái của cậu ruột - em trai bà Lê Thị Anh.
‘Mẹ tôi sống tại Quy Nhơn. Cuộc gặp đầu tiên, bà ôm chầm lấy tôi, bật khóc nức nở, nói tôi giống bố đẻ như đúc.
|
Vance lúc nhỏ và mẹ |
Trái tim tôi mách bảo: ‘Mẹ đây rồi’ nhưng từng đó năm xa cách, không có chút liên lạc nào, tôi cảm thấy xa lạ với bà, không vồ vập. Mẹ sốc vì sự xa cách của con trai, tôi sốc vì không dám tin rằng mẹ đẻ đang đứng trước mặt mình’, anh nghẹn ngào kể tiếp.
Vance từng trách bố mẹ bỏ rơi anh. Chỉ đến khi nghe mẹ ruột kể, từng lớp quá khứ dần được hé mở.
Tên khai sinh của anh là Nguyễn Thành Châu. Hơn 40 năm bà Anh không ngừng tìm kiếm con trai. Mọi giấy tờ kỉ vật liên quan đến Vance được bà lưu giữ cẩn thận.
Năm 1975, khi Vance được 8 tháng tuổi, bà Anh bị ốm nặng, nằm viện hai tháng trời. Loạn lạc xảy ra, bố Vance bỏ đi không lời từ biệt. Trong tình thế đó, người thân đưa Vance vào cô nhi viện ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) nhờ chăm sóc, đợi bà Anh khỏe lại sẽ đón ra.
Nào ngờ Vance được đưa vào TP. Hồ Chí Minh, di chuyển lên máy bay sang Anh theo chiến dịch ‘Không vận Trẻ em’.
Nghe tin con trai bị đưa sang nước ngoài, bà Anh gần như hóa điên, bỏ đi lang thang khắp nơi tìm con. Hơn 40 năm trời, bà ở vậy, dành công sức nghe ngóng tin đứa con thất lạc năm nào.
|
Giấy khai sinh của Vance được mẹ đẻ anh lưu giữ |
‘Cuộc gặp đó tôi chưa dám nhận mẹ. Mặc dù mọi thông tin trùng khớp đến 90% thì vẫn còn 10% có thể nhầm lẫn vì chưa có kết quả xét nghiệm ADN.
Trước khi quay trở lại Anh, tôi xin bà mẫu tóc xét nghiệm. Cũng từ đó, bà học tiếng Anh, dùng điện thoại công nghệ, máy tính bảng để nói chuyện với tôi hàng ngày. Tôi biết bà đã cố gắng để có cơ hội gần tôi hơn. Vì thế tôi cũng học thêm tiếng Việt để trò chuyện với bà’, người đàn ông này kể tiếp.
|
Bà Lê Thị Anh (mặc áo dài xanh) trong ngày cưới con trai |
Ngày nhận kết quả, Vanca vỡ òa vì hạnh phúc, gọi điện ngay cho mẹ ở Việt Nam thông báo. Hai mẹ con đều nghẹn ngào.
‘Đây là một phép màu. Trước đó hai mẹ con đã gọi cho nhau hàng trăm cuộc điện thoại nhưng cuộc gặp chính thức khi có kết quả ADN thực sự thiêng liêng. Mẹ khóc không ngừng, tôi đã ôm bà vào lòng, nước mắt trào ra trong cuộc gặp gỡ sau đó’, Vance nói tiếp.
Từ đó đến nay, năm nào Vance cũng về Việt Nam sống cùng mẹ 3 tuần.
‘Mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe bà rất yếu. Tôi luôn tranh thủ gần gũi mẹ khi còn có thể. Tôi thích các món ăn mẹ nấu’.
Anh vui vẻ chia sẻ, hiện anh yêu và đã kết hôn với một cô gái Việt Nam tên Lê Hằng (SN 1990). Hai người gặp nhau khi Vance về Việt Nam tìm mẹ.
‘Mẹ tôi đã có cuộc sống không hạnh phúc. Hơn 40 năm qua, điều mẹ mong ước là nhìn thấy con trai lấy vợ. Tôi giới thiệu Hằng với mẹ và bà đã cười đầy mãn nguyện.
Chúng tôi đã tổ chức đám cưới theo phong tục Việt Nam với sự chứng kiến của mẹ. Vợ tôi đang có thai hơn 2 tháng, mẹ sẽ được bế đứa cháu nội của mình. Cuối cùng ước nguyện của mẹ đã thành sự thực. Cảm ơn mẹ vì tất cả’, Vance nói.
Sau khi tìm được mẹ ruột, anh Vance quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ các trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật. Cùng trung tâm nhân đạo Nguyễn Nga giúp đỡ, chăm sóc những hoàn cảnh đáng thương như một lời tri ân đến cuộc đời. Ngoài ra, anh thường xuyên giúp đỡ tài chính cho Quỹ Bursary - một quỹ khuyến học thành lập trên cơ sở đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, tài trợ cho các học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn. |