|
Ảnh minh họa. |
Làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ hôm 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa ngay các thông tư, quy định về kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Nước ta hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp tham gia XNK, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày. Nghịch lý hơn ở chỗ, thời gian kiểm tra dài lê thê nhưng sai phạm được phát hiện… cực ít.
Theo tính toán, nếu giảm được một ngày thủ tục thông quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.
Trước thực trạng trên, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm được thời gian thông quan hàng hóa thì vai trò của KH&CN rất quan trọng, vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.
Phải làm nhiều việc nhưng về lâu dài, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.
Trong nhiều lĩnh vực khác hiện nay “quy trình” hành chính cũng đang tiếp tục là cản trở của sản xuất. Việt Nam bước vào nhiệm kỳ 2016-2021 vẫn với những khuyết tật cố hữu của một nền hành chính vẫn mang nặng tính quan liêu, bảo thủ, phiền hà, chia cắt bộc lộ rõ.
Trong bối cảnh đất nước tham gia hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới, hệ thống thể chế, hệ thống thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, khác biệt cùng phương thức quản lý, tổ chức bộ máy, phong cách, lề lối làm việc xưa cũ bắt buộc phải được thay đổi một cách căn bản, nếu không sẽ là lực cản trên con đường xây dựng đất nước.
Chính phủ xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng ngay từ năm 1994. Tuy nhiên, bản thân cải cách hành chính là một công việc va chạm, chúng ta đã thiếu điều kiện “đủ” là sự kiên định, dũng cảm.
Vì thế, quyết tâm của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng ta đã vạch ra tại Đại hội XII, phù hợp với quy định của pháp luật và nếu trở thành hiện thực sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của đất nước trong giai đoạn mới.
Không thể tiếp tục lề mề, tự mình “trói” mình!