Chiều 10/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó nội dung về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa.
Dự thảo luật quy định, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng các loại.
 |
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội |
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho biết, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không thể không có trong đời sống người dân.
"Chúng ta đi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng thiết yếu của người dân là không đúng với bản chất, mục đích của thuế này"- bà Lê Thị Nga nói.
Tương tự, với điều hòa công suất bình thường, trước đây được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng nay cũng là mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, bà Lê Thị Nga đề nghị bỏ quy định áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này; đồng thời đề nghị các cơ quan cần có giải trình thuyết phục vì sao đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hai mặt hàng là xăng và điều hòa.
"Chúng tôi đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa công suất bình thường. Nếu như không bỏ thì cần lý giải thêm tại sao đưa mặt hàng thiết yếu vào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?"- Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nêu quan điểm.
Thống nhất với quan điểm không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, điều hòa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, xăng, điều hòa là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ để đánh thuế đặc biệt. Hơn nữa, xăng còn chịu thuế bảo vệ môi trường.
 |
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội |
Giải trình sau đó, ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Tài chính cho biết, nhu cầu tiêu dùng với mặt hàng điều hòa, thiết bị làm mát tăng cao những năm qua. Nhiều công nghệ mới được phát triển trong sản xuất các mặt hàng này để giảm sử dụng chất lạnh gây tác hại môi trường, tiết kiệm điện... Tuy nhiên, công nghệ biến tần inverter dù hỗ trợ nhưng cũng chỉ giúp tiết kiệm điện năng 20 - 40% so với thiết bị thông thường, vẫn gây tác hại đến môi trường.
Tham khảo kinh nghiệm các nước, một số nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nauy đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với HFC dùng trong điều hòa. Tại châu Âu để tiết kiệm năng lượng, nhiều nước quy định hạn chế sử dụng điều hòa. Như Tây Ban Nha cấm để điều hòa dưới 27 độ C, ở Anh lắp đặt điều hòa, chủ nhà phải xin giấy phép, sau khi lắp đặt điều hòa phải thường xuyên kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng, khả năng vận hành. Thụy Sĩ để xin giấy phép lắp đặt điều hòa không hề đơn giản.
Theo quyết định 496 của Thủ tướng, nhà chức trách đưa ra kế hoạch hạn chế sử dụng các chất gây hại môi trường, tầng ozon. Do đó, Thứ trưởng Tài chính cho rằng cần thu thuế với điều hòa để nâng cao nhận thức của người dân trong tiêu dùng tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường.
Với xăng, ông Tuấn nói đây là mặt hàng có nguồn gốc hóa thạch, nên cần được sử dụng tiết kiệm. Hiện các nước thu thuế này ở mức thấp với xăng sinh học như Pháp, Đức, Italy.
Tại Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 8% và xăng E10 là 7%; dầu không phải chịu loại thuế này. Xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) hiện ở mức 21.330 đồng một lít. Như vậy, trong mỗi lít xăng hiện có hơn 2.000 đồng là thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính trước thuế VAT). Đồng thời, mỗi lít xăng bán ra cũng đang phải chịu thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng, E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.
Ông Tuấn cho rằng Việt Nam thu thuế này với xăng trong 20 năm qua rất ổn định. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Trước những quan điểm khác nhau, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng nếu tiếp cận xăng là các mặt hàng đầu vào, thiết yếu của cuộc sống thì có thể xem xét lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và tính toán tăng thuế bảo vệ môi trường loại nhiên liệu này.