Sáng 10/4, Ban Doanh nhân & Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” - tới thăm, tặng quà Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội và các hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội). Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 16 năm ra mắt ấn phẩm Doanh nhân & Pháp luật - Báo Pháp luật Việt Nam (4/4/2008 - 4/4/2024).
|
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam và các đơn vị đồng hành trao quà chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương" cho hộ bà Nguyễn Thị Hạnh. |
Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng…
Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” do Ban Doanh nhân & Pháp luật khởi xướng đã trao các phần quà với tổng giá trị gần 250 triệu đồng tới Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội.
Phát biểu mở đầu sự kiện, Phó Chủ tịch Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng Ban Doanh nhân & Pháp luật, nhà báo Vân Hương đã thay mặt Báo Pháp luật Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các cấp chính quyền huyện Ba Vì, Ban lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện trong suốt quá trình diễn ra sự kiện. Nhà báo Vân Hương khẳng định: “Nếu như mỗi cá nhân chúng ta đều nỗ lực tùy theo khả năng riêng để cùng chia sẻ, hỗ trợ cho các hoàn cảnh thiệt thòi xung quanh thì chắc chắn cuộc sống mỗi người sẽ tốt đẹp hơn, từ đó, cộng đồng phát triển hơn và xã hội văn minh hơn”.
Tại chương trình, đại diện Báo Pháp luật Việt Nam đã trao 30 triệu đồng tiền mặt và các phần quà sản phẩm là những vật dụng thiết thực trị giá 145.380.550 đồng tới Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, các nhà báo, phóng viên và nhà hảo tâm đã trực tiếp tới tham quan khu nuôi dưỡng, thăm hỏi người khuyết tật tại Trung tâm.
Ông Phùng Công Lợi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội cho biết: “Hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 315 người khuyết tật. Trong đó có 150 người khuyết tật, 165 trẻ em khuyết tật. Cụ nhiều tuổi nhất hiện nay đã hơn 90 tuổi, cháu nhỏ nhất là 2 tuổi. Đa phần người khuyết tật và trẻ khuyết tật khi tiếp nhận vào Trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, không có gia đình, người thân. Họ bị bại não, bại liệt và mắc hội chứng down, khuyết tật đặc biệt nặng không tự phục vụ được bản thân… Đơn vị thường xuyên phải đưa các cụ và các cháu khuyết tật của Trung tâm đi khám bệnh định kỳ, chạy thận, điều trị tại bệnh viện, nên đòi hỏi công tác chăm sóc, nuôi dưỡng rất đặc thù. Nhân dịp này, ông Phùng Công Lợi cũng đã thay mặt tập thể cán bộ, người khuyết tật gửi lời cảm ơn đến Báo Pháp luật Việt Nam và các nhà hảo tâm, cam kết sử dụng các phần quà, phần tiền được trao tặng để phục vụ người khuyết tật tại Trung tâm.
Động lực thoát nghèo…
Cũng trong chuyến thiện nguyện, đoàn đã tới thăm và trao quà cho 23 hộ đặc biệt nghèo tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội gồm 61 triệu đồng tiền mặt và các sản phẩm thiết thực trị giá hơn 24 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch xã Vân Hòa cho biết: “Xã đã tích cực thực hiện chủ trương của Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo và đã có nhiều hộ thoát nghèo thành công nhưng hiện trên địa bàn vẫn còn 23 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo, đó là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình đơn thân, mất khả năng lao động, người già neo đơn. Theo chủ trương của Nhà nước, xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, để thoát nghèo thì rất cần sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, đơn vị, cá nhân để các hộ có động lực thay đổi”.
Thay mặt địa phương, bà Hà gửi lời cảm ơn tới Báo Pháp luật Việt Nam và các nhà hảo tâm; đồng thời khẳng định chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo, nỗ lực giúp đỡ các hộ nghèo và tiếp tục động viên, khuyến khích người dân thoát nghèo. Đại diện các hộ gia đình được trao quà, bà Nguyễn Thị Phượng (thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa) đã gửi lời cảm ơn tới Báo Pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Thay mặt các hộ gia đình đặc biệt khó khăn xã Vân Hòa, bà Phượng khẳng định, các món quà hôm nay là động lực rất lớn để gia đình nỗ lực, vươn lên, quyết tâm sẽ phát triển thoát nghèo.
Khép lại chương trình, đoàn thiện nguyện “Sống yêu thương” đã đến thăm 2 gia đình đặc biệt khó khăn tại xã là hộ bà Nguyễn Thị Hạnh và hộ anh Nguyễn Văn Toàn. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hạnh hơn 60 tuổi nhưng đã sống một mình từ lâu, bà cũng mắc khuyết tật tâm thần và được hưởng chế độ người khuyết tật của Chính phủ. Bà đã hoàn toàn mất khả năng lao động, căn nhà đang ở cũng là do Mặt trận Tổ quốc xã quyên góp, cuộc sống hàng ngày cũng cần người xung quanh hỗ trợ rất nhiều.
Tương tự trường hợp bà Hạnh, gia đình 2 cha con anh Nguyễn Văn Toàn cũng rất khó khăn. Anh Toàn đã mất cánh tay phải do tai nạn, hiện anh chỉ làm một số công việc lặt vặt trong gia đình, gần như không có thu nhập. Con trai anh sinh năm 2012, đang học lớp 6 và cũng đã được hỗ trợ về học phí. Tuy nhiên, để có thể thực sự thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, gia đình anh Toàn cũng như nhiều trường hợp khác trên địa bàn vẫn cần rất nhiều sự trợ giúp cả về vật chất và tinh thần từ các đơn vị, cá nhân và cộng đồng.
Nhà thiết kế Hoàng Ly - Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam: “Tôi thực sự rất xúc động khi tận mắt chứng kiến những người khuyết tật không thể tự chăm sóc bản thân nhưng các cán bộ vẫn tận tình chăm lo cho họ chu toàn về mọi mặt. Chứng kiến hoàn cảnh của họ, tôi thấy bản thân vẫn còn rất may mắn, tôi cũng nhận thấy mình cần quan tâm nhiều hơn đến các trường hợp này và mong rằng cộng đồng cũng sẽ chung tay chia sẻ để xoa bớt nỗi đau của họ”.