Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS).
Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
“Cần giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" BĐS để cung và cầu gặp nhau…”
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng… Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, có nhiều chỉ đạo, cuộc họp, diễn đàn để ghi nhận ý kiến góp ý, tìm giải pháp tháo gỡ cho thị thường BĐS.
Chính phủ, Quốc hội đã khẩn trương sửa đổi các luật liên quan, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn luật. Bên cạnh đó, dấu hiệu "ấm lên", khả quan của nền kinh tế cũng có sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội BĐS.
|
Lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp BĐS phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh chinhphu.vn |
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, như: Tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh BĐS…
"Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện những gì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Đồng thời, các nhà đầu tư, DN BĐS phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá" để cung và cầu gặp nhau…", Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng"cần cùng cần nhau có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh, nhằm đưa thị trường BĐS trở lại hoạt động bình thường”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách do Quốc hội, Chính phủ ban hành, các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đã tăng cường phối hợp, vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhất là các vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu… Qua đó, thị trường BĐS nói chung và việc triển khai thực hiện các dự án BĐS nói riêng đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Hà Nội hiện có 404 dự án; qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết: đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.
Tương tự, TPHCM đã triển khai giải quyết: theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản Thành phố tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…
Nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)) tháo gỡ nhưng chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc hiện nay.
DN kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý
Một số DN kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực BĐS "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng... "Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành BĐS là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ", ông Đào Minh Tú cho hay.
|
Ảnh minh hoạ. |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc phát triển thị trường BĐS lành mạnh góp phần vào tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền được tiếp cận nhà ở của người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS… vừa được thông qua, từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực.
Tổ Công tác thống kê số dự án BĐS đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục pháp lý; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư BĐS có năng lực; tổng kết, pháp điển hoá việc thí điểm cho phép địa phương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các dự án BĐS nhưng không giảm các chỉ tiêu chung; mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, DN trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…
Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khoá dài hạn hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi; thành lập quỹ đầu tư nhà ở xã hội bao gồm ngân sách Nhà nước, đóng góp của DN từ chi phí 20% xây nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cho DN xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội, bảo đảm hài hoà giữa thực hiện chính sách xã hội và cơ chế thị trường.