![]() |
Cốm Mễ Trì được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng. Ảnh internet |
Mễ Trì xưa có tên là Anh Sơn, tên cổ là Kẻ Mẩy. Nơi đây, đất đai phì nhiêu màu mỡ, người dân cấy cày trồng lúa tám thơm. Năm 1004, thời vua Lê Đại Hành, làng Anh Sơn đem gạo và rượu của làng tiến vua. Sau khi dùng thử gạo và rượu của làng, vua Lê Đại Hành đã ban thưởng và cho đổi tên làng thành Mễ Trì (nghĩa là Ao Gạo).
Đầu thế kỷ 19 (không rõ năm), nghề làm cốm bắt đầu ra đời tại Mễ Trì. Cốm Mễ Trì có màu xanh hơi vàng, dẻo và mùi thơm đặc trưng của lúa non và nhanh chóng trở thành đặc sản danh tiếng của đất kinh kỳ xưa cũng như Thủ đô Hà Nội ngày nay, gắn với câu ca dao:
Cốm vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn
Những năm gần đây, nghề cốm Mễ Trì đã và đang phát triển mạnh mẽ với những thay đổi vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa của Mễ Trì. Chính vì vậy, ngày 30/12/2016, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với Làng cốm Mễ Trì.
Ba năm sau, nghề cốm Mễ Trì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cốm và các sản phẩm từ Cốm Mễ Trì đã vinh dự được Trung ương và thành phố chọn là 1 trong 9 đặc sản tinh túy đặc sắc của Hà Nội để giới thiệu và phục vụ các đại biểu, giới truyền thông trong nước và Quốc tế tại Trung tâm báo chí Quốc tế trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.
Cốm Mễ Trì được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng. Trước kia, các hộ trong làng đều tự trồng lúa để lấy nguyên liệu sản xuất cốm; tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây do ảnh hưởng của đô thị hóa đã khiến cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp, vì vậy nên đa số nguyên liệu làm cốm hiện tại đều được lấy từ các địa phương lân cận như: Đông Anh, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mê Linh, Bắc Ninh…là những khu vực có chất lượng lúa ổn định, đảm bảo không thua kém gì chất lượng lúa Mễ Trì xưa.
Một cán bộ phường Mễ Trì cho biết, mặc dù “Cốm Mễ Trì” là sản phẩm làng nghề có danh tiếng và chất lượng, nhưng “danh tiếng và chất lượng”, cũng như cách thưởng thức cốm vẫn chỉ được lan tỏa theo phương pháp truyền miệng là chính, thiếu đi sự hướng dẫn và định hướng tiêu dùng một cách cụ thể. Điều này là hạn chế và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, dẫn đến khó khăn trong phát triển thị trường.
Vì vậy, “Cốm Mễ Trì” cần được bảo tồn, phát huy danh tiếng sản phẩm làng nghề truyền thống. Nên có sự thống nhất quản lý và nâng cao chất lượng, giá trị, gia tăng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Đây được cho là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết phục vụ cho việc thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống của quận Nam Từ Liêm nói riêng và của Hà Nội nói chung.