Nỗ lực cải thiện, nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những mục tiêu quan trọng mà Đồng Nai, Bà Rại - Vũng Tàu và nhiều tỉnh phía Nam phấn đấu...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa phê duyệt quyết định “Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương”. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND để cải thiện Chỉ số PCI với mục tiêu tiếp tục “phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước”. Việc các tỉnh ban hành quy định mới về chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, đồng thời bổ sung các “chỉ số xanh” dựa trên sự điều chỉnh phương pháp luận do VCCI xây dựng và tham chiếu các chỉ số đánh giá theo thông lệ quốc tế.
Đồng Nai: bắt đầu khảo sát ý kiến để nâng chất lượng
Ngày 6/11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ban hành quyết định 3307/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 - (DDCI). Đây là hoạt động thường niên tiếp nối thành công của hoạt động DDCI năm 2023 của tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ban ngành và địa phương, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương. DDCI Đồng Nai 2024 do Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI) thực hiện.
|
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai đạt chỉ số DDCI cao nhất. |
Bộ chỉ số trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa nghiên cứu về Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI về phương pháp luận, kỹ thuật khảo sát; kế thừa có chọn lọc Bộ chỉ số năm 2023; tiếp thu kinh nghiệm của các tỉnh/thành phố đã triển khai hiệu quả khảo sát và dựa vào đặc thù của tỉnh Đồng Nai. Dựa vào các cơ sở trên, Bộ chỉ số DDCI tính cho khối Sở - ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần và bộ chỉ số DDCI tính cho khối Địa phương có 9 chỉ số thành phần gồm: Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị; chỉ số Xanh và Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Điểm mới của Bộ chỉ số DDCI Đồng Nai 2024 là bổ sung Chỉ số Xanh, được xây dựng dựa trên sự điều chỉnh phương pháp luận Chỉ số xanh cấp tỉnh do VCCI xây dựng và tham chiếu các chỉ số đánh giá theo thông lệ quốc tế. Các chỉ tiêu Xanh được xây dựng theo 2 góc độ là: nhận định của doanh nghiệp về tính chủ động và quyết liệt của cơ quan chính quyền trong việc xây dựng, tuyên truyền và phổ biến các chương trình phát triển xanh; và nhận định của doanh nghiệp về tính chủ động của cơ quan chính quyền trong việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong việc thực hiện và phát triển theo định hướng xanh thông qua các hỗ trợ chính sách, hướng dẫn cơ chế…
Để triển khai có hiệu quả, Đồng Nai sẽ tiến hành cuộc điều tra, khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI), hợp tác xã, hộ kinh doanh (gọi tắt là cộng đồng doanh nghiệp) được thực hiện thông qua hình thức khảo sát trực tiếp; trực tuyến (được thực hiện thông qua hệ thống khảo sát online do đơn vị tư vấn xây dựng nền tảng Zalo hoặc các Cổng thông tin điện tử của tỉnh); và gián tiếp (đường bưu điện).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, thời gian dự kiến khảo sát bắt đầu từ 11/11/2024, các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả khảo sát là nguồn thông tin quý giá giúp tỉnh Đồng Nai và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau giám sát để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, đối tượng được đánh giá gồm các Sở – ban, ngành và địa phương có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Đồng Nai, cụ thể: Khối Sở – ban, ngành gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đồng Nai, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp. Khối địa phương để lấy khảo sát ý kiến gồm: TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh, và các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Khắc phục bất cập để nâng hạng PCI
Theo ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND để cải thiện Chỉ số PCI năm 2024 với mục tiêu tiếp tục “phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước”.
|
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận chứng nhận Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2023. |
Trước khi kế hoạch ban hành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Chỉ số PCI của BR-VT xếp thứ 6 trong top 10 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất năm 2023. Cụ thể: Các chỉ số tăng điểm như: Gia nhập thị trường (7,24 điểm, tăng 0,29 điểm); Tính minh bạch (6,94 điểm, tăng 1,01 điểm); Chi phí thời gian (7,97 điểm, tăng 0,16 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,57 điểm, tăng 0,54 điểm); Đào tạo lao động (6,63 điểm, tăng 0,32 điểm); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (8,00 điểm, tăng 0,59 điểm).
Ông Lê Ngọc Khánh cho biết, bên cạnh những chỉ số tăng điểm PCI, BR-VT có 4 chỉ số giảm điểm, giảm bậc gồm: Cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của chính quyền; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây là những hạn chế sẽ được BR-VT khắc phục trong thời gian tới.
Theo đánh giá của VCCI và các chuyên gia kinh tế, sự kiện thăng hạng PCI nêu trên phần nào minh chứng cho hành động và giải pháp đúng đắn của BR-VT nhằm nâng cao năng lực cạnh cạnh, gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điển hình, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận mọi phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư.
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận nêu trên, ông Lê Ngọc Khánh cũng cho hay, năm 2023 bên cạnh những chỉ số tăng điểm PCI, BR-VT có 4 chỉ số giảm điểm, giảm bậc gồm: Cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của chính quyền; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiệm vụ; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây là những hạn chế sẽ được BR-VT khắc phục trong thời gian tới.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, để triển khai Kế hoạch số 170/KH-UBND, các ban, ngành tỉnh BR-VT đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực hiện Đề án văn hoá công vụ; khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số con thuộc lĩnh vực phụ trách được đánh giá chưa tốt.
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch, bám sát các nhiệm vụ đã được giao trong Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh BR-VT về việc cải thiện chỉ số PCI giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh BR-VT yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi, thực hiện các chỉ số PCI và các chỉ số thành phần được giao chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số PCI và chịu trách nhiệm nghiên cứu đề ra các giải pháp để thực hiện đối với từng chỉ số thành phần thuộc thẩm quyền phân công. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương và các nội dung của kế hoạch.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền định kỳ hàng năm đến các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao PCI, PGI.