Những nội dung chính: Những cánh đào đã khoe sắc thắm tại chợ hoa Quảng An; Làng nghề duy nhất còn sản xuất hoa giấy phục vụ tục thờ cúng Thanh Tiên; Phát động chiến dịch "Xuân tình nguyện" với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Những cánh đào đã khoe sắc thắm tại chợ hoa Quảng An, Hà Nội
Những ngày này, chợ hoa truyền thống ở Quảng An (Tây Hồ) đã ngập tràn sắc thắm của hoa đào. Còn gần một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng đã bắt đầu có khách tới ngắm và chọn mua những cành đào ưng ý. Không khí rộn ràng sắc xuân đã ngập tràn khắp chợ Hoa.
Chưa đến mức nở rộ, song những nụ đào Nhật Tân lác đác khoe sắc cũng đủ khiến cho mọi người có cảm nhận không khí Tết Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần.Tại các vườn đào, người dân đang tất bật với công việc tuốt lá để chuẩn bị cho đào có thể nở hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán 2018.
Về cơ bản, năm nay đào phát triển đúng như kì vọng của những người trồng. Những nụ đào đầu tiên đã hé sắc hồng thắm. So với Tết 2017, thì năm nay giá đào sẽ không biến động. Nếu thời tiết thuân lợi thì có thể giá đào sẽ rẻ hơn Tết 2017 một chút. Tuy rằng, đào có thể rẻ hơn vài giá nhưng những người nông dân vẫn vui vì lượng đào bán ra thị trường sẽ nhiều hơn.
Thời điểm này, những khách hàng quen mọi năm cũng đã đặt đào chơi Tết và giá đào cành năm nay nếu thời tiết vẫn duy trình tình trạng rét dưới 20 độ C như những ngày qua sẽ có giá dao động từ 80.000 – 500.000 đồng/cành. Còn với đào cây, giá sẽ dao động khoảng từ 120.000 đồng - vài triệu đồng/cây nhỏ. Riêng những gốc đào thế, đào lâu lăm, đào tạo hình Khuyển có thể có giá vài chục triệu đồng.
Làng nghề duy nhất còn sản xuất hoa giấy phục vụ tục thờ cúng Thanh Tiên, Thừa Thiên Huế
Nằm dọc bờ nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình, cách thành phố Huế 7 km, làng nghề làm hoa giấy thuộc địa phận xã Phú Mậu, huyện Phú Vang được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng tắp. do nằm ở địa bàn thấp trũng nên Phú Mậu thường xuyên gánh chịu những đợt lũ lụt hàng năm khi nước sông Hương dâng cao.
Vì thế, thay vì trồng hoa tươi, người dân làng Thanh Tiên nghĩ ra cách làm hoa giấy để giải quyết công việc mưu sinh vào mùa mưa. Bên cạnh đó, tín ngưỡng dân gian rất coi trọng việc thờ cúng ông bà, tổ tiên và các vị thần linh. Trong đó, hoa giấy thường được trang trí ở những nơi tôn kính, linh thiêng nhất trong nhà.
Đến nay, nghề làm hoa giấy của người dân làng Thanh Tiên đã trải qua 300 năm tồn tại và hiện trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. để làm được một cánh hoa, đòi hỏi các nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ. Các công đoạn để làm được một cánh hoa gồm có: Tre (phải là tre lồ ô mới có độ dẻo dai) được vót nhỏ và phơi khô; Giấy được nhuộm màu; Hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục. Hoa có 2 loại, một là để thờ cúng (vào dịp Tết) và loại còn lại là hoa sen giấy (cung cấp ra thị trường quanh năm).
Hoa giấy Thanh Tiên hiện nay không chỉ nổi tiếng đặc thù cho văn hóa cố đô Huế, mà còn theo chân du khách đến các vùng miền khác như Hà Nội, Hội An hay ra cả nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc…
Phát động chiến dịch "Xuân tình nguyện" với nhiều hoạt động ý nghĩa
Chiến dịch năm nay được diễn ra từ ngày 14/01/2018 (nhằm ngày 28 tháng 11 âm lịch) đến 11/02/2018 cho hơn 30.000 chiến sĩ thuộc các trường đại học, cao đẳng, học viện và các trường THPT thuộc 24 Quận - Huyện Đoàn tham gia. Chiến dịch hướng đến chăm lo cho Mẹ Việt Nam anh hùng, ba má phong trào học sinh sinh viên, cơ sở lực lượng vũ trang, gia đình chính sách liên quan đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968; các trẻ em mồ côi, tật nguyền, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em tại các bệnh viện, mái ấm, nhà mở; người già neo đơn tại các trung tâm dưỡng lão thành phố; Bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; Các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các đồn biên phòng trên địa bàn Thành phố, biên giới, biển đảo; Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê ăn Tết có được một mùa xuân đầm ấm, hạnh phúc.
Địa bàn thực hiện chiến dịch tập trung tại 24 quận, huyện TP. Hồ Chí Minh; các địa bàn tại biên giới, biển, đảo; các bệnh viện, mái ấm, nhà mở, các trường chuyên biệt, các cơ sở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; các ký túc xá, khu lưu trú sinh viên, khu lưu trú công nhân; các nhà ga, bến xe, chợ, khu lao động, đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang. ĐVới các hoạt động như: Không gian Tết sinh viên, hiến máu tình nguyện, niền vui cuối năm, nghìn bánh trưng xanh, quà xuân cho em,...
Đặc biệt trong năm nay, Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Chỉ huy chiến dịch triển khai chương trình “Xuân lịch sử” với các hoạt động cụ thể gồm Ngày hoạt động cao điểm “Uống nước nhớ nguồn”; thiết kế các sản phẩm tuyên truyền, giới thiệu sách về cuộc tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; đến viếng, tưởng niệm, tham quan Bia tưởng niệm Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Gia Định trong cuộc tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Hội trường Thống Nhất và khu Tưởng niệm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình đã hỗ trợ cựu cán bộ Thành Đoàn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.