Những nội dung chính: Quận 1 tiếp tục ra quân dành lại vỉa hè cho người đi bộ; Khu chợ miễn phí giữ xe và phát nhạc trong nhà vệ sinh...
1/ Quận 1 liên tục ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ
Tại đường Huỳnh Thúc Kháng, nhiều ôtô đậu nửa dưới đường, nửa trên vỉa hè đều bị lực lượng chức năng lập biên bản. Do không có tài xế tại thời điểm kiểm tra, các xe bị niêm phong. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Đức Thắng, Tôn Thất Thiệp, Trương Định… Đoàn công tác niêm phong, cẩu 6 ôtô, lập biên bản xử phạt 11 xe khác.
Tại đường Hồ Tùng Mậu, đoàn liên ngành lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng đối với bãi giữ xe máy lấn chiếm vỉa hè; tháo dỡ hàng loạt bảng hiệu, mái che của các cơ sở kinh doanh dọc 2 bên đường... Đoàn công tác được nhiều người dân chú ý, đổ ra đường theo dõi, chụp ảnh. Có người bức xúc tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại khu mình ở, đề nghị tới xử lý.
Chiến dịch "đòi" vỉa hè cho người đi bộ được UBND quận 1 triển khai ngay sau Tết. Với quyết tâm lập lại trật tự đô thị để trung tâm thành phố như "Singapore thu nhỏ", đoàn liên ngành đã xử lý cả nghìn trường hợp, thu ngân sách hơn 600 triệu đồng.
Trong đó có việc phá bỏ nhiều công trình của cơ quan công quyền, xử phạt hàng loạt ôtô biển xanh... Ông Đoàn Ngọc Hải từng tuyên bố "sẽ cởi áo về vườn" nếu không thể xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Động thái mạnh tay của quận 1 cũng gặp phải nhiều phản ứng của người dân, song ông Hải khẳng định xử lý đúng luật. Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao hiệu quả của quận 1 nhưng cũng nhắc nhở ông Hải và các quận huyện khác cần làm "đúng quy trình".
Khi được hỏi về việc chiến dịch ra quân đòi lại vỉa hè kéo dài bao lâu, ông Hải cho biết khi nào người dân cảm thấy hài lòng mới thôi. Ông Hải cũng cho biết kể từ ngày ra quân đến nay, quận 1 đã cẩu hàng trăm ô tô đậu trái phép trên vỉa hè. Và đến nay, chưa có xe nào từng bị cẩu dám tái phạm.
2/ Sau cãi vã phát hiện người đàn ông nằm chết bên đường
Theo thông tin ban đầu từ người dân địa phương, khoảng 7h sáng 10/3, người dân lưu thông dưới dạ cầu Nước Lên (phường An Lạc, quận Bình Tân) thì phát hiện một người đàn ông nằm chết bên đường, cạnh chiếc xe máy và 1 chiếc ô tô bị hư hỏng.
Nhận được thông tin, CSGT, Công an quận Bình Tân và VKSND quận Bình Tân có mặt phong tỏa hiện trường để khám nghiệm và ghi nhận lời khai các nhân chứng. Bước đầu khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện trong túi của nạn nhân có một số vật dụng gồm: 1 cây kéo, 1 cây kim tiêm, 4 con dao các loại và nhiều điện thoại di động…
Tại hiện trường, chiếc xe máy và ô tô đều bị hư hỏng nghi do có va chạm với nhau. Công an sau đó chuyển cả 2 phương tiện về trụ sở để điều tra.
3/ Cần cẩu sập đè phòng trọ trong đêm, 2 người bị thương
Người dân cho biết, khoảng gần 3 giờ sáng ngày 07/3 họ nghe tiếng động mạnh đè lên mái nhà nên hoảng hồn vùng dậy chạy ra ngoài thoát thân. Theo người dân địa phương, sự cố làm người đàn ông ngồi trong buồng điều khiển cần rơi xuống đất và một nam thanh niên trọng thương.
Theo người dân tại đây, vài ngày trước, người dân trong khu trọ đã bất an vì tay cần cẩu vươn qua nóc nhà khu này. Ghi nhận tại hiện trường, tay cần cẩu dài gần 100m vắt ngang từ công trình sang 3 nóc nhà trọ bên cạnh, gãy quẹo, phần nóc của 3 nhà trọ và 1 xưởng gỗ bị hư hỏng, sập mái, đồ đạc bị xáo trộn. Dự án nhà ở Topaz Home gồm 8 block, cao 20 tầng do Công ty Cổ phần TMDV XD-KD Nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư.
Sáng cùng ngày, Công an địa phương, Viện kiểm sát và cơ quan chức năng có mặt điều tra nguyên nhân.
4/ Cháy bãi phế liệu, cả trăm chiến sĩ được huy động đến dập lửa
Thông tin ban đầu vào khoảng 18 giờ 30 ngày 06/3, một số công nhân của bãi phế liệu thấy lửa phát ra từ phía sau bãi chứa nên tri hô cùng nhau dập lửa.
Do bên trong bãi chứa toàn những vật liệu dễ cháy: nhựa, mủ, ve chai nên ngọn lửa phát cháy lớn. Nhận tin báo, lực lượng PCCC quận Bình Tân, Đội chữa cháy chuyên nghiệp Khu vực II đã đều động 10 xe cùng cả trăm cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tiến hành chữa cháy.
Bao quanh bãi chứa phế liệu là kênh mương nên việc tiếp nước chữa cháy khá thuận lợi. Hơn nữa tiếng sau đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Phòng ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại lực lượng chức năng cho xe cuốc bốc, xới các đống phế liệu lên rồi phun nước liên tục làm mát.
Bước đầu ghi nhận không có thương vong về người nhưng nhiều hàng hoá bên trong bãi chứa phế liệu bị cháy đen, biến dạng.
5/ Bất ngờ cháy lớn tại buổi ra mắt phim
Khoảng 19h ngày 9/3, tại buổi ra mắt phim ngoài trời bất ngờ xảy ra đám cháy lớn khiến mọi người hoảng loạn. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do vật liệu trong buổi ra mắt phim sử dụng là mút, đoàn biểu diễn tiết mục bằng lửa nên bắt vào gây cháy mạnh.
Ngọn lửa xuất phát từ đạo cụ của một diễn viên đang trình diễn. Do sân khấu với vật dụng đa số làm bằng rơm và giấy nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và thiêu rụi mọi thứ chỉ trong 5 phút.
Trong lúc phát hỏa, rất nhiều khách mời cùng khán giả đang có mặt ở dưới sân khấu rất bất ngờ và có phần hốt hoảng. Sau khi được sự hướng dẫn của lực lượng an ninh, mọi người đã nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngay lập tức hai xe cứu hỏa đã được huy động để dập lửa. Đến 19h20 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Vì buổi ra mắt được tổ chức ở khu vực ngoài trời khác với chỗ chiếu phim nên công tác chữa cháy được tiến hành rất nhanh. Sự việc may mắn không gây thiệt hại về người.
6/ Khu chợ miễn phí giữ xe và phát nhạc trong nhà vệ sinh
Chợ Rạch Ông thực hiện việc không thu phí giữ xe khách đi chợ và đưa vào hoạt động nhà vệ sinh có nhạc từ tháng 7/2016 theo chỉ đạo của UBND quận 8. Và từ khi chợ Rạch Ông không thu phí giữ xe và phát nhạc trong nhà vệ sinh, khách đến chợ ngày càng nhiều hơn.
Với mục đích hướng tới chợ “văn minh thương nghiệp”, UBND quận 8 yêu cầu các đơn vị trúng thầu không thu tiền gửi xe khách đi chợ, cải tạo nhà vệ sinh khang trang.
Những ngày đầu áp dụng nhiều người dân cảm thấy lạ nhưng rất vui vì không phải mất 3.000 đồng tiền gửi xe như đi các khu chợ khác. Ngoài ra khu vực nhà vệ sinh vừa được nâng cấp có người dọn dẹp sạch sẽ lại có phát nhạc nhạc giao hưởng để tạo không khí thoải mái khiến không ít người thích thú.
Tương tự chợ Rạch Ông, 2 khu chợ khác là chợ Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2 (phường 7, quận 8) cũng không thu phí giữ xe của khách hàng đi chợ đồng thời nâng cấp nhà vệ sinh. Qua 1 thời gian thực hiện, có thể thấy hiệu quả mang lại rất khả quan khi các chợ không thu tiền gửi xe và nhà vệ sinh sạch sẽ, tiện nghi hơn.
Hiện các đơn vị trúng thầu đã triển khai tại ba chợ Rạch Ông, Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2. Những chợ còn lại cũng sẽ triển khai việc không thu tiền gửi xe và nâng cấp nhà vệ sinh trong năm nay.
Trên địa bàn quận 8 hiện có 15 chợ truyền thống trong đó có 13 chợ do các hợp tác xã đấu thầu. Do được đấu thầu nên các chợ được đầu tư khang trang hơn. Hai chợ còn lại là Phạm Thế Hiển và Xóm Củi cũng sẽ được đấu thầu trong năm nay. Ngoài ra trong năm 2017, các chợ truyền thống trên địa bàn quận 8 cũng sẽ chỉ sử dụng bao nylon tự hủy nhằm bảo vệ môi trường và thực phẩm được đảm bảo an toàn.
7/ Xúc động hình ảnh cha đi hát rong nuôi 2 con bị teo não
Anh Đặng Hữu Nghị (quê Thừa Thiên Huế) hơn 10 năm trước lập gia đình. Năm 2004 vợ chồng Nghị vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng. Tuy nhiên niềm vui không thể kéo dài bởi gần một năm sau đó, bé Đặng Hữu Toàn vẫn không phát triển cân nặng và chiều cao, đặc biệt vòng đầu bị teo nhỏ. Lo lắng vì nghĩ còn gặp chuyện chẳng lành, gia đình đưa bé đi khắp các bệnh viện ở Huế và các bệnh viện ở Hà Nội để khám. Kết quả nhận được như sét đánh ngang tai. Các bác sĩ cho biết cháu bé bị teo não không thể chữa trị được.
Gạt nước mắt nuôi con, đến năm 2007 vợ chồng anh Nghị nuôi ước mơ có đứa con thứ hai lành lặn nên đã thăm khám thật kỹ trước khi mang thai. Mọi việc xảy ra hoàn toàn bình thường, thai nhi phát triển tốt, thế nhưng điều xấu lần thứ hai lại ập xuống. Bé Đặng Hữu Tùng ra đời mang căn bệnh giống hệt như anh trai mình.
Năm 2010, thấy ở Huế loay hoay mãi không đủ tiền lo cho gia đình, anh Nghị quyết định đưa vợ con vào Nam sinh sống đồng thời cũng muốn tìm kiếm cơ hội chữa trị cho các con. Chọn vùng ven để tiết kiệm chi phí, anh và vợ thuê căn nhà nhỏ ở thay nhau đi bán vé số và chăm con, thế nhưng chỉ vài tháng sau, túng thiếu vẫn quàng túng thiếu, cả nhà đưa nhau trở lại quê.
Không lâu sau đó, vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ anh cũng bỏ đi. Anh Nghị gà trống nuôi con lại khăn gói lặn lội rời quê vào TP Hồ Chí Minh thuê phòng trọ để mưu sinh bằng việc hát rong, bán kẹo mút và để có cơ hội chữa trị cho hai con trai bị bệnh.
Được nhiều người thấy thương đến thăm và giúp đỡ, thậm chí nhiều người tốt và một số cán bộ còn giúp đỡ tạo điều kiện để cất một căn nhà nhỏ che nắng che mưa cho hai bé, thế nhưng anh Nghị vẫn muốn tự thân mình làm lụng chứ không thể ngửa tay xin tiền người tốt mãi. Ban đầu anh chế chiếc xe kéo, cho hai con vào bên trong rồi kéo ra phố bán kẹo mút.
Đầu tháng 12/2016, được tiền từ các nhà hảo tâm, anh quyết định sắm chiếc xe tốt hơn và mua cả dàn karaoke xuống phố đi hát. Nghị lực vươn lên trong cuộc sống và tình thương của anh Nghị dành cho các con đã làm lay động nhiều người. Trong cuộc sống hối hả ngày hôm nay, đâu đó vẫn còn những hình ảnh, những thân phận hay những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi. Mỗi người trong cộng đồng, trong xã hội chúng ta cần chung tay giúp đỡ để họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn và có cuộc sống bớt phần cơ cực hơn.
Hình ảnh 2 đứa trẻ ngây ngô trên xe bán kẹo đi theo người cha khắc khổ đã làm rung động nhiều người nơi phố thị Sài Thành.