Lựa cho tác giả, tác phẩm uy tín
Nhìn nhận vấn đề lọt đầy “sạn” ở một số bộ SGK, có thể thấy, một bộ SGK lần đầu không thể không có lỗi, chỉ có lỗi nhiều hay ít, có quan trọng hay không. Nhưng ở đây, qua các năm, dư luận vẫn phản ánh ngữ liệu “lỗi” chồng “lỗi”,”sạn” chồng “sạn”.
Điều quan trọng nhất, Bộ GD&ĐT, Hội đồng biên soạn, thẩm định cần tiếp thu ý kiến; Nếu phản ánh là hợp lý thì cần rút kinh nghiệm, có hướng chỉnh sửa để các bộ SGK ngày càng hoàn thiện hơn.
Ngữ liệu trong SGK Chương trình mới 2018 mà dư luận phản ánh là dính “sạn”, cô Nguyễn Loan - GV trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) nhận thấy, những tác phẩm đó nên đưa vào giáo trình các bậc cao hơn… thì mới hiểu được nghĩa và dụng ý của tác giả. Vì theo cô, ngữ liệu đó không phù hợp với ngôn ngữ cũng như cách hiểu, cách nghĩ của HS, mà HS phổ thông thì dễ bắt chước và tò mò.
“HS như tờ giấy trắng, chỉ cần một giọt nước rơi vào cũng làm thấm nhòe loang lổ, vậy mà SGK lại đưa những tác phẩm, ngôn từ thiếu tính khoa học và tính giáo dục” – cô Loan bày tỏ.
Cô Loan đề nghị Hội đồng thẩm định chọn lọc những tác phẩm của các tác giả có uy tín được nhiều độc giả đón đọc, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung mang tính giáo dục đạo đức, lối sống… với HS, mà không cần phải là những ngôn ngữ máy móc, cao siêu.
Cô T - giáo viên dạy Văn tại một trường trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) thì mong muốn đội ngũ biên soạn, thẩm định SGK cố gắng đưa vào những ngữ liệu thật hay, thật đặc sắc, làm sao để không có “sạn” dù ít hay nhiều.
Theo chia sẻ của một chuyên gia lĩnh vực giáo dục, SGK chứa những tác phẩm từng gây trang cãi sẽ rất khó để bỏ hay tạm dừng dạy. Để tránh tình trạng này, nhóm biên soạn nên mở rộng đối tượng đóng góp ý kiến để SGK chuẩn chỉnh hơn. Cẩn trọng khi sử dụng ngữ liệu đưa vào SGK là điều cần có, vì vậy, Hội đồng thẩm định, tác giả phải chú trọng khâu duyệt, biên tập và lựa chọn để GV, HS không phải là người gánh chịu những khiếm khuyết trong giáo dục.
Mục tiêu của giáo dục ở Chương trình mới 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực HS, SGK không còn là pháp lệnh nên GV có nhiều quyền chủ động hơn. Tuy nhiên, SGK phải chuẩn mực về kiến thức, đứng đầu các tiêu chí. Việc để xảy ra liên tiếp những “hạt sạn” không đáng có trong kiến thức như vậy, không chỉ thể hiện trình độ của người biên soạn, mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với HS, GV.
Theo Điều 32 Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 có hiệu lực ngày 1/7/2020, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK.
Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan.Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Luật Giáo dục quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK GDPT; Phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK thẩm định; Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông; Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT
Trong một số bộ SGK có những nội dung chưa chuẩn như trong bài Bắt nạt; Cua, cò và đàn cá … gây nhiều tranh luận, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước xã hội, các phụ huynh và HS về bộ sách này?
Về điều này, PGS.TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, với chức năng và trách nhiệm thẩm định của mình, Bộ GD&ĐT phải trả lời cho dư luận có đúng hay không? SGK có “sạn” hay không?
Bà An cho biết, về phương pháp giáo dục học, Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm, trả lời dư luận xem cuộc thực nghiệm đã đủ chưa? “Bộ GD&ĐT được trao trách nhiệm, đúng chuyên môn, chức năng, quản lý nên Bộ phải gánh ‘sạn’.” - PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Ông Bùi Văn Phương – Đại biểu Quốc hội khóa XIII-XIV cũng cho biết, SGK theo chủ trương đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông của Nghị quyết 29 và từ tư tưởng Quốc hội chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Trước đây, có một bộ sách duy nhất nên dẫn đến chuyện độc quyền, có như nào dùng như vậy mà không có sự lựa chọn cũng không có sự đào thải, những yếu tố kém hiệu quả nên dẫn đến giáo dục có một số chuyện liên quan tới độc quyền. Nhưng ngày nay, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông Phương, chúng ta đã triển khai nhiều bộ sách của nhiều nhóm tác giả, có một số việc là bộ sách này chiếm thị phần nhiều dẫn đến câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh, bắt bẻ những lỗi không đáng nên câu chuyện đặt ra là những nhà chuyên môn phải công tâm, khách quan thì việc đổi mới giáo dục mới thành công.
Còn bây giờ, nếu có một vài ba sơ suất mà làm ầm ĩ lên thì sẽ nhiễu loạn thông tin, khiến dân không hiểu. Nếu còn tư tưởng nhóm nọ thả nhóm kia bằng chuyện “bới lông tìm vết” thì không đáng để tranh luận, đó là vấn đề dẫn đến xã hội hiểu biết sai lệch thì những người am hiểu phân tích, nhận được như thế nào?
Ông Bùi Văn Phương cho rằng, SGK có lỗi, có sạn thì hoàn toàn có thể điều chỉnh được vì SGK cuối cùng vẫn có bản đính chính. Một chương trình nhiều SGK là để chọn lọc được sách hay, tinh túy, phục vụ cho việc dạy học, còn việc thiếu sót thì có thể sửa được, thậm chí còn hướng dẫn cho GV trong quá trình thực hiện chương trình nếu bài nào, âm tiết nào cần sửa cần điều chỉnh lại thì hoàn toàn có thể được.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, vấn đề đổi mới cải cách là cả một quá trình, không nóng vội, không vì những việc không đâu mà vội rồi làm không ra gì, không có nghĩa đổi mới là bỏ đi hết. Thay vào đó, phải tạo điều kiện, những điều gì còn phù hợp thì giữ, không phù hơp thì bỏ.
Mới đây, đoàn giám sát đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Theo đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện khâu biên soạn, thẩm định SGK vừa làm vừa điều chỉnh , gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn SGK. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, đội ngũ tác giả biên soạn SGK được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế; Nhiều người lần đầu tham gia viết SGK. Do vậy, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một bản mẫu SGK chưa phù hợp với đối tượng HS.
Việc thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và các chương trình môn học của Bộ GD&ĐT đồng thời tham gia tổng chủ biên, kiêm chủ biên một số bộ SGK của các nhà xuất bản tạo sự cạnh tranh không công bằng. Đoàn giám sát chỉ rõ, bộ SGK lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) được biên soạn bản thảo trước khi Chương trình GDPT 2018 và chương trình môn học được ban hành.
Việc triển khai thực hiện chủ trương “xã hội hóa biên soạn SGK” có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, theo kết quả giám sát.
Bộ G&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Trong thực tiễn, việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” cùng với việc Bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ SGK gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, HS trong quá trình lựa chọn SGK.
Đoàn giám sát còn chỉ ra việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều SGK, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là đối với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.Một số SGK có nội dung chưa phù hợp với HS, còn khó, kiến thức nặng.
Một số nội dung chưa cụ thể nên HS khó hiểu, khó giải thích vấn đề; Chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa được đánh giá cao.