Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại California (Mỹ) từ ngày 15 - 16/2 là hội nghị mang tính lịch sử bởi lần đầu tiên được tổ chức trên đất Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Obama: “Muốn làm sâu sắc thêm sự hợp tác của Mỹ với ASEAN”. |
Trên báo “Jakarta Toàn cầu” số ra mới đây có bài viết mang tựa đề “Những kỳ vọng ở Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN” của tác giả Patrick Cronin - Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh nước Mỹ.
“Cân bằng” cho “chiếc cầu nối”
Bài viết cho rằng, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia ASEAN là yếu tố chưa thể dự báo và cũng không thể đảm bảo chắc chắn cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương thể hiện ý chí và sức mạnh của Washington, muốn ngăn chặn sự bành trướng, thống trị của Trung Quốc tại khu vực này.
Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn, kinh tế phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, ở đây còn có các đồng minh quan trọng của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á là cầu nối quan trọng, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khu vực này nằm ở phía Nam Trung Quốc và phía Đông Ấn Độ, biến nó trở thành vùng đệm giữa hai “người khổng lồ” của khu vực.
Việc các quốc gia thuộc khu vực này nghiêng hoặc không nghiêng về phía Mỹ sẽ quyết định đến chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc.
Hơn thế nữa, khu vực Đông Nam Á có nhiều quốc gia có quan hệ đồng minh gần gũi với Mỹ. Mặc dù hiện nay có một số ý kiến hoài nghi về khả năng duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ khi nền kinh tế của quốc gia này có dấu hiệu xuống dốc, song vai trò của Mỹ trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng trên thế giới thời gian vừa qua cho thấy trên thực tế, Mỹ vẫn là cường quốc của thế giới về kinh tế lẫn quân sự.
Hãng tin Bernama (Malaysia) cho hay, trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, hiếm khi có một tổng thống Mỹ nào đề cập đến từ “Đông Nam Á” trong Thông điệp Liên bang của mình, chỉ có Tổng thống Barack Obama đã làm việc đó hồi tháng trước.
Ông Obama cũng là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đã mời các nhà lãnh đạo thuộc khu vực ASEAN nhỏ bé, nằm cách Mỹ 14.000km, đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands bởi “muốn làm sâu sắc thêm sự hợp tác của Mỹ với ASEAN bởi vì một ASEAN thống nhất, đồng bộ và hiệu quả ở trung tâm châu Á sẽ là động lực cho sự ổn định, thịnh vượng và hòa bình trong khu vực.
ASEAN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ muốn thiết lập mối quan hệ đối tác gần gũi với các nước trong khu vực này vì một tương lai tươi sáng chung”.
Mối quan ngại biển Đông
Trước các hoạt động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông khiến các quốc gia ASEAN quan ngại, báo “Jakarta Toàn cầu” cho rằng Mỹ và ASEAN “cần phải phát đi một thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng toàn cầu của tự do hàng hải ở biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Quốc tế đang giải quyết đơn khiếu nại của Philippines về các yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- ASEAN lần này, “Tổng thống Mỹ Barack Obama nên nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và ASEAN cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực, vai trò và những lợi ích của các nước ASEAN trong việc đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược này.
Mỹ cũng cần nói rõ với Trung Quốc rằng Mỹ không muốn lưu thông hàng hải quốc tế trên cơ sở các quy định của luật pháp bị ảnh hưởng.
Mặc dù Mỹ không phải là một trong những nước có tranh chấp với Trung Quốc tại biển Đông song Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề này mà không tính đến các phản ứng từ phía Mỹ”.
Hãng tin AP (Mỹ) cũng cho rằng, biển Đông sẽ là vấn đề an ninh hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này. Biển Đông là khu vực biển giàu tài nguyên và đầy tiềm năng kinh tế, cũng là tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại thế giới.
Mỹ đang trông đợi ASEAN sẽ giữ vững lập trường thống nhất bằng cách kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ dựa trên luật pháp quốc tế.