Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phải (80 tuổi) cho biết, mặc dù phần đất của gia đình ông được nhiều người, trong đó có nguyên cán bộ xã xác nhận nhưng không được chính quyền địa phương xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng. Theo nghi vấn, do cán bộ ngụy tạo chứng cứ nhằm "chiếm" đất?
Chủ tịch xã xác nhận và hứa trả
Theo Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Phải, SN 1938, ngụ ấp Ninh Thạnh, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân trình bày, gia đình ông có phần đất hương hỏa, diện tích khoảng 6.840m2 tại chợ Vĩnh Phú, xã Ninh Quới A. Nguồn gốc phần đất này theo ông Phải cho biết là do ông nội ông canh tác từ trước năm 1945. Sau đó, ông nội chuyển cho cha ông là ông Nguyễn Văn Biện sử dụng.
|
Chợ Vĩnh Phú ngày nay |
Năm 1950, Ủy ban kháng chiến (gồm có ông Phan Quốc Tuấn, Chủ tịch xã; Huỳnh Công Thinh, Trưởng ban Công an xã; Lê Ngọc Diệp, Trưởng ban Tuyên truyền cùng xác nhận) có bàn bạc và gặp ông Biện hỏi mượn một công đất (khoảng hơn 1.000m2) phần đất trên để lập nghĩa trang và được ông Biện đồng ý. Sau đó, UBND xã Ninh Quới (sau này tách ra thành Ninh Quới A) giao ông Biện quản lý chăm sóc mồ mả cho liệt sỹ tại nghĩa trang.
Ngày 23/7/1953, khi ông Biện đang làm cỏ xung quanh nghĩa trang để chuẩn bị cho ngày Thương binh liệt sỹ thì bị máy bay địch bắn chết tại chỗ. Ông Biện sau đó được chôn cất tại phần đất trên và sau này được công nhận liệt sỹ (có nhiều cụ lớn tuổi làm chứng). Ông Phải sau đó thay cha lo phần hương hỏa tại nghĩa trang.
Ông Phải cho biết, khoảng năm 1956, giặc đến càn quét và phá tan nghĩa trang để đóng đồn. Ông Phải chạy về Rạch Giá lánh nạn. Sau đó 2 năm, chợ Vĩnh Phú xây dựng, ông Phải trở về quê cũ sinh sống và được địa phương đưa vào công tác bí mật trong ngành Công an tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng). Lần lượt sau đó ông chuyển nhiều nơi hoạt động. Riêng phần đất của gia đình và làm nghĩa trang trước đây vẫn do địch đóng đồn.
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, ông Phải xin nghỉ công tác trở về quê cũ lo việc hương hỏa. Tuy nhiên, ngày 20/9/1975, khi ông Phải đến UBND xã Ninh Quới (sau này là Ninh Quới A) trình giấy tờ đòi lại đất trên thì không được giải quyết.
Theo xác nhận của ông Đào Thanh Bưởi, nguyên Chủ tịch UBND xã Ninh Quới trước đây cho biết, sau năm 1975, ông Phải có mang giấy tờ, hồ sơ đến UBND xã trình bày và xin lại đất của gia đình. Tuy nhiên, theo ông Bưởi vì mới giải phóng nên xã cần xin ý kiến UBND huyện rồi mới giải quyết trả lại đất cho ông Phải.
|
Nhiều nhân chứng là người lớn tuổi xác nhận việc ông Phải trình bày là đúng sự thật |
Ngoài ông Bưởi xác nhận, còn có nhiều người lớn tuổi sống tại địa phương, am hiểu sự việc cũng xác nhận ông Phải trình bày về nguồn gốc đất là đúng sự thật.
Tuy nhiên, khi giải quyết khiếu nại, chính quyền địa phương lại đưa ra nguồn gốc đất hoàn toàn khác.
Nghi vấn ngụy tạo chứng cứ nhằm "chiếm" đất?
Sau khi ông Đào Thanh Bưởi, nguyên Chủ tịch UBND xã Ninh Quới chuyển công tác về huyện, các đời Bí thư, Chủ tịch xã Ninh Quới lúc bấy giờ vẫn “im lặng” không giải quyết quyền lợi cho ông Phải.
Không bỏ cuộc, ông Phải kiên trì tìm lại những cụ cao niên biết được vụ việc để làm chứng xác nhận và tiếp tục khiếu nại.
Mãi đến ngày 16/8/1999, UBND huyện Hồng Dân có Quyết định số 1193/QĐ-UB bác đơn yêu cầu đòi lại đất của ông Phải, với lý do: “Nguồn gốc đất trước đây là của Địa chủ (tên Phù) có con trai tên Sáu Tàu, đến năm 1947 cha con ông Phù bỏ đi nơi khác, Ủy ban Hành chính xã quản lý và xây dựng nghĩa trang”.
|
Quyết định của UBND huyện Hồng Dân bác đơn khiếu nại của ông Phải với lý do đất trước đây của địa chủ Phù |
Cũng theo Quyết định trên cho biết, năm 1955, giặc san lấp nghĩa trang và đóng đồn đến năm 1975, khi giải phóng Miền Nam, chính quyền xã Ninh Quới quản lý và xây dựng cơ quan xã cho đến nay.
“Còn riêng ông nội của ông Phải là ông Nguyễn Văn Sửu từ năm 1900 đến năm 1947 không có ở Ninh Quới và cũng không có làm tá điền cho điền chủ ở đây. Đến năm 1948 ông già của ông Phải là ông Nguyễn Văn Biện từ Hà Tiên tỉnh Rạch Giá xuống Ninh Quới làm ăn sinh sống, được Ủy ban hành chính xã Ninh Quới cho làm quản trang để chăm sóc mồ mả liệt sĩ. Đến năm 1955 giặc đến đóng đồn thì gia đình ông Biện bỏ đi nơi khác cho đến nay”, Quyết định của UBND huyện Hồng Dân nêu.
Ông Phải sau đó khiếu nại đến tỉnh. Ngày 30/8/2000, UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 510/QĐ-UB chuẩn y Quyết định của UBND huyện Hồng Dân trước đó và bác đơn khiếu nại của ông Phải.
Không cam chịu, ông Phải tiếp tục làm Đơn tố cáo UBND xã Ninh Quới A (trước đây là Ninh Quới tách ra) chiếm đoạt đất của ông cắt chia cho một số cán bộ thu lợi cá nhân.
Ngày 10/7/2002, UBND huyện Hồng Dân có Quyết định số 85/QĐ-UB bác đơn tố cáo của ông Phải. Cũng tại Quyết định này có nêu: “Ban tiếp dân Đảng, Nhà nước, các ngành đoàn thể huyện, kết hợp UBND xã Ninh Quới A có trách nhiệm giáo dục đối với ông Nguyễn Văn Phải về việc tố cáo hoàn toàn không đúng sự thật”.
|
Quyết định của UBND huyện Hồng Dân bác đơn tố cáo của ông Phải |
|
Liệu việc tố cáo của ông Phải có đúng sự thật? |
Không đồng ý với sự giải quyết của UBND huyện Hồng Dân, ông Phải vẫn nuôi hy vọng, kiên trì liên tục ôm đơn đi khiếu kiện lên các cơ quan chức năng cấp trên.
Và cũng nhờ vậy, một tia hy vọng đối với ông Phải đã xuất hiện. Theo hồ sơ ông Phải cung cấp, ngày 28/6/2011, Công an huyện Hồng Dân có báo cáo số 74-BC/CAHD(AN) Báo cáo kết quả xác minh, làm rõ vụ tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Văn Phải với UBND xã Ninh Quới A.
|
Ông Phải cho biết phần đất của gia đình ông khiếu nại trước đây đã từng được Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Bạc Liêu thông báo bán đấu giá |
Theo báo cáo trên cho biết, phần đất ông Phải khiếu nại đúng là của gia đình ông Phải khai hóa sử dụng, không có việc đất trên của địa chủ tên Phù như Quyết định của UBND huyện Hồng Dân và UBND tỉnh Bạc Liêu chuẩn y giải quyết trước đó. Đồng thời, theo báo cáo của Công an huyện Hồng Dân cũng cho biết: “đa số dư luận trong nhân dân khu vực chợ Vĩnh Phú không đồng tình với cách giải quyết vụ việc này”.
Vì sao lại có chuyện lạ thường như vậy?
Trao đổi với phóng viên, ông Phải bức xúc cho biết: "Tôi năm nay 80 tuổi, 260 lần đi khiếu nại nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo là vì sao? Tôi cho rằng một số cán bộ trước đây đã ngụy tạo chứng cứ giả để báo cáo láo nhằm lấy đất của gia đình tôi chia chác và thu lợi bất chính. Bằng chứng là báo cáo của Công an huyện Hồng Dân đã chỉ rõ".
Đưa phóng viên đi xem từng khu đất được cho rằng cán bộ "chia bán", ông Phải lắc đầu ngao ngán nói: "Tôi đến từng tuổi này đấu tranh không chỉ đòi quyền lợi cho con cháu mà quan trọng nhất là tôi tin vào Đảng và Nhà nước. Mẹ tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha và anh em tôi đều là liệt sĩ, tôi cũng theo chân cách mạng, vậy nên tôi quyết tâm chống tiêu cực, chống tham nhũng tới cùng".
Để làm rõ những nội dung người dân phản ánh, ngày 22/12/2017, phóng viên đã liên hệ UBND tỉnh Bạc Liêu và để lại nội dung làm việc nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.