Năm 1997, ông Trần Văn Đực được UBND huyện Hồng Dân cấp Giấy báo tử trong đó có đề nghị cấp trên xác nhận ông Đực là liệt sĩ. Thế nhưng qua nhiều giai đoạn, đến nay hồ sơ xin công nhận liệt sĩ của ông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Các đồng đội đều xác nhận
Theo Đơn kêu cứu của ông Trần Thanh Tùng (SN 1965, ngụ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) gửi Pháp luật Plus và theo xác nhận của một số cán bộ hưu trí thể hiện: Ông Trần Văn Đực (SN 1942) bị bắt đi lính sống trong đồn địch.
Năm 1969, ông Đực được một số ông như Quách Kỉnh (SN 1928), lúc này làm Bí thư xã Ninh Quới, ông Đào Thanh Bưởi (SN 1923) - Trưởng ban Binh vận xã, ông Diệp Trung Hiếu (SN 1942) - Phó ban Binh vận, ông Trần Hoàng Thọ (SN 1923) - Xã đội phó đã tổ chức móc nối, vận động ông Đực đứng về với cách mạng.
|
Ông Trần Hoàng Thọ, ông Diệp Trung Hiếu và ông Quách Kỉnh, nguyên là những cán bộ cách mạng trước đây đã xác nhận móc nối và giao nhiệm vụ cho ông Đực. |
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, các cán bộ hưu trí nêu trên đều khẳng định, ông Đực nhận lời làm nội tuyến và được giao những nhiệm vụ như: cung cấp thông tin tình hình địch để chờ thời cơ đánh phá đồn; nắm danh sách các trưởng phó đồn, quân số địch; tận dụng sơ hở lấy vũ khí của địch đưa ra ngoài cho quân cách mạng.
Ông Quách Kỉnh, nguyên Bí thư xã Ninh Quới nói: “Đồng chí Đực hứa trong vòng 1 tháng sẽ giúp cách mạng phá đồn. Tuy nhiên, năm 1970, khi chưa thực hiện được kế hoạch trên thì đồng chí Đực đã hy sinh do du kích xã Vĩnh Quới bắn nhầm”.
Năm 1993, ông Đực được lập hồ sơ xác nhận Liệt sĩ. Mãi đến năm 1997, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân là ông Trần Hoàng Duyên mới ký cấp Giấy báo tử cho ông Đực ghi đề nghị là liệt sĩ.
|
Giấy báo tử của ông Đực được đề nghị xác nhận là liệt sĩ. |
Tại Bản đề nghị số 06/ĐN-UB ngày 03/3/2005 của UBND huyện Hồng Dân do ông Trần Tấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện ký gửi UBND tỉnh Bạc Liêu và Sở Lao động TB&XH tỉnh này có nêu: “Căn cứ vào những cơ sở trên và xét theo tinh thần Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ thì ông Trần Văn Đực đủ tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ”.
|
Báo cáo của Huyện ủy huyện Hồng Dân cho rằng ông Đực là người có công với cách mạng. |
Tuy nhiên kể từ đó đến nay, hồ sơ xin công nhận liệt sĩ của ông Đực vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tìm hiểu sự việc, theo Báo cáo số 127-BC/HU (Báo cáo 127) ngày 14/6/2013 của Huyện ủy huyện Hồng Dân báo cáo kết quả họp Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Dân xem xét hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của ông Trần Văn Đực, có nêu: “Xét thấy ông Trần Văn Đực có liên hệ và cảm tình cách mạng, cung cấp đạn dược, thông tin tình hình địch cho cách mạng. Ban Thường vụ Huyện ủy kiến nghị cấp trên xem xét trường hợp ông Trần Văn Đực được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước là người có công với cách mạng, với nước”.
"Treo" hồ sơ vì báo cáo chưa thấu tình đạt lý của Sở Lao động TB&XH
Ngày 07/6/2016, Sở Lao động TB&XH tỉnh Bạc Liêu có Báo cáo số 94/BC-SLĐTBXH (Báo cáo 94) báo cáo kết quả giải quyết trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ của ông Trần Văn Đực có nội dung: “Ngày 20/3/2014, Văn phòng Tỉnh ủy có Công văn số 1848-CV/VPTU về việc thông báo ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất với đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Huyện ủy Hồng Dân. Đề nghị chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành lập hồ sơ công nhận ông Trần Văn Đực là “người có công với cách mạng”.
Tuy nhiên, Báo cáo 94 cũng nêu: “Đến ngày 06/3/2015, ông Trần Văn Đực được truy tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba “nhưng có ghi Liệt sĩ Trần Văn Đực”. Như vậy, Sở Nội vụ đề nghị truy tặng Huân chương cho ông Đực chưa đúng theo tinh thần Công văn số 1848-CV/VPTU ngày 20/3/2014 của Văn phòng Tỉnh ủy”.
Báo cáo 94 cho rằng, từ các chứng cứ, nhân chứng và ý kiến các ngành liên quan thì ông Trần Văn Đực chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận Liệt sĩ.
|
Báo cáo số 94/BC-SLĐTBXH của Sở Lao động TB&XH tỉnh Bạc Liêu. |
Báo cáo 94 kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ trình Chủ tịch nước thu hồi việc Truy tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba cho liệt sĩ Trần Văn Đực; xử lý theo quy định người khai khống hồ sơ để được cấp Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định đủ tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ
Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó Giám đốc, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu.
Ông Nhiệm phân tích: “Căn cứ vào ý kiến cuộc họp mấy chú ở 2 xã Ninh Quới ở đây, căn cứ vào thư báo tử đây, căn cứ vào kết luận trong cuộc họp của Thường vụ Huyện ủy đây, thì đây là những cơ sở để mình công nhận liệt sĩ. Còn cái việc ai đó bây giờ nói ông này không phải liệt sĩ là chưa có cơ sở nào để anh chứng minh cho cái điều này, bác những ý kiến này. Mà anh căn cứ vào những cái này đây thì anh nói ông này đủ điều kiện. Còn cái việc ai đó nói, có cái gì người ta chứng minh ông này không phải thì đem ra đây thì lúc đó anh mới có ý kiến nó khác đối chiếu cái này…”.
Nói về việc không công nhận liệt sĩ vì có luồng ý kiến trái chiều, ông Nhiệm nhấn mạnh câu hỏi: Vì sao nghe theo luồng ý kiến phản bác của một số người không trực tiếp giao nhiệm vụ, không nắm rõ sự việc, trong khi
Ông Quách Kỉnh, đồng đội của ông Trần Văn Đực xúc động nói: "Sau hơn 47 năm, anh linh của đồng chí Trần Văn Đực vẫn phải chờ đợi sự giải quyết từ chính quyền tỉnh Bạc Liêu". |
không nghe lời nhân chứng cụ thể đã giao nhiệm vụ cho ông Đực?
Theo ông Nhiệm, hoạt động nội tuyến rất bí mật, phải hy sinh rất nhiều, đôi khi cả vợ con cũng không biết. Thế nên trường hợp ông Đực may mắn còn một số cán bộ hưu trí biết. Có trường hợp cả đôi bên hy sinh luôn thì rất khó để chứng minh.
|
"Sau hơn 47 năm, anh linh của đồng chí Trần Văn Đực vẫn phải chờ đợi sự giải quyết từ chính quyền tỉnh Bạc Liêu" |
Ông Nhiệm cũng chia sẻ, hồ sơ làm Giấy báo công thì có thể gian dối nhưng hồ sơ liệt sĩ rất hiếm, rất ít khi làm giả vì nó rất thiêng liêng và cụ thể.
Với mong muốn tìm ra sự thật, phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với UBND huyện Hồng Dân. Từ đây, nguyên nhân không công nhận ông Đực là liệt sĩ dần hé lộ cụ thể.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.