Một khu rừng ngập mặn được Nhà nước giao cho người dân cải tạo thành ruộng muối. Theo thời gian, khu ruộng muối trở thành khu đô thị sầm uất với khu dân cư, thương mại có giá bất động sản cao ngất. Còn diêm dân thì bị thu hồi đất và được hỗ trợ với giá “bèo”.
|
Người dân khiếu nại. |
Phát triển đô thị khi chưa giải quyết xong khiếu nại
Năm 1977 UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) ra quyết định lấy diện tích hai ấp Ngọc Điền và Lưu Hòa Thanh thuộc huyện Gành Hào để thành lập thị trấn Gành Hào. Đây là khu rừng ngập mặn, người dân đói nghèo quanh năm. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền chủ trương giao đất rừng ngập mặn này cho người dân để họ cải tạo thành ruộng muối. Công sức, tiền của người dân đổ ra theo thời gian đã biến khu rừng ngập mặn thành những ruộng muối mang lại đời sống sung túc cho dân nghèo.
Năm 1983, Công ty Quốc doanh Đánh cá Minh Hải xây dựng một khu liên hợp tại đây, bao gồm: ụ tàu, cảng cá, nhà máy phục vụ hậu cần nghề cá... Công ty này lấy một phần diện tích ruộng muối của bà con để kinh doanh nhưng không bồi hoàn thành quả lao động trên đất nên xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Chính quyền tỉnh Minh Hải chưa giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại, khiếu kiện này thì xảy ra việc tách tỉnh.
Năm 1997, tỉnh Minh Hải tách thành hai tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay. Huyện Đông Hải và thị trấn Gành Hào thuộc tỉnh Bạc Liêu. Câu chuyện khiếu kiện, khiếu nại của bà con diêm dân thị trấn Gành Hào yêu cầu các cấp chính quyền sở tại bồi thường thành quả khai hoang, cải tạo rừng ngập mặn vẫn chưa được chính quyền tỉnh Bạc Liêu giải quyết dứt điểm triệt để.
Thế nhưng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục thu hồi diện tích ruộng muối của diêm dân để xây dựng, mở rộng khu hành chánh huyện Đông Hải trên thị trấn Gành Hào. Hiện nay, thị trấn Gành Hào phát triền sầm uất, nhiều khu dân cư, khu thương mại mọc lên trên ruộng muối của diêm dân. Nhưng chính diêm dân đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu để biến rừng ngập mặn thành ruộng muối thì đang bị bần cùng hóa, bởi họ mất đất và bán những gì còn lại để đi khiếu kiện...
Thiếu công bằng trong bồi thường tái định cư
Ông Huỳnh Tấn Hưng (ngụ tại số 160A, đường Quang Trung, khóm 5, phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gởi đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết như sau: Nguyên vào năm 1977, ông được UBND thị trấn Gành Hào cấp cho tôi 8ha đất rừng ven biển (nay là khu đô thị trung tâm thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Từ đất rừng ông Hưng khai khẩn thành đất, được chính quyền địa phương cho làm muối. Ông Hưng sản xuất muối được 7 năm. Đến năm 1983 Nhà nước thu hồi của ông Hưng 4ha để xây dựng Nhà máy đông lạnh Gành Hào. Tiếp đến năm 1984 Nhà nước thu hồi tiếp 01 ha để làm trụ sở Công ty đánh bắt thủy sản Gành Hào. Việc lấy đất của ông Hưng không ra quyết định thu hồi, cũng không bồi thường cho đồng nào cả; còn lại 03 ha chưa xây dựng ông Hưng xin được tiếp tục sử dụng nhưng địa phương cũng không cho. Tổng số đất ông Hưng bị thu hồi là 8ha.
“Tôi làm đơn khiếu nại ròng rã từ khi bị thu hồi đất cho đến ngày 29/12/2006, UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định giải quyết số 1158 nội dung quyết định này bác đơn yêu cầu của tôi”- ông Hưng trình bày.
Không đồng ý với Quyết định số 1158, ông Hưng tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Bạc Liêu. UBND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định giải quyết số 1073/QĐ-UBND ngày 22/05/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, theo đó bác đơn khiếu nại của ông Hưng đòi lại đất và bồi thường giá trị về đất.
Quyết định giải quyết khiếu nại sửa một phần Quyết định 1158 ngày 29/12/2006 của Chủ tịch UBND huyện Đông Hải tính toán hỗ trợ công bồi đắp khai phá cho ông Hưng. Sau khi có Quyết định số 1073 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Đông Hải tính toán hỗ trợ 33.895.000đ cho việc thu hồi của ông Hưng 5ha đất.
Vẫn không đồng ý việc tính toán trên, ông Hưng tiếp tục yêu cầu, khiếu nại việc tính giá hỗ trợ không hợp lý . Theo ông Hưng, thực tế diện tích đất của ông bị thu hồi là 08 ha nhưng chính quyền huyện chỉ tính có 05 ha còn lại 03ha ông Hưng xin lại.
Tuy nhiên huyện cho rằng đây là đất quy hoạch không giải quyết trả lại. Sau đó, huyện tính hỗ trợ thêm công hỗ trợ bồi đắp cho phần diện tích 3ha trên. Tất cả 08 ha đất được huyện Đông Hải tính công khai phá là 74.980.000đ. Ông Hưng uất ức, số tiền bồi thường cho 8ha đất trên nếu đem mua lại đất cùng loại không được 100m2.
Ông Hưng tiếp tục khiếu nại. Diện tích 8 ha đất của ông Hưng thuộc diện “đất vàng” ở địa phương, hiện là khu phố hai mặt tiền chạy dài 300 m, đã được huyện Đông Hải sang bán nền nhà cho người dân tại địa phương xây nhà. Đây là khu trung tâm thương mại sầm uất của thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ông Hưng đã nộp đơn đến Trung ương và tỉnh Bạc Liêu rất nhiều năm không được giải quyết thỏa đáng.
Cũng theo ông Hưng trình bày, tại thị trấn Gành Hào, cùng bị thu hồi đất nhưng có hộ gia đình được bồi thường tiền tỷ, riêng trường hợp ông Hưng chỉ được hỗ trợ chưa đầy chục triệu/1 hecta. Ông Hưng dẫn chứng, trường hợp đất của gia đình ông Trương Văn Dũng (ở ấp 3, thị trấn Gành Hào) bị thu hồi đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản nhưng được huyện Đông Hải bồi thường và hỗ trợ lên đến 485.000đ/m2.
Hay trường hợp gia đình ông Phan Bình Khương (cũng ở thị trấn Gành Hào) chỉ bị thu hồi có 1ha nhưng được bồi thường 1tỷ đồng và 02 nền nhà để tái định cư. Trong khi gia đình ông Hưng bị thu hồi lên tới 08ha thì chỉ được hỗ trợ hơn 74 triệu đồng. Điều này vô cùng bất hợp lý, không công bằng, là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, gửi đơn kêu cứu ròng rã khắp nơi.
Mới đây nhất, ngày 18/7/2017 UBND tỉnh Bạc Liêu đã có buổi đối thoại với người dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo cho nhân dân hai huyện Đông Hải và Giá Rai, trong đó có trường hợp của ông Huỳnh Tấn Hưng. Đơn khiếu nại của những diêm dân ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Phương Nam tiếp nhận và hứa sẽ giải quyết theo luật định... Ông Hưng lại phấp phỏng hy vọng khiếu nại của ông sẽ được giải quyết công tâm, đúng pháp luật.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.