Mở đầu nội dung của bài viết này, phóng viên Pháp luật Plus xin đăng toàn bộ một bức thư dài 5 trang giấy của một em nữ học sinh lóp 9 với mong mỏi cổng trường được mở vào năm học mới 2016 - 2017.
“Cũng như các bạn khác, với cương vị là một học sinh được sống và học tập trong một môi trường giáo dục hoàn toàn tốt đẹp như ngôi trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, chúng em thật sự hạnh phúc và tự hào. Rời xa mái trường cùng 3 tháng hè, chúng em bắt đầu trở lại ngôi nhà thứ 2 tràn đầy yêu thương và ấm áp của mình.
Thế nhưng, đó không còn là niềm vui, sự phấn khởi, háo hức nữa mà thay vào đó là sự tuyệt vọng, lo lắng với những sự việc xảy ra trước mắt.
Tình trạng trường bị đóng cửa đã diễn ra suốt gần 2 năm. Cùng với đó là những biển hiệu, logo được treo lên nói về vụ việc tranh chấp đất giữa địa phương và một hộ dân khác.
|
Cổng trường bị rào lại và dùng những cành cây khô chắn ngang. |
Những hàng rào đã được giăng lên cổng trường và hơn thế nữa là một cái hố to đùng xuất hiện ngay trước cổng ra vào. Biểu tượng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du dần như đang bị đe dọa.
Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng không mong muốn, nhất là các bạn học sinh đã và đang còn ngồi trong ghế nhà trường. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự lo âu, buồn bã của thầy cô và các bạn qua vẻ mặt.
Sự việc này không đơn thuần là thiệt hại tài sản, vật chất mà hậu quả đáng lo ngại hơn chính là gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các bạn học sinh.
Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng và khó lường. Tương lai của các bạn rồi sẽ ra sao? Đều nhờ vào quá trình học tập và giảng dạy, nhưng nếu không có được môi trường thích hợp và điều kiện học tập tốt thì kết quả sẽ như thế nào?
Nó không mang lại hiệu quả như mong muốn mà có thể là mặt trái. Kiến thức không lúc nào cũng có sẵn mà ngược lại, nếu không được củng cố thì trở nên vô ích, nó sẽ trở thành một con sâu đục khoét vào trí não, đầu óc. Điều đó cũng như tình cảnh “ngàn cân treo sợ tóc” của nhà trường và các bạn học sinh vậy.
Điều đáng nói hơn ở đây là kiến thức của học sinh rồi sẽ ra sao nếu không được tu dưỡng, vun đắp trong một thời gian khá dài như vậy. “Đi đến trường không được học rồi lại ra về” là hình ảnh quen thuộc thường hay thấy của học sinh chúng em.
|
Bên trái ngoài cổng trường thành nơi phơi củi khô. |
Chúng em không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi ngày này qua ngày nọ. Sự ảnh hưởng tiêu cực mà việc này mang lại thật khó để giải quyết nếu chỉ dựa vào sự đồng lòng từ nhà trường và học sinh.
Mọi người cảm thấy thật sự bất lực, không còn cách nào khác, mặc dù không muốn nhưng vẫn phải chờ đợi kết quả từ một phía.
Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy hành động vì lợi ích của nhà trường và học sinh. Hãy bảo vệ những mầm non nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước để những mầm non này tiếp tục phát huy khả năng, kiến thức của bản thân, cũng như trang bị cho những học sinh những nền tảng tri thức bổ ích để có tự tin bước vào ngưỡng cửa giáo dục mới.
Không chỉ em, mà em muốn thay mặt tất cả các bạn của Trường THCS Nguyễn Du bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của bản thân.
Rất mong cơ quan, tổ chức, Nhà nước sớm giải quyết tình trạng “căng thẳng” này để lấy lại cho chúng em một sân chơi học tập lành mạnh, bổ ích như trước và cũng như có thể giành lại quyền và lợi ích hợp pháp của những người xứng đáng được hưởng.
Chúng em xin chân thành cảm ơn”.
Vâng đó là toàn bộ bức tâm thư của em T.T.N.L, một học sinh lớp 9 của THCS Nguyễn Du ( xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu ). Chỉ vì một vụ tranh chấp đất đai của một hộ dân với nhà trường, chỉ vì cách giải quyết chưa thỏa đáng của chính quyền địa phương, mà suốt gần 2 năm qua hơn 32 thầy cô giáo, nhân viên và hơn 450 học sinh của trường THCS Nguyễn Du, việc dạy và học bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt năm học 2016- 2017.
Sắp tới việc học này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Sau khi PV Pháp luật Plus nhận được bức tâm thư của em N.L, chúng tôi lên đường và tìm hiều vụ việc này.
Vượt hơn 50km từ TP Bạc Liêu tìm đến ngôi trường Nguyễn Du, để ghi nhận sự việc , PV chúng tôi nhìn thấy một cánh cổng trường bị đóng chặt, ngay phía ngoài là hàng rào phủ kín không thể nào vào được bên trong. Kề bên đó là một băng rôn dài…
|
Sân trường vắng lặng không một bóng người. |
Để đi vào được bên trong, một em học sinh dẫn PV đi sang một bên hông trường và phải nhìn trước ngó sau, PV phải leo rào mới có thể vào được .
Dù gần đến ngày tựu trường nhưng ngôi trường khá vắng vẻ, chỉ có 1, 2 thầy cô đang làm vài thủ tục giấy tờ bên trong phòng. “Với tình cảnh cổng trường đóng cửa, không muốn cho con em mình học ở đây nữa, mới đây đã có nhiều phụ huynh đến rút hồ sơ cho con đi học nơi khác rồi”, một giáo viên cho PV biết.
Một số giáo viên ở khu tập thể ngay bên trong trường cũng chung cảnh bất tiện khi ra vào trường. Do trường đóng cửa nên nhiều giáo viên phải gửi xe bên ngoài, rồi leo rào để vào trong.
Trò truyện với PV, một giáo viên cho biết, những gì mà nhà trường đã và đang gặp phải như những lời mà học sinh của trường đã nói đến trong bức tâm thư đã nói trên.
Họ cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để trường hoạt động được thông suốt hơn trong năm học mới.
|
Sân trường trở thành nơi nuôi những con trâu. |
Ông Ngô Hoàng Oanh- Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh ( huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu ), thừa nhận, có việc Trường THCS Nguyễn Du bị người dân đóng, rào cổng chính. Tuy nhiên, đây là việc tranh chấp là giữa hộ dân với Nhà nước chứ không phải với trường học.
Theo tim hiểu của PV nhiều năm trước đây, Nhà nước có mua phần đất của ông Lục Văn Hữu để xây dựng một số công trình, trong đó có Trường THCS Nguyễn Du.
Qua quá trình làm thủ tục giấy tờ có nhiều vướng mắc chưa được xử lý cụ thể nên dẫn đến sự bức xúc của gia đình.
Ông Oanh cho biết thêm, “Việc người dân đóng cổng chính đã xảy ra nhiều lần chứ không chỉ một lần, mỗi khi họ thấy bức xúc vì không được giải quyết thỏa đáng. Hộ dân đó đóng cổng chính của trường nhằm gây áp lực với địa phương sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp mua bán đất từ nhiều năm qua giữa họ với Nhà nước mà thôi, chứ không liên quan gì đến nhà trường”.
Chúng tôi đặt vấn đề, nếu không liên quan gì đến nhà trường thì việc hộ dân đóng cổng chính sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của trường, vậy chính quyền địa phương xử lý thế nào?
Ông Oanh cho biết, mỗi khi hộ dân đóng cổng, xã chỉ biết vận động, tuyên truyền để họ mở cổng, tạo điều kiện cho nhà trường hoạt động thuận lợi.
“Chỗ ông Hữu có nói nếu vụ việc giải quyết dứt điểm, thỏa đáng thì ông sẽ không đóng cổng nữa vì vụ việc của ông không dính dáng gì đến nhà trường. Xã chỉ biết báo cáo lên cấp trên để xem xét giải quyết chứ việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của xã”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, thừa nhận, việc đóng, rào cổng trường đã tạo tâm lý không tốt cho phụ huynh và học sinh ở đây. Phòng đã có báo cáo lên huyện và Sở GD-ĐT.
UBND huyện đang tích cực làm việc với các ngành chức năng của tỉnh để giải quyết rốt ráo vụ việc liên quan đến hộ dân này.
PV đặt vấn đề, nếu vụ việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm mà cổng trường bị đóng nữa thì ngành giáo dục sẽ xử lý thế nào để ổn định việc học tập tại trường, “Thời gian này chưa đến ngày tựu trường nên phụ huynh cứ yên tâm. Dứt khoát chuyện đóng, rào cổng trường sẽ không xảy ra trong năm học mới này nữa. Lần này là phải giải quyết dứt điểm để không còn tình trạng trường bị đóng cổng”, ông Tuấn quả quyết.
Hi vọng năm học mới 2016 – 2017 sắp tới, thầy và trò trường THCS Nguyễn Du sẽ đến trường của mình bằng cổng chính chứ không còn phải đến trường bằng cách leo rào nữa.
Mong rằng lời nói của vị trưởng phòng GDĐT huyện Hồng Dân là sự thật, đó sẻ là một món quà thật quí báu dành tặng cho thầy và trò của trường THCS Nguyễn Du.