![]() |
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín. |
Ứng với con giáp của mỗi năm Âm lịch, Nguyễn Hiếu Tín đều cho ra đời một bộ họa tự về linh vật trong năm đó. Năm trước, anh đã để lại nhiều ấn tượng đối với người thưởng lãm bằng chữ “Long” ra hình con rồng thanh thoát. Theo anh, nhờ tính hư ảo của rồng, nên biểu hiện nghệ thuật của nó không bị hạn chế, vì lẽ đó mình sáng tác rất phong phú và đa dạng đến 12 kiểu chữ Long tạo thành 12 con rồng với dáng vẻ khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng.
So với chữ “Long” tạo ra hình rồng và đặc điểm hư ảo, thì chữ “Tỵ” năm Ất Tỵ 2025 tạo ra hình rắn tương đối khó hơn. Tuy nhiên, sự di chuyển nhịp nhàng cũng như đường cong uyển chuyển của rắn khơi gợi cho anh trí tưởng tượng về hình thể chữ.
Bằng những động tác nhẹ nhàng, bút lực mạnh mẽ, những đường nét điêu luyện và sắc xảo từ đầu ngọn bút lông uyển chuyển, bên cạnh đó là sự phối hợp cương - nhu, lúc thanh thoát, lúc trầm bổng... đã giúp anh tạo ra những tác phẩm hình tượng về rắn với nhiều dáng vẻ phong phú, vừa tinh tế, vừa khoáng đạt và cá tính. Trong năm nay, Hiếu Tín sáng tạo được 5 hình tượng rắn chỉ bằng chữ Tỵ, truyền tải nhiều thông điệp và mong ước cho một năm mới thịnh vượng, một năm khởi đầu cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
![]() |
Hình 1: Rắn chào xuân. |
+ Rắn chào xuân (Hình 1): Chữ T, Y và dấu nặng được kết hợp một cách khéo léo thành hình ảnh cành đào rực rỡ và chú rắn đang quấn lấy cành đào, đầu rắn hướng lên trên, trông rất mạnh mẽ, sung mãn. Màu đen của mực xạ viết ra hình rắn tương phản với cành đào màu đỏ rực rỡ của mùa xuân. Tất cả tạo nên một không khí vui tươi, may mắn, sung túc đang đón chào mùa xuân mới trong năm rắn đăng quang.
![]() |
Hình 2: Rắn mừng xuân. |
+ Rắn mừng xuân (Hình 2): Cũng chỉ 2 ký tự T và Y và dấu nặng, anh đã khéo léo viết thành hình con rắn uyển chuyển, uốn lượn, với đường bút điệu nghệ, biến hóa. Đây là một trong những tác phẩm với bút pháp ấn tượng, nét bút rất khoan thai, liền lạc, kết nối nhau, khiến con chữ tự nhiên vừa thấy hình rắn rất rõ, đồng thời chữ “TỴ” cũng hiện lên một cách điệu nghệ. Biểu tượng cho sự sáng tạo, đổi mới, mang lại những hiệu quả tích cực cho một năm mới khởi sắc.
![]() |
Cặp rắn Âm Dương (Hình 3) |
+ Cặp rắn Âm Dương (Hình 3): Tác giả cách điệu chữ TỴ thành 2 con rắn lồng vào nhau tạo thành hình vòng tròn thái cực - biểu trưng triết lý âm dương của triết học phương Đông về sự biến dịch, quy luật vận hành của vũ trụ. Mang thông điệp về sự trọn vẹn, hoàn hảo, may mắn trong năm mới.
![]() |
Rắn du xuân (Hình 4) |
+ Rắn du xuân (Hình 4): Chữ Tỵ được tạo hình chú rắn đang lao về phía trước như báo hiệu một năm mới với những thành công mới, hứa hẹn sự an lành, và hạnh phúc.
![]() |
+ Rắn - Thần dược (Hình 5): |
+ Rắn - Thần dược (Hình 5): Chữ Tỵ được tạo thành hình biểu trưng của ngành y, đó là chữ T tạo thành cây gậy phép của thần Esculape (tên gọi khác là Asclépios, là ông tổ của ngành y dược theo truyền thuyết Hy Lạp) và chữ Y tạo thành hình con rắn quấn quanh cây gậy thần (biểu hiện của sự thận trọng, khôn khéo, điều hòa tinh thần và thể xác, có công chống lại dịch bệnh). Do vậy, hình ảnh chữ Tỵ này thay cho lời chúc sức khỏe trong năm mới, nên hình rắn rất to khỏe, chắc chắn.
Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ về quá trình sáng tác các bức họa tự, đối với chữ Hán vốn là chữ tượng hình nên bản thân mỗi văn tự với những chấm, phẩy, sổ, ngang, khung, mác... hợp thành đã trở thành bức tranh sinh động, hay hình tượng cụ thể nào đó là điều đương nhiên. Nhưng đối với chữ Latin không có sự mô phỏng như chữ Hán, là chữ tượng thanh nhưng các nhà thư pháp Việt Nam vẫn có thể “thư pháp hóa” thành những hình tượng tuyệt vời, không kém phần nghệ thuật. Khuynh hướng sáng tác này ngày càng xuất hiện trong nhiều tác phẩm thư pháp chữ Việt và Hiếu Tín là một trong những người tìm tòi, sáng tạo hướng đi mới cho nghệ thuật mà anh gọi là họa tự (vẽ chữ).
Theo anh họa tự và thư pháp tuy cùng nói về nghệ thuật của chữ viết nhưng có điểm khác là trong khi thư pháp thiên về viết chữ đòi hỏi có sự ngẫu hứng sáng tạo, thì họa tự lại thiên về vẽ chữ và cần nhiều ý tưởng sáng tạo, nó mang tính ước lệ nhiều hơn so với thư pháp. Chính điểm khác biệt này đã góp phần làm phong phú và độc đáo trong nghệ thuật viết chữ Việt Nam. Và do đó, khi thể hiện họa tự thì đòi hỏi ý tưởng sáng tác khó hơn nhiều so với thư pháp. Một chữ anh viết tạo ra hình có khi phải mất một tuần, vì không chỉ thể hiện tài năng điêu luyện của đôi bàn tay mà đòi hỏi cần phải có tư duy tinh tế, tìm tòi tra cứu tư liệu, hình ảnh và đặc biệt là phải biết đặc tính của con vật mà mình muốn thể hiện để đảm bảo truyền tải cái hồn của linh vật đó bằng những ký tự chứ không phải bằng hình vẽ.
Có thể nói, Hiếu Tín đã thành công trong sự mạnh dạn khai phá nền thư pháp cổ điển để mở ra một hướng đi mới, một phong cách mới: họa tự Việt Nam. Quả thật, nét bút tài hoa của Tín đã tạo nên bước đột pháp mới, thổi luồng sinh khí mới vào sáng tác phẩm nghệ thuật độc đáo của thư pháp Việt.
Giang Nam