"Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nên tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước", Luật sư Trương Anh Tú nhận định.
Tin nên đọc
Quảng Bình: Siết hoạt động kinh doanh du lịch trước tình trạng cá chết hàng loạt
Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng
Người dân hoang mang vì cá chết hàng loạt do nguồn nước có yếu tố nhiễm độc
Cá chết hàng loạt ở Quảng Trị: Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng 3 lên tiếng
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển từ chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, đã gây hoang mang trong dư luận trong những ngày qua.
|
Thống kê cho thấy, thiệt hại ban đầu của người dân ven biển Vũng Áng ước tính hơn 1 tỷ đồng. |
Chỉ trong vài ngày đầu tháng 4/2016, trên địa bàn 3 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (đều thuộc thị xã Kỳ Anh) có tổng cộng 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá như cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ... bị chết hàng loạt. Có khoảng 37.200 con cá giống, 2.120 kg cá thương phẩm chết chưa rõ nguyên nhân. Thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ước tính hơn 1 tỉ đồng.
Từ kết quả nghiên cứu, phân tích và đánh giá, cơ quan chức năng nhận định “yếu tố gây độc trong nước” tại biển Vũng Áng được bắt từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng lại đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển từ chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đang là một hiện tượng đau lòng với ngư dân miền biển. Nhiều người đang băn khoăn rằng, cá nhân, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này?
Phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
|
Luật sư Trương Anh Tú. |
Luật sư Trương anh Tú cho rằng, "dưới góc độ pháp luật, quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường, trước tình trạng này thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nên tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.
Nếu phát hiện đúng sai phạm là do tác động của con người thì cần Xử lý vi phạm theo Điều 160 Luật bảo vệ môi trường. Luật sư Trương Anh Tú viện dẫn, Điều 160 Luật bảo vệ môi trường:
“1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Song song với việc thanh kiểm tra và tìm phương án khắc phục ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đánh giá thiệt hại mà người dân ven biển phải gánh chịu, môi trường bị tác hại nghiêm trọng về lâu dài, để buộc chủ thể gây ô nhiễm phải bồi thường tương ứng.
Căn cứ xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm: “1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; 2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra”.
Ngoài ra, Điều 164 Luật bảo vệ môi trường quy định nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường như sau:
“a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình;
b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra;
c) Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
Chưa hết, nếu xác định được việc ô nhiễm môi trường là do việc xả thải thì việc cần làm ngay là phải khởi tố vụ án, để từ đó điều tra hành vi gây ô nhiễm môi trường theo Điều 182 BLHS sửa đổi bổ sung 2009 về “Tội gây ô nhiễm môi trường”.
Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường 1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |