Tại Quyết định số 2532/QĐ-UBND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kinh phí 850 triệu đồng triển khai Đề án “Khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”.
|
Với kiến trúc độc đáo, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011. (Ảnh: Anh Thắng). |
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2532/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 phê duyệt dự toán kinh phí triển khai đề án “Khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ” với tổng kinh phí 850 triệu đồng.
Tỉnh Thanh Hóa giao Sở tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí để Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được cấp theo đúng mục đích và thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành.
Trong tổng gói kinh phí 850 triệu của đề án, kinh phí biên soạn, thiết kế, in sách giới thiệu quảng bá về Thành nhà Hồ là 402 triệu đồng. Kinh phí xây dựng, in tờ rơi tuyên truyền là 122,8 triệu đồng.
|
Những vết tích phát hiện được tại hệ thống núi An Tôn đã phát lộ nguồn đá dùng xây Thành nhà Hồ tại khu vực làng Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (Ảnh: Anh Thắng). |
Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Câu lạc bộ nghệ thuật vùng di sản Thành nhà Hồ (gồm 20 thành viên) là 84 triệu đồng. Gồm các hạng mục biên soạn các làn điệu nhạc truyền thống, chầu văn, hát xẩm, dân ca các miền, bài giảng văn nghệ tổng hợp; bồi dưỡng diễn viên hát, diễn viên múa; kinh phí thuê đạo cụ biểu diễn (đàn kìm, trống con, phách, sáo, nhị, kèn tàu, chuông, mõ…)
Kinh phí bồi dưỡng nâng cao trình độ hướng dẫn viên di sản là 82 triệu đồng đáp ứng chi phí các lớp học, thiết bị giảng dạy, đưa các hướng dẫn viên tham quan học hỏi tại Tràng An-Bái Đính (Ninh Bình), quê Bác (Nghệ An). Kinh phí nâng cao trình độ tiếng Anh của hướng dẫn viên là 159 triệu đồng.
Trước đó, Bộ VH,TT&DL đã quyết định cho phép Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại khu vực Hào thành phía Bắc của di tích Thành nhà Hồ lên đến 1.000m2, nâng tổng diện tích khai quật Hào thành phía Bắc lên 3.000m2.
|
Nguyên nhân đôi rồng đá cụt đầu bên trong Thành nhà Hồ vẫn chưa có lời giải chính thức. (Ảnh: Anh Thắng). |
Diện tích mở rộng khai quật khảo cổ thuộc hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Mục đích nhằm xác định quy mô, cấu trúc của Hào thành phía Bắc, góp phần vào việc nghiên cứu để tiến hành bảo tồn hệ thủy cổ và tôn tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch tại di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Năm 2015 vừa qua, khu Hào Thành phía Nam cũng đã được khai quật với diện tích 2.000m2. Kết quả đã xác định quy mô, cấu trúc và chức năng phòng thủ và xưởng chế tác, tinh chế đá xây dựng Hoàng thành.
Được biết, kế hoạch khai quật khảo cổ tổng thể Thành Nhà Hồ diễn ra trong 7 năm, bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2020 với kinh phí thực hiện trên 90 tỉ đồng.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô hoặc Tây Giai) được xây dựng năm 1397, là kinh đô của nước Đại Ngu (1400-1407). Đây là công trình đồ sộ, có một không hai trên thế giới về kiến trúc cổ bằng vật liệu đá dưới vương triều phong kiến đã tồn tại trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Ngày 27/6/2011, Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới. |