Sự việc một khách hàng ở Quảng Ninh bị một ngân hàng gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ năm 2013 và qua 11 năm, nợ lãi phát sinh tới nay lên tới 8,84 tỷ đồng; đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
|
Đến tháng 9/2023, dư nợ khách hàng phải trả là 8,8 tỷ đồng. Ảnh minh họa. |
Khách hàng cho rằng, năm 2013, trong lúc làm hồ sơ mở thẻ, một nhân viên ngân hàng yêu cầu ký vào đơn mở thẻ tín dụng và biên nhận thẻ trước, rồi sẽ thông báo kết quả sau. Tuy nhiên khi nhận, khách chỉ được nhân viên này bàn giao thẻ ghi nợ nội địa và thông báo "không đủ điều kiện làm thẻ tín dụng". Khoảng năm 2017, đến một nhà băng khác vay vốn, khách mới được nhân viên thông báo phát sinh 2 giao dịch thẻ tín dụng năm 2013 với nợ gốc và lãi hơn 100 triệu đồng. Khách cho rằng chưa thanh toán số tiền vì chưa thống nhất được với ngân hàng về trường hợp này.
Về phía ngân hàng, cho rằng cách tính lãi, phí này phù hợp với thỏa thuận giữa họ và khách theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013. Theo ngân hàng, khách mở thẻ tín dụng vào tháng 3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Từ 14/9/2013, khoản nợ thẻ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Ngân hàng cho rằng trong 11 năm qua, đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp nhưng "khách vẫn chưa có phương án xử lý nợ". Tháng 9/2013, ngân hàng đã thông báo bằng văn bản đến khách về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tháng 12/2017, ngân hàng nhận đơn khiếu nại từ khách rằng không nhận được thông báo trên. Cuối năm 2017, ngân hàng đã có văn bản phúc đáp khách hàng, đồng thời đề nghị thanh toán khoản tiền.
Theo những thông tin hai bên đưa ra như trên, thì còn một số vấn đề “chưa khớp”, nhưng 2 con số 8,5 triệu đồng và 8,84 tỷ đồng thì rất rõ ràng. Vậy vì sao mức dư nợ sau 11 năm cao gấp 100.000% dư nợ gốc ban đầu? Và cách tính toán này đúng quy định pháp luật hay không?
Một số chuyên gia lý giải, việc dẫn đến dư nợ như vậy chỉ có thể là ngân hàng đã áp dụng lãi suất “kép”, tức tính lãi trên gốc dồn lãi, nói theo cách nôm na là “lãi mẹ đẻ lãi con”, thay vì theo số gốc nợ chi tiêu ban đầu (8,5 triệu).
Với cách tính lãi kép, dư nợ gốc 8,5 triệu đồng vào tháng 9/2013 ước tính chịu lãi suất thẻ 87%/năm (gồm các loại lãi suất, phí phạt...). Sau đó, lãi nhập gốc và tiếp tục bị tính thêm lãi suất này. Đến tháng 9/2023, dư nợ khách hàng phải trả là 8,8 tỷ đồng.
Trong thực tế, ở một số ngân hàng, nhằm bảo đảm dư nợ khoản vay ở mức hợp lý so với nợ gốc và phù hợp với khả năng trả nợ của khách; đến một giai đoạn nào đó, khi khách bị xếp vào diện nợ nhóm 5 (không có khả năng thu hồi), ngân hàng sẽ có biện pháp tiếp tục thu hồi song sẽ khoanh nợ để không phát sinh lãi, tránh vượt khả năng chi trả thực tế cũng như so với nợ gốc ban đầu.
Còn một băn khoăn khác, theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Vậy trường hợp tính lãi kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con” như trên, có vi phạm hay không? Một số ý kiến cho rằng trần 20% không áp dụng đối với ngành ngân hàng, mà thuộc “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Nói cách khác, lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào.
Trả lời báo chí, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết đã có văn bản yêu cầu ngân hàng trên báo cáo vụ việc bằng văn bản. Trong bối cảnh hiện nay, càng phải sớm làm rõ, giải thích rõ sự việc này một cách cụ thể, chính xác, đúng luật; để người dân hiểu rõ về sự việc, tránh xảy ra những nghi ngại băn khoăn không đáng có, “gỡ rối” cho các bên một cách phù hợp, tránh lặp lại những trường hợp tương tự.