Đại diện UBND phường Đông Ngạc đã cung cấp cho gia đình bà Khanh các giấy tờ: Phiếu điều tra nguồn gốc đất, 3 trích lục sao sổ mục kê kèm theo 3 bản đồ địa chính các năm: 1960, 1987 và 1994.
Liên quan đến vụ việc, sau phán quyết của toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm bà Hoàng Thúy Khanh (SN 1949, ở số 5 ngách 39/32 đường Đông Ngạc, TDP 3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đã làm đơn lên Giám đốc thẩm đối với 2 bản án “sơ thẩm” và “phúc thẩm”.
Người xây dựng nhà là ai?
Liên quan đến sự việc trên, trao đổ với PV, bà Hoàng Thuý Khanh cho biết: Bản thân đã mất nhiều thời gian tìm hiểu để đi tìm lời giải ai là người xây dựng nhà thờ, năm xây dựng cũng như năm xây dựng cổng nhà, qua đó cũng lý giải được tại sao cổng nhà thờ lại ghi 4 chữ “Đông Hoàng Miếu Tổ”.
 |
Bà Hoàng Thuý Khanh. |
Theo bà Khanh, việc xây dựng nhà không dược ghi chép trong gia phả. Tuy nhiên, nhiều căn cứ còn trong nhà như bài vị, hoành phi, câu đối bằng chữ nho vẫn đang còn lưu lại, chính những bút tích còn lưu lại trên mà bà Khanh đã đi tìm hiểu, dịch thuật để đi đến lời giải cuối cùng cho việc xây dựng và tồn tại của nhà thờ trên.
Theo đó, bà Khanh cho hay, trong nhà người có bài vị thờ cao nhất là cụ Hoàng Tế Mỹ (đời thứ 9), người có bài vị thờ sau cụ Mỹ là cụ Hoàng Quế Tường (đời thứ 10).
 |
Những bút tích còn lưu lại trên hoành phi, câu đối trong nhà thờ. |
Có vài ý kiến cho rằng, cụ Hoàng Nguyễn Thự (đời thứ 8) là người xây dựng nhà thờ. Về vấn đề trên, bà Khanh cho biết, nếu như cụ Hoàng Nguyễn Thự xây dựng nhà thì phải có bài vị thờ đời thứ 7 (bố mẹ của cụ Thự và đời thứ 6, ông bà của cụ), liệu có phải phải cụ Thự xây nhà để sau này thờ con là cụ Hoàng Tế Mỹ, điều này không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt mình.
Cũng có ý kiến nói rằng, cụ Thự xây dựng nhà thờ năm 1778, sau này giao lại cho cụ Hoàng Tế Mỹ quản lý sử dụng vì cụ có con trai (2 anh của cụ không có con trai).
Về ý kiến trên, theo bà Khanh, cụ Hoàng Nguyễn Thự (đời thứ 8) qua đời năm 1801, cụ Hoàng Tế Mỹ (đời thứ 9) sinh năm 1795. Như vậy, khi cụ Thự qua đời, cụ Mỹ mới 6 tuổi, tuổi cụ đang còn nhỏ, nên không thể là người được bố mẹ giao cho sử dụng và quản lý nhà thờ.
“Còn nếu, thật sự cụ Mỹ là người được giảo quản lý và sử dụng nhà thờ, thì cụ phải thờ bố mẹ mình. Nhưng trong nhà thờ không có bài vị của cụ Hoàng Nguyễn Thự, điều đó có thể hiểu không phải cụ Hoàng Nguyễn Thự xây dựng nhà, cụ Hoàng Tế Mỹ không phải là người quản lý sử dụng nhà, mà phải là người khác, là con, cháu của cụ Mỹ xây dựng nhà thờ trên”, bà Hoàng Thúy Khanh cho biết.
Về sau này, bà Khanh đã xâu chuỗi các bút tích được ghi lại cửa võng, cũng như câu đối gian giữa nhà thờ, hoành phi và qua lời của bố bà Khanh là cụ Hoàng Tích Tộ thì xác định cụ Hoàng Yến Chỉ (đời thứ 11) xây dựng nhà thờ năm 1893. Thời điểm này, cụ có hàng tram mẫu ruộng để phát canh thu tô và còn ép dầu trẩu để bán.
“Cụ Hoàng Yến Chỉ xây dựng xong nhà thờ khị bố cụ là Hoàng Quế Tường (đời thứ 10) vấn còn sống khoẻ mạnh, ngày đầu khánh thành nhà thờ chỉ là cụ Hoàng Tế Mỹ (đời thứ 9), tại thời điểm này nhà thờ chỉ mang ý nghĩa “con thờ cha, cháu thờ ông nội), không mang ý nghĩa thờ cụ tổ 5 chi họ Hoàng Đông Ngạc”, bà Khanh nói.
Về việc xây cổng nhà thờ, theo bà Khanh năm thứ 13 Hoàng Triều Bảo Đại là năm 1938, người xây dựng cổng nhà thờ là cụ Nguyễn Thị Lộc (vợ của cụ Hoàng Quân Hy (đời thứ 12), cụ Hoàng Quân Hy là con của cụ Hoàng Yến Chỉ (đời thứ 11) được kế thừa sử dụng nhà thờ, khi cụ Hy qua đời thì vợ cụ là cụ Nguyễn Thị Lộc vẫn cùng các con quản lý, sử dụng nhà thờ, vì vậy năm 1938 cụ cho xây cổng nhà thờ.
Cụ Nguyễn Thị Lộc (đời thứ 12) đối với cụ Hoàng Tế Mỹ (đời thứ 9) thì cụ Lộc gọi cụ Mỹ là cụ. Cụ Mỹ là người cao vai nhất trong nhà thờ nên cụ Lộc tôn cụ Hoàng Tế Mỹ là cụ Tổ 4 đời nên cổng đề 4 chữ "Đông Hoàng Tổ Miếu".
 |
Cổng nhà thờ được xây dựng vào năm 1938. |
Theo tiến trình lịch sử, cũng như theo bài vị trong nhà thờ, xác định rõ ngôi nhà thờ và quyền sử đất trên thửa đất số 411, tờ bản đồ số 7 có diện tích là 3402m2 theo bản đồ năm 1987, còn theo bản đồ năm 1994, là số 18, bản đồ số 13, có diện tích là 3110m2, là di sản kế thừa, cha truyền con nối.
Cụ thể, người đầu tiên là cụ Hoàng Quế Tường, tiếp đến là cu Hoàng Yến Chỉ, Hoàng Quân Hy, Hoàng Tích Tộ và đến bây giờ là anh chị em bà Khanh (là con của cụ Tộ).
Năm 1960, cụ Hoàng Tích Tộ được UBND xã Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc) ghi tên trong sổ mục kê – sổ quản lý đất đai đầu tiên sau cải cách ruộng đất, cụ Hoàng Tích Tộ là chủ sở hữu thửa đất trên (từ năm 1960 đến nay).
Đại diện UBND phường Đông Ngạc đã cung cấp cho gia đình bà Khanh các giấy tờ: Phiếu điều tra nguồn gốc đất, 3 trích lục sao sổ mục kê kèm theo 3 bản đồ địa chính các năm: 1960, 1987 và 1994.
“Theo quy định của của pháp luật, các giấy tờ trên đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất và cụ Hoàng Tích Tộ là chủ tài sản nằm trên thửa đất số 18, tờ bản đồ số 13 tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và con cụ Tộ là Hoàng Năng Toàn, Hoàng Thiệu Toản và Hoàng Thuý Khanh đang định cư hợp pháp trên nhà đất của bố là cụ Hoàng Tích Tộ”, bà Khanh nói.
“Chính vì thế, tài sản trên không thuộc sở hữu của 5 chi họ Hoàng, mà từ xưa đến nay thửa đất và tài sản trên vẫn quản lý, sử dụng của cá nhân (theo luật thừa kế) là từ cụ Hoàng Quế Tường cho lại các thế hệ con cháu sau này cho đến đời cụ Hoàng Tích Tộ (là bố của bà Khanh).
Gần 200 năm chưa bao giờ, thửa đất trên thuộc quản lý sử dụng của cộng đồng dòng họ Hoàng, cho đến hiện tại các con của cụ Tộ quản lý sử dụng là đúng với quy định của pháp luật, đúng với luật thừa kế, khi bố mẹ qua đời để lại tài sản cho con”, bà Khanh trình bày.
Hiện tại chồng bà Khanh đã mất, bà cùng với người con (bị tật nguyền) đang sinh sống ổn định trên thửa đất cha ông để lại, không có chỗ ở nào khác, mong cơ quan chức năng xem xét đến hoàn cảnh của bà Khanh để đưa ra phán quyết công minh, đúng quy định của pháp luật.
Nhiều tình tiết của vụ việc cần được làm rõ
Theo luật sư Chu Quang Quyến thuộc (Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án “Tranh chấp đòi tài sản chung là nhà thờ họ” còn nhiều tình tiết cần được làm rõ, mà cả hai cấp Sơ thẩm và Phúc thẩm đều bỏ qua, để tuyên bản án làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của những gia đình đang sinh sống trên thửa đất trên.
Theo luật sư Chu Quang Quyến, Tòa án sơ thẩm đã xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp: Tại Bản án sơ thẩm số 39/2021/DS-ST ngày 30/6/2021 của Tòa án nhân thành phố Hà Nội đã xác định tranh chấp giữa Nguyên đơn với Bị đơn là “Tranh chấp đòi tài sản chung là nhà thờ họ”.
 |
Hiện tại bà Khanh cùng con gái tật nguyền đang sinh sống trên thửa đất trên. |
Theo Thông báo thụ lý vụ án số 05/TB-TLVA ngày 06/4/2021, Tòa án sơ thẩm đã thụ lý vụ án trên cơ sở; Đơn khởi kiện ngày 20/01/2021của các ông Hoàng Việt Tấn, Hoàng Kim Đông, Hoàng Chí Cường, Hoàng Diễn Tằng, Hoàng Kim Đồng; Đơn giải trình bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 25/3/2021 của ông Hoàng Kim Đồng (Đại diện cho các Nguyên đơn của 5 chi Họ Hoàng Đông Ngạc).
Căn cứ Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”) quy định về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và Điều 166 BLDS 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản, chỉ có chủ sở hữu mới có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền trả lại tài sản.
“Như vậy, Nguyên đơn không có tài liệu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng minh diện tích nhà đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc.
Việc Nguyên đơn chưa được công nhận quyền sử dụng đất mà Tòa án sơ thẩm đã xác định tranh chấp đòi lại tài sản chung nhà thờ họ là không đúng quy định của pháp luật, bởi tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất”, luật sư Quyến cho biết.
Luật sư Chu Quang Quyến cũng cho hay, Tòa án sơ thẩm đã thụ lý vụ án khi Nguyên đơn “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”: Tại các Đơn khởi kiện, Đơn giải trình bổ sung yêu cầu khởi kiện, Nguyên đơn không gửi kèm Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân phường Đông Ngạc.
Tức là Nguyên đơn chưa thực hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND phường Đông Ngạc với phía Bị đơn trước khi khởi kiện.
Như vậy, Nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 192 BLTTDS.Việc Tòa án sơ thẩm thụ lý vụ án khi Nguyên đơn chưa đủ điều kiện khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn.
Luật sư Quyến còn cho biết, Tòa án sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã sử dụng giấy tờ, tài liệu của cá nhân ở nước ngoài gửi về không có giá trị pháp lý tại Việt Nam, tiến hành thủ tục thẩm định giá tài sản trái quy định, tại Biên bản làm việc ngày 14/5/2021, các bên đương sự trong vụ kiện đều không đưa ra được giá trị các công trình, cây cối cũng như giá trị QSD đất và đề nghị Tòa án tiến hành thủ tục định giá theo quy định pháp luật.
Tòa án đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam để tiến hành định giá tài sản nhà đất, công trình, cây cối trên đất.
Việc lựa chọn Tổ chức thẩm định giá tài sản là quyền tự do thỏa thuận của các đương sự, chứ không do Tòa án tự động chỉ định và ký hợp đồng thẩm định giá với Tổ chức thẩm định giá.
Do đó, trong vụ án này, việc tòa án sơ thẩm là chủ thể ký Hợp đồng thẩm định giá với Công ty CTCP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam ngày 06/5/2021 là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 104 BLTTDS.
Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về định giá tài sản, hậu quả pháp lý là Hợp đồng thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá là vô hiệu, không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã sử dụng tài liệu chứng cứ này để giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Hơn nữa, theo luật sư Chu Quang Quyến, tòa án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã đánh giá chứng cứ không khách quan, không chính xác trong việc xác định nguồn gốc đất.
Tòa án sơ thẩm đã căn cứ vào Bản án số 75/2007/DS-ST ngày 08,09/11/2007 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án số 113/2008/DS-PT ngày 04/04/2008 của TAND tối cao để làm căn cứ xác định nguồn gốc đất.
Cả hai bản án nêu trên đều tuyên: “cổng cổ, nhà cổ, sân gạch, bể nước tọa lạc trên diện tích đất mà cụ Tộ đứng tên kê khai trong các sổ mục kê vào các năm 1960, 1987, 1994 các nguyên đơn đều không chứng minh được do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho, hay cụ Tộ được thừa kế, hoặc được tặng cho… HĐXX thấy có đủ căn cứ xác định các tài sản cổ hiện tọa lạc trên diện tích đất 3.030m2 đo thực tế tại xóm 3 xã Đông ngạc, Từ liêm, Hà Nội không phải là di sản của cụ Hoàng Tích Tộ…”
Có thể thấy, hai bản án nêu trên đều xác định tài sản trên đất là cổng cổ, nhà cổ, sân gạch, bể nước và diện tích nhà Thờ họ Hoàng gồm nhà thờ được xây gạch khung gỗ lim, lợp ngói rộng trên 100 m2 là của Dòng họ Hoàng chứ không khẳng định toàn bộ diện tích 3110m2 là của Dòng họ Hoàng.
"Do đó, trong vụ án, việc xác định nguồn gốc đất phải căn cứ vào Phiếu điều tra nguồn gốc đất, Trích lục bản đồ năm 1960, Trích lục bản đồ năm 1987 và Trích lục bản đồ năm 1994.
Nội dung đều thể hiện chủ sử dụng đất là ông Hoàng Tích Tộ (bố của các bị đơn) và loại đất sử dụng là đất thổ cư chứ không phải đất thờ cúng", luật sư Quyến nói.
Cũng theo luật sư Chu Quang Quyến, theo Điều 100 Luật đất đai năm 2013 quy định về Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau: Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
Theo Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai như sau:
“Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm: Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.”
“Theo quy định trên, Phiếu điều tra nguồn gốc đất, Trích lục bản đồ năm 1960, Trích lục bản đồ năm 1987 và Trích lục bản đồ năm 1994 là các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tất cả các giấy tờ nêu trên còn thể hiện ông Hoàng Tích Tộ đã sử dụng đất ổn định, lâu dài và liên tục từ năm 1954 cho đến năm 1994 là 39 năm và hiện nay các bị đơn đang quản lý, sử dụng ổn định”, luật sư Hà Trọng Đại nhấn mạnh.
Nó còn thể hiện rất rõ trong các Điều 236, Điều 180, Điều 182, của BLDS 2015, về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, Chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu liên tục...
“Căn cứ vào các giấy tờ nêu trên và đối chiếu với quá trình quản lý sử dụng của các gia đình bị đơn, việc công nhận quyền sử dụng đất cho các bị đơn là có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, Tòa án sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã không căn cứ vào các loại giấy tờ được Luật đất đai quy định để xác định nguồn gốc đất và việc xác lập sở hữu đối với bất động sản đề công nhận quyền sử dụng đất cho các bị đơn, như vậy là áp dụng không đúng quy định của pháp luật, không khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn”, luật sư Quang Quyến cho hay.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.