Theo dõi clip cháu bé trường mầm non ở Hà Tĩnh chạy ra đường khiến ô tô cán qua người tử vong, Ts. Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, cần xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, để cho bé chạy ra ngoài mà không có sự kiểm soát trước tiên là lỗi của người trông trẻ, của người đã mở cửa.
Tiếp đó, phụ huynh điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát là nguyên nhân chính dẫn đến việc cháu bé tử vong.
Bởi vậy, trong tình huống này ,cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến tình huống qua camera an ninh và xác định lỗi của người có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu người nào có lỗi khiến cháu bé tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về nguyên tắc, khi phụ huynh đã giao con cho cơ sở giáo dục mầm non trông giữ, chăm sóc, giáo dục thì các cán bộ, nhân viên trông giữ trẻ phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ nội quy, quy chế, đặc biệt là các quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Để trẻ em mới 16 tháng tuổi như vậy tự ý chạy ra ngoài mà không kiểm soát được như vậy là tình huống rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn cho trẻ em, thực tế cháu bé đã gặp tai nạn và tử vong.
Bởi vậy, rất có thể cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý về Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với người lái xe ô tô và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người mở cửa lớp mầm non mà không trông coi.
Hơn nữa, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của người phụ nữ xuất hiện trong clip khi cửa mở lớp, sẽ làm rõ ai mở cửa và trách nhiệm quản lý các cháu theo nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục mầm non này để truy trách nhiệm.
Nếu cô giáo hoặc cán bộ trường mầm non này mở cửa nhưng “quên” không đóng lại hoặc mở cửa nhưng không quan sát, không quản lý được các cháu trong phòng theo nhiệm vụ đã được phân công thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 |
Bé Hồ Bảo L. chạy ra đường và bị ô tô phụ huynh cán tử vong. Ảnh cắt từ clip |
Pháp luật quy định người có chức trách, nhiệm vụ nhưng vì thiếu trách nhiệm mà đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự, hình phạt thấp nhất bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 - 5 năm.
Bởi vậy trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy có cán bộ cơ sở giáo dục này được giao, phân công nhiệm vụ trông coi quản lý học sinh nhưng vì thiếu trách nhiệm (mở cửa thiếu quan sát, không quản lý được các cháu) dẫn đến cháu bé chạy ra đường, bị tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 5 năm tù theo quy định tại khoản 1, Điều 360 bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ cơ sở giáo dục mầm non này hoạt động có giấy phép hay không, các cán bộ nhân viên ở đây có được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, chuyên môn phù hợp hay không.
Quy trình trông giữ trẻ và trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên ở cơ sở này được phân công, giao nhiệm vụ và tổ chức thực hiện công việc như thế nào?
Trong trường hợp cơ sở giáo dục này hoạt động chưa đủ giấy phép hoặc không đảm bảo an toàn, cán bộ nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, không phân công nhiệm vụ rõ ràng, không có quy trình trông coi quản lý thì cơ sở này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, có thể bị tạm đình chỉ hoạt động.
Còn đối với cán bộ, nhân viên được giao phụ trách lớp, cán bộ đón cháu bé từ gia đình để quản lý cháu bé nhưng không quản lý được, để cháu chạy ra ngoài và tai nạn xảy ra thì rất có thể người có trách nhiệm trực tiếp trông nom quản lý tại thời điểm sự việc xảy ra sẽ bị xem xét xử lý về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ người quản lý, điều hành cơ sở giáo dục mầm non này là ai, công tác quản lý có tuân thủ quy định pháp luật không, đặc biệt là tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn để xem xét tổng thể trách nhiệm của tổ chức và các cá nhân có liên quan đối với công tác quản lý theo quy định pháp luật.
Theo dõi qua clip cho thấy khi cửa mở, người đón trẻ thiếu quan sát khiến cháu bé đã chạy từ trong nhà ra đường.
Cháu bé chạy thẳng ra phía trước mũi xe ô tô, cách mũi xe khoảng 2m, rồi ngã, sau đó, cháu bé đứng dậy thì ô tô từ từ di chuyển đến phía trước và cán qua người cháu bé dẫn đến cháu bé tử vong.
Khoảng cách giữa vị trí xe dừng đỗ và cháu bé đứng khoảng 2m.
 |
Luật sư Đặng Văn Cường trả lời Pháp luật Plus. |
Khoảng cách giữa xe ô tô đến vị trí chỗ cháu bé đứng rồi bị xe cán qua là bao nhiêu rất quan trọng, đặc biệt là với chiều cao của người phụ nữ điều khiển chiếc xe ô tô này thì “điểm mù” trên xe ô tô được tính khoảng cách bao xa để xác định trong tình huống bình thường thì người lái xe có thể quan sát cháu bé hay không, có lỗi hay không.
Nếu có thể quan sát được cháu bé nhưng lại thiếu chú ý, không quan sát được dẫn đến tai nạn xảy ra thì người lái xe này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để làm rõ tình tiết này, Cơ quan chức năng sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường để xác định các vị trí, khoảng cách và hướng di chuyển của xe và của nạn nhân, cần thiết thì có thể tiến hành thực nghiệm hiện trường để xác định khoảng cách giữa vị trí chiếc xe đang dừng đỗ với vị trí cháu bé đang đứng tại thời điểm tai nạn xảy ra để xác định với khoảng cách như thế thì người điều khiển phương tiện này có thể quan sát thấy cháu bé hay không.
Nếu người lái xe ô tô thiếu chú ý quan sát dẫn đến tai nạn xảy ra, hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật quy định người điều khiển xe ô tô phải chú ý quan sát, đặc biệt là khi bắt đầu di chuyển và quan sát khu vực phía trước mũi xe khi xe chạy, nếu thiếu chú ý quan sát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự với hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30 triệu đồng - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Đây là vụ tai nạn rất thương tâm khi cháu bé còn quá nhỏ và có một phần trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non.
Bởi vậy, ngoài việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn rủi ro không đáng có, nâng cao trách nhiệm của những người được gieo trông nom quản lý để tránh những vụ tai nạn tương tự có.
Theo TS Đặng Văn Cường, các cơ sở giáo dục mầm non cần phải xây dựng quy trình đưa đón học sinh, có kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện ra những tình huống nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho học sinh.