Mặc dù hoạt động “thỉnh vong”, “giải nghiệp” đã diễn ra ở chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) từ nhiều năm nay. Nhiều công văn, văn bản báo cáo về sự việc này cũng đã được gửi tới chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn tiếp diễn cho đến khi báo chí vào cuộc.
Tăng Ni bỏ chùa, nội bộ lục đục
Trước những năm 2000, chùa Ba Vàng chỉ là một ngôi chùa nhỏ khiêm nhường, diện tích chỉ vỏn vẹn vài trăm mét vuông tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phía tây TP Uông Bí. Đại đức Thích Trúc Thái Minh về đây tu tập, sau gần 10 năm, chùa Ba Vàng nhanh chóng trở thành một nơi tâm linh bậc nhất Uông Bí với hàng loạt công trình nguy nga tráng lệ.
|
Chùa Ba Vàng bị cho là truyền bá “vong báo oán” thu tiền bất chính. |
Cũng từ đây, nhiều xáo trộn trong chùa bắt đầu manh nha thành những mâu thuẫn khi nhà chùa áp dụng “Thanh quy tu học chùa Ba Vàng”. Trong thanh quy quy định các Tăng, Ni ngày ăn 1 bữa, nửa tháng tắm 1 lần, nằm ngủ dưới đất, tu dưới gốc cây trong rừng 49 ngày bất kể nắng mưa. Đặc biệt, nhà chùa còn để phật tử Phạm Thị Yến (còn gọi là Yến bắt ma) khuyến hóa người dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ.
Nhiều ý kiến của Tăng, Ni đưa ra, khuyến cáo việc làm của nhà chùa sai lệch đạo Phật nhưng đều bị bác bỏ. Bức xúc trước những việc làm sai trái, đi ngược với giáo lý nhà Phật, vào năm 2015, đã có khoảng 40 Tăng, Ni xin đi khỏi chùa.
Không chỉ nội bộ chùa Ba Vàng lục đục mà mâu thuẫn còn tăng lên khi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh nhiều lần khuyên nhủ, đóng góp ý kiến chân thành đối với trụ trì chùa Ba Vàng Đại đức Thích Trúc Thái Minh về việc nhà chùa tổ chức gọi vong báo oán. Tuy nhiên từ đó đến nay tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí còn có nhiều ý kiến quy chụp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tị với chùa Ba Vàng.
Ngày 22/3 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi UBND thành phố Uông Bí trả lời về thông tin liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng. GHPGVN tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong nghi lễ truyền thống Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam, khi thực hiện nghi lễ cho vong linh người đã mất có các nghi thức: Tiếp linh, Cúng Phật, Cúng Tổ, Triệu linh, Tụng kinh cầu siêu, Chúc thực. Còn “nghi thức thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” của chùa Ba Vàng không có trong giáo lý Phật giáo.
|
Hiện tượng “thỉnh vong”, “oan gia trái chủ” diễn ra tại chùa Ba Vàng nhiều năm nay. |
Mặc dù bị gặp phải nhiều chỉ trích, lên án việc “gọi vong”, “bắt ma” nhưng chùa Ba Vàng không những không dừng lại mà còn liên tục truyền bá “vong báo oán” trong các bài giảng, chia sẻ lên các trang mạng xã hội như facebook, youtube, instagram…nhưng không hề có sự chấn chỉnh hay can thiệp từ chính quyền địa phương.
Chính quyền ở đâu?
Ngày 26/8/2015, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh có Công văn số 125/CV - BTS gửi tới 7 cơ quan chức năng để phối hợp, giải quyết những dấu hiệu bất thường tại chùa Ba Vàng. Công văn nêu rõ: Quần chúng nhân dân phản ánh các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng Phật tử Yến, cư trú tại Hạ Long thường xuyên quyến hóa nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng pháp cho Tăng, Ni, Phật tử nghe…
Sau công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh gửi cho các cơ quan chức năng, gần như sự việc bị rơi vào quên lãng. Cũng từ đó, chùa Ba Vàng tổ chức các buổi “thỉnh vong”, “thỉnh oan gia trái chủ” kín đáo, an ninh được thắt chặt. Chỉ những người có lai lịch rõ ràng mới được vào phòng “cầu vong”.
Ngày 22/3, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với đại diện Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Chánh văn phòng sở cho biết, sở này chưa hề nhận được thông tin nào về việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán” trước đó. Khi có chỉ đạo của tỉnh, Sở đã phối hợp cùng đoàn thanh tra của Bộ VHTT & DL, UBND TP. Uông Bí kiểm tra, xác nhận thông tin để tìm hướng xử lý.
Liên hệ với bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, bà này cho biết đang đi công tác nước ngoài nên không tiện nói chuyện, chỉ có thể trao đổi qua tin nhắn. Qua tin nhắn, bà Hạnh cho biết sau khi nhận được công văn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vào năm 2015, Sở đã có văn bản 1335 ngày 10/9/2015 trả lời Ban Trị sự và đến ngày 16/9/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản chỉ đạo về sự việc của chùa Ba Vàng.
Những công văn, văn bản của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đều không có “hồi kết”. Sau 4 năm, việc truyền bá “vong báo oán” của chùa Ba Vàng đã thu hút hàng vạn người. Nhiều nạn nhân phải chịu đau khổ bệnh tật, nhiều gia đình tán gia bại sản vì tin vào ma quỷ.
Sáng 22/3, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh và được biết, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc điều tra, làm rõ việc tổ chức “thỉnh vong báo oán” tại chùa Ba Vàng.
Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, vụ việc ở chùa Ba Vàng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, quyền lợi của người dân, liên quan đến vấn đề “nhạy cảm” là tôn giáo, nên thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.
Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, ông Nguyễn Mạnh Hà “Trên cơ sở thông tin, chứng cứ mà các lực lượng chức năng, trong đó công an thu thập được, TP.Uông Bí đã đề nghị cơ quan công an sớm triệu tập bà Phạm Thị Yến lên làm việc để làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động thỉnh vong báo oán tại chùa Ba Vàng”. |