Làm giả giấy tờ để bán nhà đất của chồng, bị cáo Hoàng Thị Hòa An (SN 1987, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị Tòa xử phạt 22 năm 6 tháng tù. Nhưng khi xử lý vật chứng, cả hai cấp Tòa lại chỉ đề cập đến diện tích đất mà “bỏ quên” căn nhà 5 tầng trên đất khiến bản án không thể thi hành.
Mượn người khác làm chồng để lừa bán nhà đất Năm 2002, anh Trương Anh Tiến (SN 1970, trú tại phường Mai Dịch, Cầu Giấy) được UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cấp lô đất giãn dân tại số 7 ngõ 44 tổ 44 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Hà Nội.
|
Bị cáo An tại phiên tòa sơ thẩm. |
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), anh Tiến đã xây một ngôi nhà 5 tầng trên diện tích đất này và cho người khác thuê sử dụng. Đến năm 2007, anh Tiến kết hôn với Hoàng Thị Hòa An và ngôi nhà trên được xác định là tài sản riêng của anh Tiến do có trước thời kỳ hôn nhân. Nhưng trong quá trình chung sống, do liên tục bị các chủ nợ thúc ép, An liền nghĩ cách bán trộm căn nhà trên của chồng để trả nợ.
Khoảng cuối năm 2011, An đã lén lút lấy chứng minh nhân dân và GCNQSDĐ mang tên chồng và nhờ Hà Huy Lâm (quê Nam Định) giả làm chồng mình rồi nhờ công chứng viên đến nhà làm văn bản công chứng với nội dung “anh Tiến đồng ý cho vợ (tức An) toàn quyền quyết định trong việc mua bán, sử dụng căn nhà…”.
Giữa tháng 12/2011, An đã dùng văn bản công chứng ủy quyền này để bán nhà đất của chồng cho anh Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Hương Duyên (ở quận Thanh Xuân) với giá hơn 5,6 tỷ đồng. Ít ngày sau, vợ chồng anh Dũng lại chuyển nhượng nhà đất cho chị Bùi Thị Hồng Loan (trú tại Hưng Yên) với giá 5,8 tỷ đồng.
Ngoài việc lừa bán nhà đất là tài sản riêng của chồng như trên, An còn có hành vi thuê xe ô tô rồi lừa bán cho người khác lấy tiền tiêu xài. Do vậy, An đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 22 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Cùng với đó, Hà Huy Lâm và Nguyễn Đức Thịnh (công chứng viên) cũng lần lượt bị tòa tuyên phạt về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.Bản án “bỏ quên” ngôi nhà Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa An và anh Dũng, chị Duyên; giữa anh Dũng, chị Duyên với chị Loan là vô hiệu do hành vi chuyển nhượng của An là lừa đảo.
Do đó, bị cáo An phải bồi thường 5,65 tỷ tiền mua bán nhà đất cho chị Duyên, anh Dũng; chị Duyên, anh Dũng có trách nhiệm liên đới trả lại cho chị Loan 5,8 tỷ đồng. Đối với vật chứng, HĐXX tuyên thu hồi 47,3m2 đất tại lô 18, khu giãn dân 133 (lô đất mà anh Tiến được giao) do cho Bùi Thị Hồng Loan đang quản lý để trả lại cho anh Tiến - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án; kiến nghị UBND quận Cầu Giấy hủy bỏ GCNQSDĐ đứng tên chị Loan để cấp lại cho anh Tiến theo quy định.
Khi xét xử phúc thẩm, HĐXX Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như trên. Tuy nhiên, khi anh Tiến có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án mới thấy rằng bản án này không thể thi hành do Tòa chỉ tuyên giao cho anh Tiến 47,3m2 đất do chị Loan đang quản lý chứ không đề cập đến ngôi nhà 5 tầng trên đất.
Trao đổi với phóng viên, anh Trương Anh Tiến cho biết, ngôi nhà trên là tài sản hợp pháp của anh, do anh bỏ tiền riêng ra xây dựng, là tài sản có trước thời kỳ hôn nhân. Nhưng đáng tiếc là Tòa án lại mắc sai sót khi không tuyên buộc chị Loan phải trả cả nhà và đất cho anh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của anh. Theo một số luật sư, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội và bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội cần được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bỏ phần “xử lý vật chứng” để xét xử lại, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của công dân.