Gần 2.000 ngày là thời gian mà Đại dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông” từ lúc khởi công đến nay vẫn “đắp chiếu”...
Cung đường chết
Như Phapluatplus.vn đã phản ánh, năm 2011 do hệ thống đê tả Sông Hồng đoạn qua các huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ mối có thể ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng cho người dân vào mùa lũ lụt.
Cùng với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập dự án, giao cho hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường làm chủ đầu tư thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông”.
Video các phương tiện chật vật khi tha gia giao thông
Tại huyện Vĩnh Tường, dự án được chia thành 3 gói thầu (tổng giá trị gần 1.500 tỉ đồng) do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng.
Tại huyện Yên Lạc (có tổng dự toán được phê duyệt trên 1.171 tỉ đồng), gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc, Vĩnh Phúc thực hiện thầu.
|
Cát, sỏi được tập kết từ lâu nhưng không thi công gì? |
Cuối tháng 12/2011, dự án được khởi công rầm rộ, hàng nghìn người dân địa phương vui mừng vì sắp có một tuyến đê an toàn, mang lại cơ hội phát triển kinh tế.
Tuy nhiên đến nay, những gì đang diễn ra tại dự án này lại khiến người dân thất vọng. Theo cam kết, dự án thực hiện đến tháng 12/2013 phải hoàn thành. Nhưng theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn đang “đắp chiếu”, nhiều đoạn thi công cầm chừng.
|
Các nhà thầu thi công theo kiểu "cầm hơi" chờ vốn. |
Tuyến đê tả Sông Hồng trước đây vốn là tuyến đường giao thông huyết mạch nối 6 xã ven sông của huyện Yên Lạc và các xã của huyện Vĩnh Tường.
Nhưng kể từ ngày Đại dự án triển khai, tuyến đường đê thơ mộng ngày nào bỗng chốc được người dân địa phương gọi là “cung đường chết”. Người dân gọi tuyến đường là “cung đường chết” bởi lẽ cả tuyến đê vắng ngắt không người qua lại, chỉ ở những nút giao thông mới thấp thoáng bóng người và phương tiện tham gia giao thông.
|
Đoạn đê thuộc địa phận xã Đại Tự, huyện Yên Lạc vẫn nguyên vẹn, như chưa hề có dự án. |
Giải thích về điều này, nhiều người dân cho rằng, không phải không muốn đi trên đê, mà vì từ khi dự án triển khai đến nay, từng đoạn của đê tả bị cắt khúc, đổ đất san nền nhấp nhô những ổ gà, ô voi không thê đi lại. Thậm chí, ở nhiều đoạn thuộc huyện Yên Lạc còn được đơn vị thi công đổ đất thành từng đống vô hình tạo nên những vũng nước, mặt nền cao cả mét xe chạy qua là chết máy.
Để đối phó với việc đi lại, nhiều phương tiện tự tìm cho mình giai pháp tình thế là phi xuống đường giao thông nông thôn ở các xã gây nứt vỡ đường bê tông, bụi bẩn. Việc người dân chặn xe vì phá hỏng đường, bụi, ách tắc xảy ra như cơm bữa...
Dự án to... giờ mới lo nguồn vốn
Phóng viên Phapluatplus.vn đã mục sở thị Đại dự án gần 3.000 nghìn tỷ “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông” ở hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường.
|
Kè bê tông dựng sát chân đê như "lô cốt". |
Theo quan sát, tại gói thầu do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng thuộc huyện Vĩnh Tường đã có khoảng 2km gần hoàn thiện.
Còn lại, công việc triển khai thi công của các nhà thầu mới chỉ dừng ở mức san nền, và khối lượng đã san nền là không nhiều.
Đoạn sáng sủa nhất trên toàn bộ đại dự án gần 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc thi công thì mới tiến hành san nền được 3 xã là Nguyệt Đức, Yên Phương, và Liên Châu. Riêng tuyến đê đoạn chạy qua xã Đại Tự huyện Yên Lạc vẫn nguyên vẹn chưa có dấu vết của việc thi công.
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn tuyến dự án qua huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường có tổng mức đầu tư trên 2.600 tỉ đồng. Tính đến 5/2015, Dự án đến nay đã giải ngân được khoảng 600 tỉ đồng/khoảng 1.500 tỉ đồng đối với gói thầu ở huyện Vĩnh Tường.
Trong đó, gói thầu số 1 và số 3 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn nhận thầu với tổng số vốn đầu tư của cả 2 gói thầu khoảng hơn 940 tỉ đồng.
Gói 1 đầu tư hơn 40 tỉ đồng, đã được cấp 20 tỉ; gói 3 khoảng 900 tỉ, đã được cấp hơn 300 tỉ. Riêng gói thầu số 2 được chỉ định thầu cho liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng với số vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, đã được cấp hơn 40 tỉ. Lý do dự án chậm tiến độ là vì chưa bố trí được vốn, khó khăn trong việc tìm nguồn lấy đất đắp đê.
|
Kè bê tông cao gần 10 m như bức tường thành sừng sững đã mốc rêu |
Riêng gói thầu tại huyện Yên Lạc hiện nay đang “đắp chiếu”, chưa bố trí được nguồn vốn, tổng giá trị khối lượng chỉ đạt được khoảng 30% cho các gói thầu.
Từ một dự án phải hoàn thành trong 540 ngày, nhưng đến nay đã gần 2000 ngày vẫn “đắp chiếu” chờ vốn? Từ một dự án mang tính cấp bách như thế nhưng lại thực hiện theo kiểu cầm chừng, và chủ đầu tư bây giờ mới “loay hoay” tìm vốn thử hỏi Đại dự án bao giờ mới xong? Câu hỏi này, một lần nữa xin gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, bao giờ và đến bao giờ?
Báo Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.