Vỉa hè đúng là vỉa vàng theo như cách ví von của ông Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, liên tục bị săm soi và hở ra một cái là ông A, ông B vào chiếm ngay. Vì thế, việc khôi phục lại trật tự vốn có của vỉa hè được gọi là “cuộc chiến” bởi tính chất quyết liệt của nó. Cái ông A, ông B, gọi theo cách phiếm chỉ nói trên không phải là mấy gánh hàng rong mà chính là cán bộ hoặc những “thế lực ngầm”.
Thực ra, những người “đứng sau”, “chống lưng” cho việc khai thác vỉa vàng này đã được Chủ tịch TP Hà Nội chỉ ra từ năm ngoái. Tuy nhiên, những thế lực đó vẫn “vững như bàn thạch” cho dù các cuộc ra quân rầm rộ nhưng rút cục vẫn là “bắt cóc bỏ đĩa” và tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn như chưa từng có cuộc ra quân nào.
Ngay tại Hà Nội, khi chủ trương tăng phí giữ xe thành hiện thực, thì có ngay các kẻ ăn theo, chiếm dụng vỉa hè giữ xe với mức giá “cắt cổ” và hình như chính quyền bất lực trong chuyện này. Cả một đoạn phố Trần Thủ Độ nhiều năm nay bị xe tải, xe công-ten-nơ lấy làm chỗ đỗ, giao hàng, vỉa hè bị băm nát, dân phố khốn khổ mà không ai có thể làm gì là một ví dụ về sự bất lực của chính quyền.
Một dẫn chứng thực tế khác, rất thuyết phục về tình trạng bất lực của chính quyền là việc “người hùng đường phố” – ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận I, TP HCM phải xin từ chức. Chính ông đã thừa nhận sự bất lực của mình trước cái “tài nguyên vỉa hè” mang lại hàng nghìn tỷ đồng cho ai đó chứ không phải Nhà nước, đụng vào vỉa hè là đụng vào lợi ích của nhóm người này nên ông “cởi áo từ quan” là việc không thể khác.
Vỉa hè còn là quặng vàng cho những ai làm đẹp cho nó. Việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội mới đây chỉ là sự tiếp nối của những lần “khai thác” trước đó khi người ta liên tục thay gạch lát vỉa hè. Lần này thì có cả lợi ích của “con ông cháu cha” trong đó nên sự “vĩnh cửu” mà họ quảng cáo trở thành tạm bợ, mới lát đá đã bung lên nham nhở, vài chục tỷ đồng đi tong, cả Bí thư lẫn Chủ tịch Hà Nội đều bức xúc, đều muốn làm ra nhẽ nhưng chưa thấy một dấu hiệu khả quan nào.
Chung quanh cái vỉa hè cũng xuất hiện một số kẻ khoác áo đạo đức và nhân văn khi ra sức bênh vực cho gánh hàng rong và sự mưu sinh của người nghèo. Đó chỉ là cái vỏ che đậy mà thôi, thực ra là họ bảo vệ cho người giàu và cho cho những hành vi “làm ăn” phi pháp. Xưa nay, chỉ thấy lực lượng bảo vệ bắt hàng rong, trấn áp những người nhèo khổ một cách hung hãn và vô cảm chứ những nhà hàng, bãi đõ xe chiếm dụng vỉa hè một cách ngang nhiên họ đâu dám đụng vào!
Vỉa hè là cái vỉa vàng thì quyền khai thác phải thuộc Nhà nước, tiền thu được từ vỉa hè phải trở thành phúc lợi của toàn dân. Đó là lẽ công bằng và cũng là biểu hiện của một xã hội có kỷ cương pháp luật!