Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra hai ngân hàng và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được biết đến phổ biến tại Việt Nam như: SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu…
Như Pháp luật Plus đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Thời gian thanh tra 45 ngày. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đối tượng thanh tra bao gồm hai ngân hàng và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được biết đến phổ biến tại Việt Nam như: Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quí Sài gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quí Doji, CTCP Vàng bạc đá quí Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Theo tìm hiểu, thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh với phần lớn thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống nhỏ lẻ, trải dài trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn như SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu…đang gia tăng thị phần và ngày có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường vàng, với doanh thu hàng năm lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Doji – lợi nhuận bị “bào mòn”, nợ phải trả tăng
CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji được biết đến bởi quy mô hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc, điều này thể hiện ở con số lãi sau thuế lên đến trên 491 tỷ đồng trong năm 2023.
Dù vậy, con số này vẫn giảm khoảng 50% so với năm 2022, khi Doji từng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế lên xấp xỉ 1.017 tỷ đồng. Trước đó, trong 2 năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế Doji lần lượt là 150 tỷ đồng và 187 tỷ đồng.
|
Ảnh minh họa. |
Cùng với việc lợi nhuận giảm, nợ phải trả của Doji cũng tăng trong năm 2023, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,95 tỷ đồng lên 2,35 tỷ đồng. Tương ứng Doji đang ghi nhận số nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2023 là khoảng 15.850 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 12.400 tỷ đồng của năm 2022.
Năm 2022, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,1, tương ứng số dư nợ trái phiếu khoảng 636 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm kết thúc năm 2023, Doji đã báo cáo việc không còn dư nợ trái phiếu. Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi định kỳ 2023, Doanh nghiệp đã tất toán 640 tỷ đồng dư nợ của lô trái phiếu DOJI.L.20.23.001 trong giai đoạn tháng 4 - 7/2023.
Lợi nhuận “mỏng” như SJC
Theo tìm hiểu, kể từ ngày 25/5/2012 (thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực), Nhà nước độc quyền tổ chức sản xuất vàng miếng; không tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.
Căn cứ Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn gia công vàng miếng SJC cho Ngân hàng Nhà nước.
Và cho đến nay, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng vẫn đang là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC trong những năm qua.
Trên thị trường, vàng miếng SJC thường có giá bán cao hơn so với các nhãn hàng khác. Đặc biệt, ghi nhận ở thời điểm ngày 27/5/2024 đang cao hơn khoảng 13 – 13,5 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn (khoảng 87,9 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào và 89,9 triệu đồng/lượng theo chiều bán ra).
|
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh vàng của SJC chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty. |
Với đặc thù nêu trên, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn ghi nhận phần lớn doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh vàng, con số này trong năm 2023 là hơn 28.402 tỷ đồng (năm 2022 là hơn 27.153 tỷ đồng).
Nhưng cũng vì thế mà giá vốn bán hàng của Công ty thường ghi nhận ở mức khá cao, lên đến hơn 28.166 tỷ đồng trong năm 2023, khiến lợi nhuận gộp của SJC chỉ còn 241,6 tỷ đồng.
|
Lợi nhuận sau thuế của SJC chỉ vài chục tỷ đồng. |
Và sau khi trừ đi các chi phí và thuế, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 60,9 tỷ đồng – một mức lợi nhuận khá mỏng nếu so với doanh thu hơn 28,4 nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng.
Mức lợi nhuận “mỏng” cũng được SJC duy trì trong nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2022 Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn ghi có lợi nhuận sau thuế là hơn 48,5 tỷ đồng, năm 2021 là hơn 43,2 tỷ đồng…
PNJ – doanh thu kênh vàng 24K tăng 80% trong 4 tháng đầu năm
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024.
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2024, ước tính PNJ lãi sau thuế 177 tỷ đồng, tăng 61% so với tháng 4 năm ngoái. Còn nếu tính theo lợi nhuận mỗi ngày, PNJ lãi đến gần 6 tỷ/ngày trong tháng 4 vừa qua.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 16.049 tỷ, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Doanh thu và lợi nhuận của PNJ tăng mạnh sau 4 tháng đầu năm nay. |
Như vậy chỉ sau 4 tháng đẩu năm, PNJ đã hoàn thành 43,2% kế hoạch doanh thu thuần và 43,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2024.
Tại thời điểm 30/4/2024, tổng số cửa hàng của PNJ đạt 403 có mặt tại 57/63 tỉnh thành – tăng 2 tỉnh thành so với cuối tháng 3.
Có thể thấy, dù lượng cửa hàng mở thêm không nhiều nhưng doanh thu của PNJ tăng đột biến so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra vàng miếng tại mỗi doanh nghiệp cũng rất lớn, có lúc lên tới 2 - 3 triệu đồng/lượng.
|
Theo công bố của PNJ, doanh thu của kênh vàng 24K (9999) sau 4 tháng đầu năm 2024 tăng gần 80% so với cùng kỳ. |
Trước bối cảnh giá vàng biến động mạnh ở đầu năm 2024, doanh thu của kênh vàng 24K (9999) trong trong 4 tháng đã tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước do khách hàng giao dịch vàng 24K sôi động.
Trong khi đó, doanh thu trang sức bán lẻ 4 tháng đầu năm của PNJ tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 58,1% tổng doanh thu, tương đương 9.324 tỷ. Doanh thu trang sức bán sỉ ghi nhận tăng 9,3% so với cùng kỳ lên 1.477 tỷ.
Trong năm 2023, PNJ báo doanh thu giảm nhẹ trong năm giá vàng biến động, song lợi nhuận sau thuế tăng lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng.