Dự kiến tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay, song còn quá nhiều dang dở.
Trong văn bản khẩn vừa gửi UBND TP HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị kiến nghị phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đến cuối năm 2020.
Động thái này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án tuyến metro số 2 trong khi chờ chỉ đạo của Thủ tướng và thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án.
Nếu mọi thủ tục thuận lợi, sớm nhất đến năm 2024 tuyến metro này mới được hoàn thành. Trong khi đó kế hoạch ban đầu được đặt ra là năm nay tuyến tàu điện ngầm sẽ hoàn thành (khởi công năm 2014, hoàn thành sau 4 năm).
|
Sơ đồ đường đi của tuyến metro số 2. Ảnh: BQL Đường sắt đô thị TP HCM. |
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, ngày 10/5, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 2,1 tỷ USD (tương đương hơn 47.800 tỷ đồng), tăng gần gấp đôi so với dự toán năm 2010.
Nếu được thông qua, đầu năm 2019 UBND TP HCM mới phê duyệt điều chỉnh dự án. Căn cứ tiến độ thực tế thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, công tác điều chỉnh dự án sẽ khó hoàn tất trong năm nay.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, hợp vốn từ ba nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); 313 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Tuy nhiên, sau đó tổng vốn được đề xuất điều chỉnh lên hơn 2,1 tỷ USD do ảnh hưởng các yếu tố: trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm).
Đây là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Tổng số hộ ảnh hưởng trên toàn dự án là 679 hộ dân.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, công tác giải phóng mặt bằng đang bị đình trệ kế hoạch tái định cư chưa được UBND thành phố thông qua, ảnh hưởng đến công tác bồi thường của các quận dù nguồn vốn luôn có sẵn.