Ngày 5/2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin cụ thể về tình hình thực hiện Nghị định 168 cũng như công tác phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao với các chiêu thức lừa đảo tinh vi trên không gian mạng.
Thông tin về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói người dùng; tạo lập các ứng dụng giả mạo chứa mã độc để tấn công, truy cập trái phép ứng dụng chuyến tiền trên điện thoại; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, nhân viên các nhà mạng, ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng hoặc vô hiệu hóa tài khoản để lừa nạn nhân cung cấp thông tin khôi phục; lừa đảo bán vé máy bay, bán các chuyến du lịch giá rẻ... nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc trước của người dân.
![]() |
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VGP |
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
"Ngay trước và trong Tết, nhiều vụ án nghiêm trọng về tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản được lực lượng Công an triệt phá, được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nhấn mạnh và nêu vụ việc như: Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản của người dân gần 1.000 tỷ đồng.
Công an Đà Nẵng phát hiện vụ lừa đảo có tính chất quốc tế, lừa đảo khoảng 800 nạn nhân với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân xung quanh các phương thức thủ đoạn, hình thức lừa đảo trên không gian mạng để người dân biết; phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là lĩnh vực ngân hàng và viễn thông để hạn chế, khắc phục những lỗ hổng trong việc quản lý sim rác, tài khoản ảo… để sử dụng lừa đảo trên không gian mạng.
Đồng thời, Bộ Công an cũng có phương án cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên không gian mạng như rà soát vô hiệu hóa các trang web nghi ngờ lừa đảo trên không gian mạng, xây dựng các quy chế phối hợp để có thể khẩn cấp ngăn chặn các hoạt động lừa đảo.
Bộ cũng sẽ tiếp tục hợp tác quốc tế để tiếp tục ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện các tổ chức lừa đảo trên không gian mạng để cảnh báo tới người dân…
"Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong việc cung cấp thông tin về tài khoản cá nhân tới người không tin cậy, chưa rõ nhân thân. Trong những tình huống nghi ngờ, người dân cần báo cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên khuyến cáo.
Đồng thời, mong cơ quan báo chí tuyên truyền kỹ về các loại tội phạm này với những hình thức lừa đảo tinh vi, thủ đoạn mới để nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng ngừa tội phạm công nghệ cao.
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều các thủ đoạn mới, tinh vi, táo bạo, bất chấp pháp luật.
Trước thực trạng trên, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy tắc "6 không" để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm lừa đảo nói chung, tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. 1. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. 2. Không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng. 3. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc. 4. Không cán bộ cơ quan Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin hay đóng tiền. 5. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào. 6. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao". |