Ngày 10/10/2016 là cột mốc thời gian đánh dấu tròn 03 năm kể từ khi Thủ tướng chính phủ quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm làm ngày Truyền thống luật sư Việt Nam. Đây là một sự ghi nhận của Nhà nước và xã hội đối với sự đóng góp của giới luật sư vào công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|
Luật sư đã có đóng góp vào công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. |
Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại nói chung cũng như của nghề luật sư trên thế giới nói riêng, dễ dàng nhận ra một thực tế rằng, ở các quốc gia thịnh vượng, văn minh thì tiếng nói của lực lượng phản biện xã hội như: Luật sư, báo chí … luôn được đề cao.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một điều đó là hầu hết các chính khách nổi tiếng trên thế giới có thể kể tới như: Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, Đương kim Tổng thống pháp François Hollande, đương kim Thủ tướng Nga Anatoly Medvedev, cựu chủ tịch nước Cu Ba Fidel Castro…đều là những luật sư nổi tiếng.
Ở Việt Nam, chúng ta đã từng có một thế hệ vàng những luật sư được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của Pháp và đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như kiến tạo sự phát triển của nước nhà, có thể kể đến như: Luật sư Phan Văn Trường, Luật Sư Phan Anh, Luật sư Vũ Trọng Khánh, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Ngô Bá Thành…
Nhận ra tầm quan trọng của đội ngũ luật sư cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập với thế giới, Bộ chính trị đã có nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp. Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã nêu rõ mục tiêu phát triển đội ngũ luật sư, đó là: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư.
Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình.”Đến nay, sau 11 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có sự tăng mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng. Qua đó phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội trong thời kỳ hội nhập. Trong hơi thở cuộc sống hằng ngày, dấu ấn của luật sư trong mọi vấn đề xã hội cũng là vô cùng đậm nét.
Ở những diễn đàn cao nhất của đất nước như diễn đàn quốc hội, các luật sư như Ngô Ngọc Thịnh, Trương Trượng Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến… là những gương mặt rất tiêu biểu. Bằng khả năng, hiểu biết và tâm sức của bản thân, các luật sư đã có nhiều ý kiến xác đáng, gây tiếng vang lớn trong các kỳ họp, từ đó giúp cho Quốc hội đưa ra được những quyết sách hợp lý.
Hằng ngày, hằng giờ, mọi vấn đề liên quan tới mọi mặt của đời sống được báo chí phản ánh, thông tin cũng được đội ngũ luật sư góp ý kiến phân tích, đánh giá. Chính hoạt động này đã góp phần đấu tranh phòng chống các hành vi sai trái, mặt khác thực hiện chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.
Hiện nay ngành luật cũng được đánh giá là một ngành học rất “hot”, do vậy điểm đầu vào của các trường đại học có đào tạo nghành nghề này có xu hướng tăng đều hằng năm. Ở góc độ đời sống thì thu nhập của người hành nghề luật sư đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước đây. Những luật sư có chuyên môn, kỹ năng tốt dễ dàng sống được bằng nghề, thậm chí có mức thu nhập cao trong xã hội.
Tuy nhiên, luật sư cũng là một nghề đầy vinh quang, nhận được nhiều sự kỳ vọng của xã hội, do vậy để xứng đáng kỳ vọng đó, mỗi luật sư chúng ta tự hào về nghề nghiệp của mình những cũng không thể quên việc trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Chỉ có như vậy, những người luật sư chúng ta mới có thể tô thắm hơn nữa truyền thống vẻ vang của nghề luật sư. Từ đó, để hai tiếng “luật sư” luôn là một niềm kiêu hãnh và tự hào.