Nhạc sĩ Trúc Phương đã viết lời ca đó trong bài Thói đời, để nói lên sự giả dối, hai mặt của lòng người. Thói đạo đức giả đang tung hoành và nhiều khi chúng ta chấp nhận như một sự thỏa hiệp và cho rằng “ai chả vậy”. Sự chiếm lĩnh của thói giả tạo đó khiến cho sự thật thà bị tổn thương và lòng tốt, sự trung thành, công bằng, phải khó khăn để tồn tại.
|
Con người luôn có mặt nạ cho riêng mình, vấn đề nó rơi xuống lúc nào! |
Chuyện ông Đinh Bằng My (hiệu trưởng trường Dân tộc Nội trú – THCS Thanh Sơn huyện Thanh Sơn -Phú Thọ) đã từng đứng lên giữa sân trường nói chuyện về giáo dục giới tính, lên tiếng bảo vệ các em trước xâm hại tình dục - là một hình thái điển hình cho thói đạo đức giả.
Nhưng bên trong vẻ đẹp của người thầy trên bục giảng đó, ông My lại có thú chơi 'bệnh hoạn' là yêu cầu học sinh nam lên phục vụ nhu cầu tình dục cho mình. Theo thông tin từ các em học sinh, nhiều giáo viên trong trường biết lối sống suy đồi của ông My nhưng câm nín, thậm chí dắt các em lên để thầy My lạm dụng.
Câu chuyện đau lòng được nhiều người ở đây che đậy, coi nó như là “chuyện bình thường”, khiến cho tư cách khốn nạn của người thầy lại được che đậy bằng mặt nạ đạo đức - lên án việc lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên.
Khi sự việc lôi ra ánh sáng, tập thể giáo viên vẫn lên giọng bao biện “thầy My là người tốt, có chuyên môn, được nhận nhiều bằng khen, thành tích” - Sự thối nát, suy đồi của một người thầy - kẻ ấu dâm-vẫn được nhân viên cấp dưới tụng ca rằng một kẻ trong sạch đang bị bắt oan. Đó chính là sự suy đồi đạo đức và thói đạo đức giả lên ngôi.
Phạm Ngọc Tiến, một tay viết lão làng về phân tích xã hội nhìn nhận: “Danh dự là thứ tưởng như vô hình nhưng lại không khó để nhìn nhận. Khi con người ta tự tước đoạt đi danh dự của mình thì đấy liệu có còn là cuộc sống? Một tấm bằng giả kéo theo một cuộc đời giả đằng đẵng. Một sản phẩm giả, nhất là loại hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến đời sống con người, mặc nhiên kẻ làm giả ấy đã là một con người giả. Con người không còn danh dự.
Cuộc chiến giữa thật và giả không còn là sản phẩm hàng hóa nữa mà là cuộc chiến ở góc độ con người. Một xã hội công bằng, văn minh không thể có chỗ cho hàng giả. Khi lương tâm của một số người bị hạ thấp dưới lợi nhuận thì hàng giả còn đất sống. Và cuộc chiến giữa thật và giả vốn được coi là "một mất một còn" vẫn sẽ tiếp tục. Ít nhất là để bảo vệ danh dự con người”.
Còn PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng thói đạo đức giả được khởi nguồn từ sự vô cảm của cộng đồng và đang thành như một “thói quen nguy hiểm”:
“Vô cảm từ đâu mà ra? Câu chuyện đó liên quan đến hệ thống giá trị mà con người Việt Nam theo đuổi đang ở giai đoạn thách thức. Từ đó người ta đặt ra vấn đề là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, vì sao lại có sự xuống cấp như vậy? Tôi nghĩ bởi chúng ta đang trong sự chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống kinh tế xã hội. Một số người cảm thấy thiếu lòng tin ở đời sống hiện tại.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không trừng phạt, để cái chân, thiện, mỹ lên ngôi thì cái ác, sự giả dối còn hoành hành và khi ấy con người còn vô cảm. Ở đây là mối quan hệ hữu cơ, quan hệ song hành, nếu con người không hành động thì sẽ không thiết lập được trật tự đó.
Nhưng đến lượt mình các lực lượng đi trước, tầng lớp tiên phong trong xã hội không lành mạnh được, không trong sạch thì sẽ khó phát động một cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác. Và rõ ràng, đó là mảnh đất tốt để vô cảm lên ngôi. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải cảnh tỉnh khi sự thờ ơ, sự vô cảm tồn tại trong xã hội, khi nó đang tiêu diệt những giá trị tốt đẹp của xã hội và nguy hại hơn là tình trạng bất ổn sẽ được nhìn nhận như chuyện thường ngày”.
Chúng ta đang nhìn thấy, quan sát, nhiều kẻ nhân danh chống tham nhũng lại là trùm tham nhũng, nhiều kẻ chống tội phạm lại bảo kê cho tội phạm. Vụ án ông Phan Văn Vĩnh và đồng phạm là ví dụ…Và những những người gieo mầm lương thiện lại làm chuyện bỉ ổi với học sinh…Đó phải chăng sự khốn cùng và nỗi đau của chúng ta?
Nhiều khi ai đó muốn thể hiện lòng tốt, sự chân thành cũng khiến bị ngờ vực, thậm chí bị liên lụy đến bản thân. Sự tử tế sẽ sống thật e dè, tội nghiệp, và thói hào nhoáng, tráo trở tung hoành, chém gió, lại được chấp nhận như một sự hợp pháp. Ai đó sẽ chép miệng “ đời là vậy mà”.
Và khi nó trở thành thói quen thì việc đạo đức giả được chấp nhận như là cách con người tô vẽ cho mình trong sáng hơn người khác. Cách để mình tồn tại một cách hãnh diện trong mặt nạ của mình.
Tác giả Lương Gia từng viết “Điều trị căn bệnh đạo đức giả, tất nhiên không giống như điều trị các căn bệnh thực thể. Nó không dựa hoàn toàn vào các phương tiện y học. Công cụ tốt nhất để điều trị căn bệnh này là giáo dục. Mỗi cá nhân tự thay đổi nhận thức là chủ quan và lĩnh hội giáo dục là khách quan.
Không nói lời giả nhân giả nghĩa, xu nịnh, tâng bốc… đồng thời tẩy chay, không thích, không nghe, không hưởng ứng nó, mới loại trừ được thói đạo đức giả. Có cung ắt có cầu. Khi nào, ở đâu, người ta vẫn còn thích nghe những lời giả nhân giả nghĩa, còn tâm lý cả tin thì ở đó, thói đạo đức giả vẫn còn “chốn dung thân”.