Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng “mũ nồi xanh” của QĐND Việt Nam như một đại sứ, là cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè các nước trong phái bộ và người dân nước sở tại.
Từ tháng 6/2014 đến 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên Hợp quốc (LHQ).
Trong buổi tổng kết giai đoạn 2012-2020, Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp quốc, Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng GGHB Việt Nam - một trong những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ GGHB của Liên Hợp Quốcđã có chia sẻ sau những năm tháng nhận nhiệm vụ ở châu Phi xa xôi.
|
Đại tá Mạc Đức Trọng (ngoài cùng bên trái) và Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (ngoài cùng bên trái). |
Trải qua những năm tháng nơi “đất người”, Đại tá Trọng thấy rõ được những giá trị của cha anh đi trước gây dựng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
“Đó là niềm tự hào cho các cán bộ, chiến sĩ sau này khi đặt chân ra thế giới. Uy tín, sức ảnh hưởng và hình ảnh tốt đẹp của QĐND, đất nước, văn hóa và con người Việt Nam được bạn bè châu Phi đánh giá rất cao”, Đại tá Mạc Đức Trọng tự hào nói.
Nhiều phe phái chống đối nhau nhưng có chung tình cảm với Việt Nam
Thông thường, khi làm nhiệm vụ ở những vùng khó khăn có chiến sự phức tạp sẽ được “chào đón” bằng những loạt đạn, những ánh mắt căng thẳng, xe của đoàn còn có thể còn bị trẻ con ném đá.
Tuy nhiên, khi người lính Việt Nam sang Nam Sudan, những phe phái nhìn thấy dòng chữ “Việt Nam” đỏ rực được thêu trên ngực trái áo, họ đọc được ngay và giơ ngón tay cái tỏ vẻ “niềm nở” với đoàn.
“Ở đó có nhiều phe phái, chống đối nhau nhưng tình cảm, sự trân trọng của họ dành cho Việt Nam là giống nhau…”, Đại tá Trọng chia sẻ.
|
Đại tá Mạc Đức Trọng tại Phái bộ Nam Sudan. |
Bệnh viện dã chiến (BVDC) của Việt Nam hoạt động ở đây cũng có nhiều điều chưa từng có tiền lệ. Đại tá Trọng cho hay: “Vượt hàng chục nghìn km từ Việt Nam sang châu Phi, vận tải phức tạp, khó khăn; các vấn đề cung ứng cũng gặp trở ngại đặc biệt trong dịp Covid-19, tuy nhiên tôi cảm nhận được chúng ta làm việc trên cả mong đợi của bản thân và trên cả mong đợi của LHQ”.
Do điều kiện đặc thù về nguồn nước, các BVDC của nước bạn cũng không trồng được cây xanh. Thế nhưng, thời tiết nắng nóng, khô cằn ở châu Phi đã gần như bị khuất phục bởi bàn tay của quân nhân Việt Nam.
|
Ai đến Bệnh viện dã chiến của Việt Nam cũng ngạc nhiên với màu xanh mướt mắt |
Dưới cái nắng trên 50 độ C, vườn rau của bộ đội Việt Nam vẫn xanh ngắt, có cả hoa đủ màu sắc. Các quan chức của Liên Hợp quốc từ New York khi đến BVDC do Việt Nam quản lý có hai thứ họ rất thích thú đó là thăm vườn rau, hoa và thưởng thức món Việt. Rau xanh không chỉ đủ cung cấp cho toàn đơn vị mà còn mang tặng các đơn vị bạn như: Mông Cổ, Anh, Ghana và các cán bộ, nhân viên Liên Hợp quốc.
Những "đại sứ" gìn giữ hòa bình
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga cũng tự hào khi là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan. Trên cương vị sĩ quan tham mưu, giám sát các hoạt động quân sự nhưng ngoài giờ trực vất vả, chị vẫn xin phép cấp trên ra ngoài tìm hiểu cuộc sống của người dân.
“Khi gặp các em nhỏ nơi đây, tôi có cảm giác như đang chơi, trò chuyện với các con của mình. Tôi cũng nhận được tình cảm chân thành từ người dân bản xứ khi biết tôi là người Việt Nam”, chị giãi bày. Chị luôn được người dân tiếp đón, dành tặng rau xanh, ngô (những thứ quý giá ở châu Phi).
|
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và những trẻ em ở Cộng hòa Nam Sudan. |
Theo Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, chị được Liên Hợp quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc trong thực thi nhiệm vụ, phần chính là nhờ sự chân thành trong mỗi người con Việt như chị nơi đất khách.
Hiện nay, tỷ lệ nữ Liên Hợp quốc khích lệ là 10% với nữ quân nhân triển khai hoạt động cá nhân như sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sỹ quan tình báo, huấn luyện... Còn ở cấp độ đơn vị, Liên hợp quốc hiện chỉ có mức 5% trong khi đó tỷ lệ của Việt Nam là 15,8%.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trong quan hệ đa phương của QĐND Việt Nam trong những năm gần đây.
Lên đường làm nhiệm vụ GGHB ở Liên Hợp quốc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ còn phải là một công dân Việt Nam ưu tú, hay nói cao hơn đó là một đại sứ đối với bạn bè trong phái bộ Liên Hợp quốc cũng như là người dân nước sở tại.
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và cán bộ, quân nhân BVDC |
Thứ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, 6 năm qua, lực lượng “mũ nồi xanh” của QĐND VN luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Liên Hợp quốc, Phái bộ và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao về chuyên môn, tính kỷ luật, đoàn kết quốc tế và khả năng thích ứng với môi trường đa quốc gia, khí hậu khắc nghiệt, an ninh, bệnh dịch phức tạp.