Tổ chức một tang lễ cao cấp dành cho người phụ nữ tư sản đã hiến hơn 5.000 lạng vàng cho chính quyền cách mạng non trẻ năm 1946 không chỉ là thể hiện một sự tri ân của chế độ mà còn là sự đáp ứng tâm nguyện của nhân dân đối với những người “hằng tâm, hằng sản” với đất nước.
Việc giúp đỡ to lớn của ông bà Trịnh Văn Bô đối với chính quyền là thể hiện trách nhiệm công dân của một nước độc lập nhưng hơn cả thế, là sự thể hiện cao tinh thần trọng nghĩa của một người dân yêu nước, thương nòi. Những người trọng nghĩa không nghĩ đến sự báo đáp nhưng bổn phận của người được giúp đỡ phải biết ơn mà đền đáp.
Đạo lý của dân tộc ta là vậy, “Uống nước nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nếu hành động trái với đạo lý đó là một sự phỉ báng đối với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tất bị nhân dân khinh rẻ, trời không dung, đất không tha.
Cũng trong lúc Nhà nước ta, các tổ chức đoàn thể xã hội và không ít cá nhân, gia đình kỷ niệm trọng thể 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga như một sự tri ân và thể hiện một tình cảm hiếm có đối với sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Liên xô trước đây thì cơn bão 12 tràn vào tàn phá gây mất mát cả người và của các tỉnh ven biển miền Trung nước ta. Dường như ngay lập tức, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã có một động thái dứt khoát cứu trợ đồng bào ta 5 triệu USD.
Và, cũng ngay lập tức, chuyến tàu chở 40 tấn hàng cứu trợ của Nga đã cập bến Cam Ranh, kịp thời mang đến đường, sữa, thịt hộp, lều vải,... cung cấp cho đồng bào đang gặp cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Đó chính là nghĩa cử của cá nhân ngài Tổng thống nhưng là sự thể hiện sự tiếp nối và vinh danh truyền thống lâu đời của nhân dân Nga vì Việt Nam, ủng hộ Việt Nam không chỉ bằng lời nói mà là hành động cụ thể, không chỉ bằng vật chất mà bằng cả tấm lòng và tâm thức. Ở đây, chúng ta bắt gặp hình ảnh của sự trọng nghĩa và tri ân, quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương đại song hành.
Ông bà ta có câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” để cảnh báo những hành vi vô ơn hoặc bất hiếu, ngược đãi bố mẹ, lấy oán trả ân... tất yếu sẽ phải nhận lại sự trừng phạt bởi chính hành vi đó.
Ngược lại, những người biết cảm nhận và ghi nhớ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, biết tri ân, đền đáp lại sự giúp đỡ, chia sẻ trong khi hoạn nạn, hẳn sẽ được hưởng phúc phần chẳng riêng cho mình mà còn cho con cháu. Dòng chảy đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc chính là yếu tố giữ gìn cho sự trường tồn!