Lãnh đạo, PV Báo PLVN lên đường theo tiếng gọi tri ân về thăm vùng "đất lửa" để tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì tự do của dân tộc.
Như thường lệ, cứ đến dịp tháng 7 kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ; lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức đơn vị cá nhân, các thân nhân của gia đình thương binh - liệt sĩ và nhân dân cả nước lại có dịp tụ hội để tri ân những người có công và anh linh anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập dân tộc ngày hôm nay.
Đây được xem là một sự kiện vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây". Lãnh đạo, phóng viên Báo PLVN lại lên đường theo tiếng gọi tri ân về thăm vùng "đất lửa" Quảng Trị với lòng tự hào của dân tộc và tỏ lòng biết ơn tới các gia đình có công với cách mạng.
Lên đường theo tiếng gọi tri ân
Theo lịch trình, từ sớm tinh mơ 12/7, đoàn công tác Báo PLVN do TS Đào Văn Hội - Tổng biên tập và ông Đặng Ngọc Luyến - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập thường trực dẫn đoàn.
Chạy dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh với quãng đường gần 800km, xuyên qua những miền cát trắng của dải "đất lửa" miền Trung trong cái nắng tháng 7 như thiêu đốt và những trận mưa rào.
Tối 12/7, đoàn công tác đã tổ chức chương trình tri ân và trao “Mái ấm Tư pháp” với trị giá 50 triệu đồng cho một cán bộ Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
|
Báo Pháp luật Việt Nam trao quà 'Mái ấm Tư pháp' cho một cán bộ Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị. |
Đoàn cũng đã trao tặng 1 tivi trị giá 12 triệu đồng cho UBND huyện Hải Lăng, tặng kèm thêm cho huyện này 10.980 tờ nhật báo trong vòng một năm.
|
Tiến sĩ Đào Văn Hội - Tổng biên tập báo Pháp Luật Việt nam cùng Thạc sĩ Phạm Quốc Cường - Tổng thư kí tòa soạn Pháp luật Plus cùng các phóng viên vùng miền tham gia hành trình 'Tri ân tháng 7 miền Trung'. |
Hướng tới miền Trung, tiến về miền "đất lửa" Quảng Trị, trở về với sự linh thiêng, bất tử và lòng tự hào của dân tộc. Nơi đã từng là biểu tượng của sự cách trở, chia ly và nỗi đau mất mát nhưng cũng rất bi tráng, hào hùng của một thời vệ quốc vĩ đại.
Với những địa danh thiêng liêng như: Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Làng Vây, Khe Sanh… đã trở thành những địa chỉ đỏ không thể thiếu trong hành trình tri ân tháng 7 của Đoàn công tác.
Báo Pháp luật Việt Nam về thăm “vùng đất máu”
Sáng ngày 13/7, điểm ghé thăm đầu tiên của đoàn chính là Thành cổ Quảng Trị, hòa cùng dòng người trên khắp mọi miền đất nước, TBT Đào Văn Hội dẫn đầu đoàn công tác thăm viếng, dâng hương, dâng hoa và tỏ lòng ngưỡng vọng đến các thế hệ cha anh đã ngã xuống cho đất nước.
|
Toàn thể cán bộ, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tại Thành cổ - Quảng Trị. |
Nằm dung dị bên dòng Thạch Hãn êm đềm, ít ai ngờ nơi đây đã từng trải qua trận đánh lịch sử 81 ngày đêm - Mùa hè rực lửa năm 1972. Chính nơi này, đế quốc Mỹ đã trút xuống hơn 328.000 tấn bom, đạn.
Mảnh đất mà nhiều người nói rằng, “bom, đạn nhiều hơn sỏi đá”. Nơi hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống mà hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - độ tuổi đẹp nhất đời người.
|
Đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam dâng hương tại Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị. |
Rời khỏi Thành cổ, đoàn di chuyển về phía Tây TP Đông Hà, ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Với những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ không khỏi cảm giác bồi hồi và choáng ngợp trước hơn 10 nghìn ngôi mộ với cái tên gắn liền với năm sinh, năm mất, quê quán rõ ràng và cả những ngôi mộ chưa tên của các liệt sỹ.
Từ nghĩa trang Đường 9, đoàn công tác báo PLVN tiếp tục đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn với diện tích 23.000m2 chia làm 10 khu riêng biệt là nơi có hơn 10.300 anh hùng, liệt sĩ đang yên giấc.
Dưới những hàng cây bạt ngàn, chúng tôi cầm những nén hương trên tay tỏa đi dâng lên mộ phần của các liệt sĩ đang yên nghỉ với lòng biết hơn chân thành và những suy tư lắng đọng riêng trong mỗi đoàn viên.
|
Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam TS. Đào Văn Hội và Bí thư Đảng ủy - Phó TBT ông Đặng Ngọc Luyến gióng lên 9 hồi chuông báo cáo với các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn. |
Tại đây, Phóng viên Pháp luật Plus đã tình cờ gặp gỡ ông Lê Văn Nguyên, người đã vượt hơn 400km từ Nghệ An tới Nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho anh trai mình.
Ông Nguyên nghẹn ngào chia sẻ, "Anh ra đi và ngã xuống từ khi tuổi còn thanh xuân, nhận được thông tin từ đồng đội cũ của anh vào năm 2004 sau nhiều năm tìm kiếm, gia đình mới may mắn tìm được anh đang yên nghỉ tại đây".
|
Ông Lê Văn Nguyên khóc nức nở trước bia mộ của anh trai tại nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. |
Cảm ơn các anh!
Cảm ơn các chị!
Những người anh hùng của Đất nước, những người Mẹ yêu thương, những người đã nằm xuống, đã hi sinh cho đất nước để dành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Chúng tôi những cán bộ, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam cảm thấy vô cùng tự hào về các những con người ưu tú, dũng cảm đã hiến dâng trọn tấm thân mình cho đất nước.
Chiều 13/7, rời khỏi Quảng Trị, điểm đến tiếp theo trong hành trình tri ân của đoàn công tác Báo PLVN là Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên giáp.
|
Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam dâng hoa tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Trời rộng mây xanh, từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ đuổi nhau vào bờ, nắng chiều tháng 7 tỏa rạng lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của QĐND Việt Nam. Sau những năm tháng cống hiến cho đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình thương yêu - một cuộc trở về cuối cùng và mãi mãi...
Tối 13/7, đoàn công tác dừng chân tại Hà Tĩnh và tiếp tục trao “Mái ấm Tư pháp” do báo PLVN tổ chức cùng các đơn vị đồng hành.
Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn
|
Sáng 14/7, đoàn đã đến di tích Ngã 3 Đồng Lộc - Hà Tĩnh dâng hương đến 10 cô gái đã hi sinh vì đất nước. |
Sáng sớm ngày 14/7, đoàn tiếp tục lên đường, điểm đến tiếp theo của đoàn là Ngã ba Đồng Lộc, di tích lịch sử gắn liền với 10 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
|
Tổng thư ký tòa soạn Pháp luật Plus Phạm Quốc Cường (bìa phải) và nhà báo Hà Ánh Bình - Trưởng VP Đại diện phía Nam báo PLVN (bìa trái) dâng hương đến 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. |
Cũng tại đây, nhiều thành viên trong đoàn đã không kiềm chế được cảm xúc sau khi được nghe kể lại về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Thanh niên xung phong.
Và hơn hết, đằng sau đó là ý nghĩa thiết thực mà chuyến đi mang lại cho những thành viên trong đoàn.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đây là một trọng điểm hết sức ác liệt, hố bom chồng lên hố bom, không còn một cành cây, ngọn cỏ.
|
Ghé thăm quê Bác tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. |
Cùng ngày 14/7, đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam đã ghé thăm quê Bác tại Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, và chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà tranh đơn sơ của Bác Hồ.
Mỗi kỷ vật đơn sơ, mỗi câu chuyện về người luôn gợi nhớ đến hình ảnh bác giản dị, thân thương. Mái nhà tranh nơi bác đã sống, khung cửi dệt vải, bộ ấm trà cũ theo năm tháng, hay câu chuyện người trở về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách… những câu chuyện ấy khiến mọi người đều xúc động khi lắng nghe lại.
|
Thăm và dâng hương tại khu di tích Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. |
Rời quê bác đoàn tiếp tục tới thăm và dâng hương tại khu di tích Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nơi đây chứng kiến sự hi sinh oanh liệt của 13/14 chiến sỹ thanh niên xung phong Đại đội 317, tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An chỉ trong một trận bom.
Những thanh niên xung phong ấy ngã xuống khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi để lại niềm thương xót vô vàn cho đồng đội, người thân, nhân dân cả nước mãi về sau.
|
Lãnh đạo báo Pháp luật Việt Nam tặng quà cho bà Trần Thị Thông người nữ thanh niên xung phong duy nhất còn sống của Đại đội 317 sau trận bom ác liệt. |
Tại buổi lễ có bà Trần Thị Thông, người nữ thanh niên xung phong duy nhất của Đại đội 317 còn sống sau trận bom ác liệt. Bà ngồi lặng lẽ bên nhìn lên phần mộ chung của các đồng đội.
Tưởng như trong đôi mắt của bà vẫn còn mãi những nụ cười của cười của các đồng chí, những hình ảnh oai hùng cùng nhau vá đường, san phẳng hố bom để đoàn xe băng ra tuyền tuyến.
Nơi đây cũng là nơi thờ hơn 1.240 linh hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh để tuyến đường luôn được thông suốt chi viện cho chiến trường miền Nam rực lửa.
Kết thúc hành trình lên đường theo tiếng gọi Tri ân tháng 7, mỗi người trong đoàn đều đọng lại biết bao cảm xúc không thể nói nên lời. Hành trình tri ân tháng 7 của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ được nối dài, đó là những chuyến đi bồi đắp tâm hồn cho những người làm báo chúng tôi, để sống và làm việc xứng đáng hơn, có trách nhiệm hơn với thế hệ đi trước và với Tổ quốc thân yêu này./.