Hôm nay, 7/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ tham dự hội thảo cùng với 150 hiệu trưởng các trường ĐH trong cả nước để bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học - trọng tâm là công việc của sinh viên tốt nghiệp đại học.
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. |
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, mục tiêu của hội thảo là bàn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đặc biệt là giảm tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.
Nội dung của hội thảo sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn: Đổi mới chương trình, mục tiêu, cách tiếp cận đào tạo để sinh viên tốt nghiệp thích ứng tốt hơn với nhu cầu thị trường lao động; Các điều kiện đảm bảo chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng; Tự chủ ĐH và tổ chức quản trị đại học theo xu hướng tự chủ đại học.
"Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc làm của sinh viên, đào tạo làm sao để sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Các vấn đề tiếp theo là những công cụ để có thể đạt được mục tiêu nói trên" - Thứ trưởng Ga cho hay.
VietNamNet có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh nội dung này.
- Thưa Thứ trưởng, để sinh viên đào tạo ra đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, việc đổi mới chương trình đào tạo ở các trường sẽ được thực hiện theo định hướng nào?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vấn đề quan trọng là các chương trình đào tạo phải được xây dựng sao cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường hiện nay. Để làm được điều này, các trường đổi mới mục tiêu đào tạo của mình cho phù hợp. Hiện nay, mục tiêu của các trường vẫn chung chung khiến việc cạnh tranh của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp khó khăn so với sinh viên các nước khác.
Bên cạnh đó, để tạo việc làm cho sinh viên phải đổi mới cách thức đào tạo để có tinh thần khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho họ và cho những người khác. Khi kinh tế không phát triển mạnh, số việc làm không thay đổi nhiều thì việc trang bị cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp có thể giải quyết căn bản cho vấn đề sinh viên không có việc làm.
Lâu nay, sinh viên Việt Nam tương đối thụ động, việc học thường là nhắm vào một công việc có sẵn. Trong khi phương thức đào tạo đó chỉ dành cho giáo dục nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ĐH thì phải tự tạo ra công việc.
|
sinh viên tốt nghiệp loại ưu vẫn thất nghiệp (ảnh minh họa) nguồn: internet |
Ngoài ra, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sinh viên không chỉ nhắm vào công việc trong nước mà phải cạnh tranh hội nhập và thị trường hội nhập ví dụ thị trường ASEAN. Để tham gia thị trường lao động tự do trong khối này thì sinh viên phải chuẩn bị ngoại ngữ nhất là tiếng Anh mới đảm bảo mới có thể tự tin để tìm việc làm trong khu vực. Hiện nay tiếng Anh vẫn là điểm rất yếu của sinh viên Việt Nam.
Cuối cùng, việc đổi mới chương trình đào tạo phải thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Lâu nay, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp rất rời rạc nên kiến thức sinh viên học được trong trường không phù hợp với doanh nghiệp, khó phát huy tác dụng thực tế.
- Ngoài đổi mới chương trình, Bộ có tính đến giải pháp quy hoạch mạng lưới các trường ĐH để giải quyết tình trạng sinh viên ra trường nhiều hơn số việc làm mà nền kinh tế có thể tạo ra không thưa ông?
- Trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà Bộ GD sẽ cùng các trường bàn bạc bao gồm việc quy hoạch mạng lưới, sắp xếp hệ thống các trường ĐH và xây dựng các trường trọng điểm. Trước mắt, Bộ đã có chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm để sản phẩm đào tạo ra thích nghi tốt hơn với thị trường.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng thì các trường không thể nào cùng lúc nâng cao chất lượng của tất cả các ngành được mà phải chọn ra những ngành có chất lượng cao để tập trung đầu tư.
Nghĩa là chúng ta không chỉ phân tầng chất lượng trong toàn hệ thống giáo dục đại học mà trong từng trường cũng phải phân tầng mới đầu tư được. Chẳng hạn một trường có 30-40 ngành thì phải chọn một số ngành làm mũi nhọn để đầu tư chứ không thể đầu tư dàn trải được.
- Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH theo các định hướng trên, việc kiểm định chất lượng đối với các trường ĐH tới đây sẽ có gì mới, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo đó, các trường ĐH sẽ được đánh giá theo bộ tiêu chí kiểm định của ASEAN. Việc đánh giá các trường ĐH theo các tiêu chí mới sẽ được phân thành 3 mức khác nhau: Đạt theo tiêu chuẩn quốc gia, đạt theo tiêu chuẩn khu vực và đạt theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không chỉ có 2 mức là đạt và không đạt như trước đây.
Việc bổ sung các tiêu chí kiểm định chất lượng sẽ giúp các trường ĐH của Việt Nam có thể cạnh tranh với các ĐH khu vực. Khi một trường ĐH nào đó đã được kiểm định và đạt tiêu chuẩn ASEAN thì tất cả các khâu tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo đều tương thích với chuẩn khu vực ASEAN. Nhờ đó, hệ thống ĐH của chúng ta sẽ tiệm cận hơn với khu vực và thế giới.
Hiện tại, các trung tâm kiểm định đã tiến hành kiểm định với 20 trường đại học. Đây là 20 trường tốt và đều đạt các tiêu chuẩn kiểm định. Tới đây, với những trường điều kiện khó khăn hơn sẽ có những trường không đạt được tiêu chuẩn. Bộ GD sẽ cùng các trường bàn thêm về các tiêu chí kiểm định, những khó khăn và thuận lợi trong việc triển khai kiểm định các trường ĐH trong thời gian tới.
- Đổi mới quản trị đại học, tăng quyền tự chủ cho các trường được coi là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này vẫn còn khá khó khăn, thưa ông?
- Một trong những vướng mắc của quan trị ĐH của Việt Nam là vấn đề hội đồng trường. Theo Luật GD ĐH và Quyết định 70 về điều lệ các trường ĐH của Thủ tướng Chính phủ thì việc thành lập hội đồng trường là bắt buộc với tất cả các trường để thực hiện tự chủ.
Thực tế, Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học cách đây 10 năm đã nói tới vấn đề này, tuy nhiên, trong vòng 10 năm sau đó chỉ vài trường thành lập được hội đồng trường nhưng chủ yếu cũng mang tính chất hình thức.
Luật GD ĐH đi vào thực tế thì hội đồng trường sẽ được thành lập theo đúng luật định. Bởi khi tự chủ thì hội đồng trường không thể thiếu được. Chính phủ giao quyền tự chủ cho trường ĐH nghĩa là giao quyền đó cho hội đồng trường chứ không phải giao cho ông hiệu trưởng. Tuy nhiên, khi có một cơ chế mới trong 1 tổ chức thì phải có thời gian để nó có thể thích nghi.
Tại hội thảo này, Bộ cũng sẽ cùng các trường trao đổi về những kinh nghiệm của thế giới về tự chủ ĐH và đổi mới cơ chế quản trị trường ĐH thế nào để thực hiện được tự chủ đại học ở Việt Nam. Đặc biệt, các trường đã được Chính phủ giao cơ chế tự chủ cũng sẽ báo cáo kinh nghiệm của họ sau 2-3 năm thực hiện tự chủ để các trường khác có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Xin cảm ơn thứ trưởng!