Sáng 12/12/2024, sau 1,5 ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã tuyên bị cáo Đỗ Thái Ngọc phạm tội “Cố ý gây thương tích”, và căn cứ Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo 02 năm tù.
Như PLVN đã đưa tin, sáng 11/12/2024, Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa xét xử vụ án đối với bị cáo Đỗ Thái Ngọc về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Quá trình diễn ra vụ án và nhân thân khá đặc biệt của bị cáo Đỗ Thái Ngọc, rất nhiều người thân trong gia đình và người dân cũng như dư luận quan tâm đã đến tham dự phiên tòa.
Quá trình xét hỏi bị cáo, bị hại và những người liên quan đã được thực hiện công khai tại phiên tòa, nhưng nhiều tình tiết của vụ án chưa có sự thống nhất trong lời khai của các đương sự, người liên quan cũng như có sự khác biệt trong hồ sơ vụ án.
Chiều ngày 11/12/2024, đại diện Viện kiểm sát đọc Bản luận tội, xác định: mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào lời khai của 4 người đều thống nhất với Biên bản thực nghiệm điều tra để xác định: Bị cáo dùng tay trái (xác định lúc đó hai tay của bị cáo hoạt động bình thường nên có khả năng) cầm ly thủy tinh đánh vào bị hại, làm bị hại bị thương tổn 13% và đề nghị Tòa án căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS tuyên phạt bị cáo mức án từ: 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
Theo Bản án số 133/2024/HS-ST ngày 12/12/2024 của Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, trong phần nhận định, Hội đồng xét xử đã căn cứ vào lời khai của bị hại tại phiên tòa xác định bị cáo là người dùng ly thủy tinh đánh vào đầu bị hại; điều này phù hợp với lời khai của bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Như vậy, có đủ cơ sở xác định bị cáo Đỗ Thái Ngọc phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự như Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
|
Bị cáo Đỗ Thái Ngọc tại phiên tòa chiều ngày 11/12/2024. |
Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên tuyên bị cáo Đỗ Thái Ngọc phạm tội “Cố ý gây thương tích”, và căn cứ Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo 02 năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam (ngày 19/3/2024).
Phán quyết của Tòa án đã gây ra nhiều bất ngờ với nhiều người tham dự phiên tòa. Bởi tại phần xét hỏi bị cáo, bị hại, những người liên quan cũng như tranh luận, đối đáp giữa luật sư của hai bên và đại diện Viện kiểm sát, nhiều tình tiết, lời khai, chứng cứ còn có sự khác nhau đã được các bên đưa ra nhưng chưa có sự thống nhất hoặc còn mâu thuẫn.
Luật sư Lê Quốc Giang (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Ngọc) đưa ra 5 quan điểm bào chữa cho bị cáo:
(1) Biên bản khám nghiệm hiện trường sai quy trình, vì thu giữ mảnh thủy tinh không có biên bản niêm phong vật chứng và trên 2 mảnh thủy tinh không hề có dấu vân tay của thân chủ ông.
(2) Hồ sơ không xác định được bị cáo đánh bị hại mấy cái? Đánh như thế nào và ông Giang đề nghị công khai video quay lại quá trình thực nghiệm điều tra (Điều tra viên dùng ly thủy tinh đánh vào ma-nơ-canh).
(3) Vết thương vùng chẩm trái của bị hại là vùng tổn thương do phù nề nhưng so sánh với vết thương của ma-nơ-canh khi thực nghiệm điều tra là vết rách dài 8cm, từ đó xác định thực tế tổn thương của bị hại không giống với thực nghiệm điều tra; hơn nữa việc xác định hành vi đánh là không phù hợp với cơ chế hình thành vết thương (đánh từ trên xuống) vì bị cáo Ngọc chỉ cao 1m58 còn bị hại cao 1m77.
Về tỷ lệ thương tật: tại tờ điều trị số 01 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, ghi nhận thương tích của Trần Bảo Vinh vào hồi 23 giờ 40 phút - thời điểm nhập viện - ông Vinh chỉ có 03 vết thương.
Nhưng tại Biên bản xem xét dấu vết thân thể do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa lập ngày 01/6/2021 ghi nhận ông Vinh có 06 vết thương.
Tại phần giám định, Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên ghi nhận ông Vinh có 08 vết thương. Vậy kết quả nào là đúng? Các vết thương từ đâu mà ra?
(4) Bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội, không có chứng cứ rõ ràng chỉ ra bị cáo là người đánh bị hại, lời khai của bị hại nhiều mâu thuẫn.
(5) Đề nghị Hội đồng xét xử trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu không trả lại hồ sơ thì tuyên bố bị cáo vô tội và thả tự do ngay tại Tòa.
Đồng quan điểm bào chữa với Luật sư Giang, Luật sư Nguyễn Thúy Quỳnh (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Ngọc) bổ sung thêm 3 quan điểm bào chữa:
(1) Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể có mức thời gian trùng khớp với thời gian: lúc 16h00 ngày 01/6/2021 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và cũng đang có mặt tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra; Biên bản xác định người chứng kiến không chứng kiến việc kiểm tra; chính bị hại cũng thừa nhận tại Tòa việc không có người dân nào chứng kiến quá trình khám thương kể trên nên xác định biên bản này không thể coi là nguồn chứng cứ để giám định thương tật của bị hại làm căn cứ định tội danh và áp dụng khung hình phạt với bị cáo.
(2) Trong cáo trạng trích lục các bút lục: Cáo trạng trích BL341-342 [Biên bản ghi lời khai của Trần Bảo Vinh] + BL368-369 ghi lời khai của Đỗ Thái Ngọc + BL407-408 ghi lời khai của Đỗ Ngọc Quang + BL457; 469 ghi lời khai của Nguyễn Ngọc Quyến để xác định bị cáo dùng ly thủy tinh đánh bị hại nhưng các biên bản ghi lời khai này không có nội dung nào xác định Ngọc đánh Vinh.
Tại phiên tòa, bị hại khai rằng “nhìn thấy anh Ngọc cầm ly thủy tinh đánh mình” nhưng đối chiếu góc nhìn, vị trí đứng của tình huống đó thì không thể xảy ra tình huống đánh từ trên cao xuống.
(3) Cáo trạng trích BL341-342 [Biên bản ghi lời khai của Trần Bảo Vinh]: Khi (ở vị trí ngồi ban đầu) đứng quay mặt nhìn về phía Quang và Quyến thì bị đánh vào vùng sau đầu (Vinh xác định Ngọc đánh).
Sau đó Vinh ngã ra sân tư thế cúi thì tiếp tục bị đánh (thời điểm bị đánh lúc đang ở tư thế cúi thì không rõ ai đánh) nên nếu lời khai của Vinh là đúng thì chỉ đoán Ngọc đánh 1 lần vào vị trí sau đầu, cú đánh này không thể gây ra tất cả các vết thương tại vùng tai, chẩm và gáy và không thể quy kết hết cho bị cáo Ngọc được.
Do đó, căn cứ vào Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các chứng cứ trên chưa đủ là căn cứ để xác định bị cáo dùng ly thủy tinh đánh bị hại gây thương tích.
Đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu trả điều tra bổ sung thì Luật sư Quỳnh đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để tuyên bố bị cáo Ngọc vô tội.
Đối đáp lại các quan điểm của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát không tranh luận về các mốc thời gian, hồ sơ sai thời gian hoặc quy trình trong quá trình điều tra; không tranh luận về vấn đề tạm giam và hủy bỏ biện pháp tạm giam, đồng thời bảo lưu nhiều quan điểm.
|
Các luật sư tại phiên tòa. |
Việc thực nghiệm điều tra đã đúng quy trình, quy định và cần thiết để xác định bị cáo là người đánh bị hại vì căn cứ vào vị trí đứng và xác định bị cáo Ngọc thuận cả 2 tay nên có cơ sở để khẳng định Ngọc đánh Vinh.
Đại diện Viện kiểm sát cũng cho rằng, bị cáo đánh bị hại 1 cái; còn các vết thương khác thì lúc cúi xuống bị hại bị đánh nhiều cái nhưng không biết ai đánh.
Nhưng vì vụ án chỉ có 1 bị cáo, bị hại bị thương tổn là có giám định nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự bởi toàn bộ thương tổn đó!
Tuy nhiên, với các quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo, Hội đồng xét xử cho rằng một một số thiếu sót về hình thức trong quá trình thực nghiệm điều tra là không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến nội dung, bản chất của vụ án; các tài liệu, chứng cứ khác được thu thập khách quan, phù hợp và đúng quy định của pháp luật...
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị cáo là cần thiết, có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó, không chấp nhận đề nghị của người bào chữa về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo.
Cũng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã công bố bản luận cứ của Luật sư Đỗ Khắc Hiệp (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Ngọc - vắng mặt tại phiên tòa): Cơ quan Cảnh sát điều tra không ghi nhận khách quan cách thức thu giữ vật chứng phù hợp với lời khai của nhân chứng có mặt tại hiện trường; tiến hành thực nghiệm điều tra chưa phù hợp với các quy định của pháp luật; thương tật của ông Vinh được giám định nhiều lần, có nội dung không giống nhau nhưng Điều tra viên chỉ căn cứ vào một trong các Kết luận giám định không có lợi cho bị can để quy kết vi phạm của bị cáo Ngọc. Cơ quan Cảnh sát điều tra không tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể ông Vinh ngay khi tiếp nhận tố giác mà sau 05 ngày mới tiến hành xem xét dẫn đến việc đánh giá và kết luận tỷ lệ thương tích không khách quan, thiếu cơ sở khoa học. Việc ghi nhận và đánh giá các vết thương vùng chẩm tại các Kết luận giám định pháp y về thương tích không có căn cứ và không phù hợp với bệnh án của ông Vinh. Việc đánh giá tỷ lệ tổn thương cơ thể do vết thương vùng chẩm 2 lần tại Bản kết luận giám định lần 1 chưa đúng quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT. Cơ quan Cảnh sát điều tra không tống đạt các văn bản tố tụng đến người bị khởi tố; không thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình điều tra vụ án; việc bắt tạm giam bị cáo Ngọc không khách quan, không thực sự cần thiết. Viện kiểm sát truy tố bị cáo Ngọc về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là không có căn cứ, không phù hợp với bằng chứng, chứng cứ, các tình tiết của vụ án, các điều kiện, hoàn cảnh khách quan của bị cáo Ngọc. Do đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung để trả lại sự trong sạch cho bị cáo Đỗ Thái Ngọc. |