Theo đó, HĐND TP thống nhất về việc bổ sung nội dung này trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024, giao UBND TP tiếp thu các ý kiến của HĐND TP để hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến và phê duyệt theo trình tự quy định.
Theo Tờ trình của UBND TP về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô, mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của TP. Để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư”.
Cụ thể, phân kỳ 2024 - 2030, hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5), tương đương khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.
Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: PV). |
Phân kỳ 2031 - 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD. Phân kỳ 2036 - 2045, hoàn thành đầu tư 200,7km ĐSĐT các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035, TP cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD.
Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD.
Cùng với việc bố trí vốn, UBND TP Hà Nội đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện. Trong đó, về quy hoạch, UBND TP Hà Nội đề xuất được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong các khu vực TOD, phát triển các tuyến ĐSĐT, phát triển đô thị trong khu vực TOD. Trong khu vực TOD, TP được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, các yêu cầu về không gian...
Qua thảo luận, đa số đại biểu HĐND TP Hà Nội đánh giá cao việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai.
Nhằm triển khai tốt các nội dung trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị UBND TP xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai phân đoạn dự án gắn với việc nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng kết nối của các tuyến ĐSĐT và yêu cầu phát triển đô thị của Thủ đô; ưu tiên ứng dụng các công nghệ hiện đại, quản lý giao thông và kiểm soát hành khách theo các ứng dụng thông tin để áp dụng triển khai hiệu quả.
Đồng thời, sớm nghiên cứu, ứng dụng thí điểm khai thác các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; trước mắt triển khai cho một số khu vực không gian trên cao đang có của các nhà ga hiện có.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát công nghệ của hệ thống ĐSĐT; phân tích chi tiết khả năng cân đối vốn, đặc biệt cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ của Trung ương và tính toán kỹ các khoản vay tương ứng với khả năng thu ngân sách và trả nợ của TP, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư...
Báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện tại, dự thảo Đề án đang đề xuất theo hướng ưu tiên giải quyết là việc lựa chọn áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chung, đồng bộ cho toàn bộ mạng lưới ĐSĐT của các địa phương.
UBND TP cũng sẽ chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý ĐSĐT rà soát, hoàn thiện nội dung Đề án cũng như thúc đẩy thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến 2A kéo dài (Cát Linh - Hà Đông kéo dài) và các tuyến đã có nghiên cứu và dự kiến hoàn thành trong phân kỳ đầu tiên của Đề án (đến năm 2030)...