Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc và cũng là đối tác thương mại lớn của nhau được dự báo sẽ gây ra những bất ổn rất lớn cho kinh tế toàn cầu. Kể từ khi bắt đầu vào giữa năm 2018, nhiều dự báo đã cho thấy cả hai nền kinh tế này sẽ chịu thiệt hại đáng kể bên cạnh tác động tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng chung toàn cầu.
Kinh tế Mỹ trong các tháng đầu năm 2019 vẫn có những tiến triển tích cực theo đà phục hồi kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Những số liệu thống kê 2018 lại cho thấy những kết quả không hoàn toàn như dự báo. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không hề giảm trong năm 2018; các chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá, trong khi trong khi kinh tế Trung Quốc đang mất dần đà tăng trưởng và đang loay hoay với các biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, những kết quả kinh tế trong các tháng đầu năm 2019 và động thái điều chỉnh kinh tế vĩ mô của cả hai quốc gia này đều cho thấy lo ngại về tác động tiêu cực của Chiến tranh thương mại là hiện hữu và không thể bỏ qua.
Kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ trong các tháng đầu năm 2019 vẫn có những tiến triển tích cực theo đà phục hồi kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, thất nghiệp, lương, lạm phát đều có những tín hiệu khả quan. Tăng trưởng trong quý I/2019 đạt 3,2% so với cùng kỳ 2018, và là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong vòng 4 năm qua. Tăng trưởng như vậy có một lý do lớn là từ các biện pháp kích thích đầu tư trong nước thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trước đó, lượng hàng hóa lưu kho tăng cũng như những cải thiện trên cán cân thương mại. Một nhân tố nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 6 tháng đầu năm là đầu tư gia tăng của các chính quyền địa phương vào các dự án hạ tầng.
Mặc dù là lý do đầu tiên dẫn đến những xung đột thương mại của Mỹ với các đối tác, năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với đã vượt mức 620 tỷ USD, tăng hơn 100 tỷ USD so với 2017 và là mức cao nhất trong 10 năm qua thay vì giảm xuống như mong muốn của Tổng thống Donald Trump. Bước sang đầu năm 2019, tình hình thâm hụt thương mại giảm đáng kể. Trong tháng 2/2019 giảm 3,4% xuống còn 49,4 tỷ USD thấp hơn mức 51,1 tỷ USD trong tháng 1/2019 và sau đó tăng nhẹ trong tháng 3/2019, lên 50,7 tỷ USD.
Kết quả trên là nhờ xuất khẩu máy bay và ôtô gia tăng, trong khi nhập khẩu dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong gần 27 năm qua. Bên cạnh đó, con số xuất khẩu kỷ lục trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ (đạt 70 tỷ USD trong tháng 2) cũng đã góp phần vào việc giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên đóng góp lớn nhất là giảm thâm hụt với Trung Quốc, mức thâm hụt giảm dần đều trong các tháng đầu năm 2019 đạt mức 20,75 tỷ USD trong tháng 3/2019 và giảm ở mức thấp nhất trong gần 3 năm qua (Biểu đồ).
Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 4 tháng đầu năm của Mỹ khoảng 3,8 %, riêng trong tháng 4/2019 tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Đầu quý II/2019, các doanh nghiệp đã tăng cường tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực như xây dựng, chăm sóc sức khỏe, mạng máy tính, thiết kế và các ngành công nghiệp khác, nâng tổng số việc làm mới tạo ra trong tháng 4/2019 lên 263.000.
Các lao động có thu nhập thấp ở Mỹ thực tế đang chứng kiến mức tăng trưởng lương khá mạnh - cao hơn bất kỳ đối tượng nào khác. Trong khi đó, năng suất lao động ở Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn bốn năm trong quý I/2019, trong khi số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp không biến động nhiều.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, năng suất lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp - chỉ số đo sản lượng tính theo giờ của mỗi người lao động trong ba tháng đầu năm nay tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ quý III/2014. Bên cạnh đó, Thu nhập trung bình mỗi giờ trong tháng 4/2019 tăng 0,2% so với tháng trước, trong khi tăng trưởng tiền lương hàng năm đạt 3,2%.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng lên tới 2% trong tháng 4/2019 so với 1,9% trong tháng 3/2019 và tăng vọt so với mức 1,5% trong tháng 2/2019. Đối với lạm phát lõi, cũng đánh dấu lên tới 2,1%, từ mức 2,0% trong tháng 3/2019 và phù hợp với kỳ vọng. Giá tiêu dùng tăng trong tháng 4 lên 0,3% so với tháng trước đó. Lạm phát tăng lên mức kỳ vọng là nhờ sự phục hồi của giá năng lượng và tăng giá dịch vụ. Giá năng lượng tăng phán ảnh mức tăng của thị trường dầu trong những tháng qua. Hơn nữa, tác động của việc tăng thuế được ban hành ngày 10/5/2019 của chính phủ để trả đũa Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung có tác động đến lạm phát trong thời gian tới do tăng thuế đối với mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc có khả năng sẽ tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa.
Tuy nhiên, với mức tăng lạm phát ở mức 2% vẫn chưa đủ cơ sở để FED cắt giảm lãi suất trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, chi tiêu dùng, đóng góp trên 2/3 hoạt động của nền kinh tế, trong quý I/2019 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,9% trong tháng 3/2019 so với mức 0,1% của tháng 2 và 0,3% của tháng 1.
Bên cạnh những điểm tích cực, Kinh tế Mỹ vẫn cho thấy những tiềm ẩn rủi ro cho tăng trưởng trong thời gian tới. Mặc dù vẫn trên 50 điểm, chỉ số PMI ngành công nghiệp có dấu hiện giảm, Chỉ số PMI sản xuất của IHS Markit Mỹ đã giảm xuống mức 50,6 điểm vào tháng 5/2019 so với 52,6 điểm của tháng trước và thấp hơn hẳn so với mức 54,9 điểm vào tháng 1/2019. Mức giảm thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Những rủi ro này là một trong những nguyên nhân khiến FED vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5% mà không tăng như dự định trước đó, và ngụ ý rằng cơ quan này sẽ không tăng hay giảm lãi suất trong thời gian tới.
Kinh tế Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2019 đối mặt với nhiều áp lực của cuộc chiến thương mại với Mỹ cộng với đà giảm tốc vẫn tiếp diễn trong các năm gần đây làm cho các số liệu vĩ mô tiếp tục xấu đi. GDP quý I/2019 tăng trưởng 6,4%, đạt 21.343 tỷ NDT, tương đương 3.180 tỷ USD, không thay đổi so với quý IV/2018 nhưng giảm 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 9.509 tỷ NDT, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tăng 5,7% và nhập khẩu tăng 2,9%. Những con số này thấp xa so với vài năm trước đó (ví dụ năm 2017 là 10,9%). Tính riêng tháng 4/2019 tổng xuất nhập khẩu đạt 2,507 nghìn tỷ NDT, giảm 2,7 % so với tháng 3/2019.
Doanh số bán lẻ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 16 năm. Tổng doanh số bán lẻ trong tháng 4/2019 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 8,7% trong tháng 3/2019 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức 5,4% trong tháng 4/2019, giảm 3,1 điểm% so với mức tăng 8,5% của tháng 3/2019 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn. Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định tăng chậm lại ở mức 6,1% trong 4 tháng đầu năm nay.
Chỉ số PMI chỉ đạt 50,1 điểm trong tháng 4/2019, giảm 0,4 điểm % so với tháng 3/2019. CPI tháng 4/2019 tăng 2,5% và tăng 0,2 điểm % so với tháng 3/2019. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 4 được cải thiện, tăng 0,3% và tăng 0,2 điểm % so với tháng trước. NDT cũng đã giảm mạnh nhất trong 9 tháng gần đây, tính đến chiều 13/5 NDT mất 0,8% so với USD, xuống 6,904 NDT đổi một USD. Đây là giá thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2018, nguyên nhân có thể do Trung Quốc muốn tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu để bù đắp tổn thất từ việc tăng thuế quan của Mỹ.
Về khách quan, đồng NDT đã ở trong xu thế giảm giá từ giữa năm ngoái đến nay do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, cùng với chi phí nhân công tăng, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, áp lực từ chiến tranh thương mại với Mỹ dẫn đến nguy cơ có dòng vốn rút khỏi quốc gia này.
Trái với những dự đoán giữa năm 2018 khi cuộc chiến thương mại nổ ra, FDI vào Trung Quốc trong quý I/2019 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước lên 242,28 tỷ NDT, tương đương 36,19 tỷ USD. Riêng FDI từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng 71,3%. Trong tháng 3/2019, FDI vào Trung Quốc tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 95,17 tỷ NDT, tăng mạnh so với mức 62,94 tỷ NDT của tháng 2/2019. Dự trữ ngoại hối cũng tăng nhẹ trong Quý I/2019, từ 3087,924 tỷ USD tháng 1 lên 3090,18 tỷ USD vào tháng 2/2019.
Xung đột thương mại với Mỹ là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn, đặc biệt sau khi phía Mỹ chính thức tăng thuế nhập khẩu bổ sung từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và khởi động trình tự pháp lý để áp thuế 25% đối với thêm 300 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu nữa từ Trung Quốc. Quý I/2019, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giảm mạnh 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sụt giảm 18,8% và nhập khẩu cũng giảm 13,9%.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện việc cắt giảm thuế và các biện pháp khác trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng cũng như hạn chế các tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng vừa và nhỏ phải giữ. Theo đó, PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vừa và nhỏ từ ngày 15/5, với mục đích nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ. Đối với các ngân hàng nông thôn với phạm vi hoạt động hạn chế, RRR sẽ được cắt giảm xuống 8%. Khoảng 1.000 ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ chính sách trên, và giúp “giải phóng” 280 tỷ NDT (khoảng 41,6 tỷ USD) để cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vay.
Mặt khác, Trung Quốc cũng bình tĩnh đối phó với đòn thuế của Mỹ khi chia làm 3 mức thuế đánh lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Nhóm chịu 25% thuế, nhóm chịu 20% thuế, nhóm chịu 10% thuế quan. Nhóm 5% thuế ở đợt trước thì bây giờ vẫn giữ nguyên. Đây có thể coi là động thái làm dịu tình hình, Trung Quốc không muốn đẩy căng thẳng lên cao, đồng thời làm bình ổn tâm lý nhà đầu tư tại Trung Quốc-thể hiện rằng Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát và cân bằng được tình hình hiện tại.
Ngoài ra, để đối phó với tác động tiêu cực về mặt công nghệ cho doanh nghiệp nội địa, Trung Quốc đã đồng loạt nâng cao yêu cầu về tỉ lệ tự cấp tự túc và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ thuộc nhóm “Made in China 2025”. Có nhiều sản phẩm - như các sản phẩm bán dẫn bị yêu cầu nâng hạn mức sản xuất cao gấp đôi so với mục tiêu ban đầu được đề ra vào năm 2015. Điều này có thể dẫn đến sự quá tải của các nhóm ngành này.
Triển vọng tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cả hai nước Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ ngày 10/5 đã chính thức tăng thuế quan lên 25% từ 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Động thái này được cho là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Trung Quốc. PBoC dự báo động thái của Mỹ sẽ khiến tốc độ tăng GDP của Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, thiệt hại về phía Mỹ cũng không nhỏ. Thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc cũng được cho là gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng Mỹ và các công ty nhập khẩu của nước này, dù ông Trump nói rằng thuế này là do Trung Quốc phải trả và chảy vào quốc khố Mỹ. IHS Market dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới vì thuế quan cao hơn áp lên hàng Trung Quốc. Moody’s Analytics thậm chí cho rằng mức thiệt hại sẽ lên tới 0,3 điểm phần trăm
Trước những diễn biến phức tạp của xung đột thương mại Mỹ Trung, trên cơ sở cập nhật dữ liệu của kinh tế thế giới đến tháng 5/2019, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc quý II/2019 và cả năm sẽ phục hồi với tốc độ chậm. Cụ thể, mức tăng trưởng Trung Quốc quý II/2019 ước tính đạt 6,22% so với cùng kỳ 2018 và cả năm 2019 được dự báo đạt 6,24%. Lạm phát quý II/2019 ước tính ở mức 1,98%. NCIF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I/2019 sẽ đạt 2,9%; quý II/2019 đạt 2,64%; cả năm đạt 2,38%, (giảm so với mức 2,9% năm 2018).
Với những căng thẳng tiếp tục hiện nay, dự kiến sẽ có nhiều rủi ro hơn với kinh tế toàn cầu và với Việt Nam. Những cơ hội và thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trở lên rõ ràng hơn với Việt Nam. Lỗ hổng thị trường có thể giúp Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu sang cả hai quốc gia này (trong thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng rất nhanh trong các tháng đầu năm).
Tương tự thế, dòng chảy FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam đang lập kỷ lục mới. Tuy nhiên những nguy cơ dài hạn từ đà giảm tốc của Trung Quốc cũng như có thể của Mỹ trong thời gian tới sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng trung toàn cầu qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam. Chính vì vậy, bên cạnh việc tận dụng những tác động tích cực ngắn hạn từ xuất khẩu và FDI, những giải pháp dài hạn để ứng phó với tình hình biến động mới là cần thiết.