Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2017 sẽ là bước ngoặt quan trọng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước với cơ chế thông thoáng, cởi mở.
Tối 18/5, tại FLC Sầm Sơn đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 do UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư. (Ảnh: Anh Thắng) |
Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tham dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành; lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ.
Hội nghị thu hút 1200 đại biểu, trong đó có sự góp mặt của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong nước, 400 đại biểu đến từ các đại sứ quán của các nước, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã vui mừng điểm lại những thế mạnh, những thành quả đạt được thông qua sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua.
Đánh giá về tiềm năng, nội lực, ông Nguyễn Đình Xứng nhận định, Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 3 vùng kinh tế là trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Môi trường thu hút đầu tư của Thanh Hóa trong những năm qua đã có nhiều biến chuyển, nhằm khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng nhằm tạo môi trường đâu tư thu hút nhất.
|
Hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ đánh dấu mốc quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về Thanh Hóa. (Ảnh: Anh Thắng) |
Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư.
Chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện thị, cấp xã đều đi vào hoạt động. Việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
|
Phối cảnh tổng thể khuôn viên khu nghỉ dưỡng FLC tại TP Sầm Sơn. (Ảnh: Anh Thắng) |
Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
Với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 03 “nhất”: thứ nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất. Thứ hai là chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất. Thứ ba là giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất.
Ông Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) tại Hà Nội cho biết, hiện số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là hơn 2.500 Cty. Năm 2016, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam dựa trên giấy phép đầu tư và 549 dự án. Gần đây, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Thanh Hóa là 14 dự án, với số vốn 9,730 triệu USD, cao hơn cả tổng số vốn đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cộng lại.
|
Một phần công trường xây dựng khu hóa lọc dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Anh Thắng) |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu, nỗ lực của Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua.
Bác Hồ từng nói, Thanh Hóa sẽ trở thành một những những tỉnh khá nhất của Miền Bắc. Hội nghị này sẽ góp phần là một viên gạch trong công cuộc xây dựng Thanh Hóa theo lời nói của Bác Hồ. Từ những điều kiện tổng thể trên, Thanh Hóa được đánh giá là một Việt Nam thu nhỏ có đầy đủ các điều kiện để phát triển. Với tầm nhìn đến 2030, những tiềm lực sẵn có sẽ nâng tầm chiến lược của Thanh Hóa phát triển bền vững và sẽ thành công nhiều hơn trong tương lai.
Thủ tướng nhận định, với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi, Thanh Hóa sẽ càng sẽ trở thành một trong những tỉnh kiểu mẫu. Đây cũng là lời Bác Hồ mong muốn khi về thăm Thanh Hóa. Thủ tướng mong muốn, Thanh Hóa cần tăng cường tính minh bạch, công khai trong đầu tư kinh doanh. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh sự thông thoáng trong thủ tục hành chính.
Xác định các lĩnh vực cho sự phát triển của Thanh Hóa gồm công nghiệp, nông nghiệp, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.... Việc thu hút kinh doanh cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhận lực địa phương có tay nghề giỏi.
“Tôi đề nghị cần phải có sự làm ăn bài bản, lâu dài. Đi liền với đó là lời nói phải đi đôi với việc làm. Phải hành động, hành động mau lẹ. Ta luôn nói nhấn mạnh làm kinh tế và môi trường, nhưng không thể vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến người dân. Từ những những sự đổi mới tư duy trong thu hút đầu tư, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công" Thủ tướng nhân mạnh.
Tại Hội nghị có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng. Hội nghị đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện nghi Sơn II; trao Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa cho 26 dự án; ký biên bản ghi nhớ đầu tư 3 dự án với tổng mức đầu tư gần 5,72 tỷ USD |