Liên quan đến tình trạng hàng trăm tấn ngao tại xã Hải Lộc chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ tổ chức, cá nhân đổ chất thải trái phép trên biển.
Sáng 20/1/2017, rất đông các hộ dân nuôi ngao tại xã Hải Lộc đã lên UBND tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hóa kiến nghị về việc tìm ra nguyên nhân gây chết ngao và việc cơ sở sản xuất hải sản đã trực tiếp thuê đổ chất thải độc hại ra biển vẫn ngang nhiên sản xuất lâu nay.
|
Chỉ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng tại buổi tiếp các hộ nuôi ngao xã Hải Lộc. (Ảnh: Anh Thắng) |
Nhằm giải đáp thắc mắc của các hộ dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã có buổi tiếp công dân xã Hải Lộc vào buổi sáng cùng ngày. Dự buổi tiếp có đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên môi trường, Công an, Lao động thương binh xã hội và UBND huyện Hậu Lộc.
Tại buổi tiếp, các cơ quan chức năng cho biết, ngay sau vụ việc xảy ra, Sở TN&MT, Sở Nông, Cảnh sát môi trường đã thực hiện lấy mẫu nước tang vật các thùng chất thải đổ trộm tại bãi nuôi ngao gửi Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) để giám định, phân tích mẫu nước nhằm tìm ra nguyên nhân gây chết ngao.
|
Do xót xa việc ngao chết hàng trăm tấn không rõ nguyên nhân, rất đông người dân Hải Lộc đã tập trung trước cổng Tỉnh ủy vào sáng ngày 20/1 đề xử lý nghiêm doanh nghiệp đổ chất thải ra biển. (Ảnh: Anh Thắng) |
Kết quả phân tích mẫu nước ban đầu cho thấy, nước trong chất thải đổ trộm là chất thải nguy hại loại 1. Mẫu nước tại bãi ngao xã Hải Lộc, xã Đa Lộc bị ô nhiễm, độ ô xi hòa tan thấp, độ mặn cao.
Hiện nguyên nhân chính gây chết ngao chưa thể xác định được, bởi còn chờ kết quả phân tích mẫu nước cuối cùng từ Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Viện khoa học hình sự (Bộ Công an).
Chia sẻ những khó khăn mất mát với người dân Hải Lộc, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, mọi hành động gây ô nhiễm môi trường đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Chủ tịch chỉ đạo, yêu cầu ngành Công an phối hợp các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ tổ chức, cá nhân nào thuê đổ chất thải trái phép trên biển để xử lý. Giao Sở TN&MT, UBND huyện Hậu Lộc và các ban ngành chức năng kiểm tra gấp đối với cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm mà người dân đang tố cáo về các điều kiện về xử lý môi trường, xả thải, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, huyện Hậu Lộc phải chủ trì thực hiện ngay việc rà soát các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn toàn huyện về quy trình xả thải, xử lý nước thải và an toàn vệ sinh thực phẩm.
|
Người làm thuê bị bắt quả tang đã khai được chủ cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng thuê đổ chất thải ra biển, 3 ngày một chuyến. (Ảnh: Anh Thắng) |
Như Pháp luật Plus đã đưa tin, trong tháng 12/2016, hàng trăm tấn ngao của các hộ nuôi trồng thuộc xã Hải Lộc bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Nhiều hộ dân phải vay tiền ngân hàng để kinh doanh, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Tại xã Hải Lộc có 201ha/230 ha ngao chết với tỷ lệ chết khoảng 70%; xã Đa Lộc có 200h/350 ha ngao chết, trong đó có 120 ha tỷ lệ chết từ 30-70%, 80 ha có tỷ lệ chết trên 70%.
Nghi ngờ nguồn nước bị đầu độc, 4h30' sáng ngày 31/12, các hộ nuôi ngao đã mật phục và bắt quả tang hai vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng thị Huệ đều là người làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng (tại xã Ngư Lộc) chở chất 14 thùng thải độc hại trên thuyền, xả trộm ra bãi nuôi ngao.
Khai nhận tại trụ sở CA xã Hải Lộc, ban đầu hai đối tượng trên cho biết, được chủ cơ sở Hoàng Thắng thuê đi đổ trộm chất thải tẩy rửa chế biến mực tươi ra biển. Nơi đổ là địa bàn đầu cồn bãi Ngang xã Hải Lộc. Cứ 3 ngày lại đi đổ trộm một lần.
|
14 thùng chất thải độc hại bị bắt quả tang ngày 31/12/2016 đã kịp xả xuống biển 11 thùng. (Ảnh: Anh Thắng) |
Sự cố ngao chết trong tháng 12/2016 là điều khá bất thường. Có những hộ nuôi bị chết tới 70% và vẫn đang tiếp tục chết vào những ngày qua.
Theo một số hộ nuôi ngao lâu năm, việc ngao chết tự nhiên do chất lượng môi trường, do nuôi ngao quá dày đặc thì vẫn diễn ra hằng năm. Nhưng tỉ lệ chỉ từ 10-15%. Các ngành chức năng của Thanh Hóa đã đưa ra khuyến cáo, mật độ nuôi ngao quá dày tại Hải Lộc cũng là một trong những nguyên nhân kiến ngao bị suy yếu, dễ chết hàng loạt khi nguồn nước ô nhiễm.
Phản ánh từ các hộ dân tại Hải Lộc, sau vụ bắt quả tang đổ thải ra biển, tại các khúc sông gần đó, đã xuất hiện những nhánh râu mực, màng nhớt mực (tức phần thải của mực tươi sau khi chế biến) giống hệt hiện tượng đã xuất hiện nhiều ngày trước tại cồn bãi ngang nuôi ngao của xã Hải Lộc.
Điều khá bất thường là sau khi người đổ trộm chất thải bị bắt quả tang có khai nhận được cơ sở sản xuất hải sản Hoàng Thắng (đóng tại xã Ngư Lộc) thuê đổ trộm ra biển, các ngành chức năng đã vào cuộc, nhưng doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường, chưa bị niêm phong xưởng sản xuất để phục vụ điều tra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất đông các hộ dân Hải Lộc lên UBND tỉnh kiến nghị vào sáng 20/1 vừa qua.
Tại mẫu nước xả thải trộm ra biển Hải Lộc đã bị thu giữ tang vật, tất cả các chỉ tiêu về chất thải ra môi trường đều vượt so với quy chuẩn Việt Nam. Trong đó, một số chỉ tiêu vượt cao như: hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) cao hơn từ 1.500 đến hơn 1.900 lần. Hàm lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) cao hơn từ 600 đến trên 800 lần. Hàm lượng chất Cadimi là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính mẫu cao nhất vượt trên 1.500 lần. Chất axit NH4+ cao hơn 128,5 lần so với quy chuẩn |