Thách cưới quá cao nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Bạn đọc có địa chỉ email thanh [email protected] gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật Plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Anh họ tôi và bạn gái yêu nhau 5 năm và quyết định tiến tới hôn nhân. Sau khi gặp mặt hai họ và quyết định cho hai anh chị cưới, nhưng gia đình bên gái lại đổi ý muốn đòi sính lễ cao gấp hai lần nếu không sẽ không cho cưới. Tôi muốn hỏi nếu nhà gái thách cưới cao như vậy thì nhà gái có vi phạm pháp luật không?”
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí). |
Tòa soạn Pháp luật Plus cùng các Văn phòng luật xin trả lời câu hỏi:
Thách cưới là một tục lệ đã có từ lâu đời trong văn hóa cưới hỏi của người Việt. Thông thường, lễ vật thách cưới là do nhà gái quy định, nhà gái sẽ đề ra một số yêu cầu về lễ vật và nhà trai phải đáp ứng đủ mới được đón dâu.
Điều 9 Nghị định số 8015/VBHN-BTP Nghị định về việc áp dụng luật hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số, quy định:
“Điều 9. Áp dụng phong tục, tập quán về nghi thức cưới hỏi
2. Nghiêm cấm việc thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới) và các hành vi cản trở việc kết hôn hoặc xâm phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ.”
Khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định yêu sách của cải trong hôn nhân:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
12. Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ”.
Yêu sách của cải trong kết hôn là một trong các hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
* Các hình thức xử phạt:
Theo đó, Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với việc yêu sách của cải nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ.
“Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, thách cưới quá cao nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào mức độ, hành vi vi phạm.