Bộ Tài chính cho rằng, các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước.
Theo đó, thời gian qua, có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế.
Để giải đáp nội dung này, phía Bộ Tài chính đã phân tích: Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế.
Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.
Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn hochieu24h.com |
Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.
Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi Thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
“Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước”, phía Bộ Tài chính nhận định.
Ở diễn biến khác, Tổng Cục thuế mới đây đã phát đi thông tin 5 tháng đầu năm 2023 toàn ngành Thuế đã thực hiện được 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 17,12% kế hoạch và bằng 77,45% so với cùng kỳ; kiểm tra được 231.276 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 144,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 11.608,64 tỷ đồng bằng 56,95% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.072,93 tỷ đồng, bằng 59,14% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Về công tác thu nợ tiền thuế, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành lũy kế tính đến cuối tháng 5/2024 ước thu được 37.101 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 6.466 trường hợp với số tiền thuế nợ là 3.091 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được 132 trường hợp với số tiền 12,57 tỷ đồng.
Tỷ lệ thu hồi được của cá nhân đạt 6% số trường hợp thông báo, 4% số tiền thuế nợ trong thông báo. Với doanh nghiệp, các tỷ lệ này là 3% và 1%.