Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp
Trong hành trình khởi nghiệp, không ít doanh nghiệp phải tự xoay sở giữa biển cả thủ tục pháp lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ và hành lang pháp lý chưa kịp hoàn thiện cho các mô hình kinh doanh mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - CEO một doanh nghiệp công nghệ sinh học tại TP HCM chia sẻ: “Khi chúng tôi đưa sản phẩm thử nghiệm ra thị trường, gần như không có quy định cụ thể để xin cấp phép nhanh. Trong khi chờ đợi, doanh nghiệp mất cơ hội hợp tác, mất vốn và đôi khi mất cả niềm tin”.
Trong những “vùng xám” của hành lang pháp lý và chính sách thử nghiệm, sự đồng hành từ phía cơ quan nhà nước trở thành yếu tố sống còn đối với startup. Tại sự kiện Techfest Vĩnh Phúc 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương phải trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, cùng lắng nghe, cùng hành động, cùng kiến tạo giải pháp”. Tinh thần này thể hiện rõ định hướng chuyển từ “quản lý” sang “kiến tạo”, từ “áp đặt” sang “đồng hành” đặt nền móng cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển từ cơ sở.
 |
(Hình minh hoạ) |
TP.HCM đang triển khai mạnh mẽ cơ chế sandbox công nghệ theo Nghị quyết 98. Trong lĩnh vực fintech, thành phố đã thành lập trung tâm tiếp nhận phản ánh chính sách, cho phép startup thử nghiệm sản phẩm có giám sát, không xử phạt nếu không gây rủi ro hệ thống.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết địa phương thường xuyên tổ chức tiếp xúc định kỳ với startup để lắng nghe, giải đáp và tổng hợp khó khăn. “Chúng tôi không làm chính sách từ phòng họp kín. Mỗi tuần đều có lịch làm việc với các nhóm khởi nghiệp để hiểu rõ vướng mắc từ bảo hộ trí tuệ đến thương mại hóa sản phẩm,” ông Thịnh nói. Đồng Nai cũng đã thành lập Hội đồng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh tập hợp đại diện sở, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành để tư vấn, phản biện chính sách và kết nối đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Muốn hệ sinh thái khởi nghiệp cất cánh thì chính quyền phải là đường băng vững chắc, cán bộ công vụ phải là người dẫn đường hiểu startup, dám lắng nghe và sẵn sàng tháo gỡ”. Đồng hành với doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Hoàng, không chỉ là khẩu hiệu mà là trách nhiệm. Startup cần thể chế linh hoạt, chính quyền cần vào cuộc như một đối tác đồng sáng tạo cùng chia sẻ rủi ro, cùng tháo gỡ vướng mắc và cùng xây dựng môi trường thuận lợi để những hạt giống đổi mới có cơ hội nảy mầm.
Tại Bình Dương, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang triển khai mô hình “Chính quyền đồng hành”, cam kết xử lý hồ sơ trong 3 ngày làm việc. Các chương trình hỗ trợ pháp lý, thuế, kế toán được tổ chức định kỳ giúp doanh nghiệp mới nắm bắt và áp dụng đúng luật ngay từ đầu.
Từ chính sách đến thể chế linh hoạt
Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ cần vốn, mà cần một thể chế dám chấp nhận rủi ro có kiểm soát. “Startup cần được bảo vệ hợp lý khi thử - sai - học. Một nhà nước khuyến khích đổi mới phải tạo khoảng trống pháp lý đủ an toàn cho thử nghiệm. Sai lầm có thể chấp nhận được nếu có hậu kiểm minh bạch và không biến rủi ro thành rào cản” - ông Khương nói.
Ông đề xuất xây dựng hành lang pháp lý “mềm” như quy định tạm thời cho công nghệ mới, quỹ đồng bảo hiểm cho startup vừa giúp doanh nghiệp tự tin, vừa giúp Nhà nước kiểm soát rủi ro hệ thống. Startup không cần đặc quyền, chỉ cần được trao quyền thử - sai - sửa - làm lại trên một nền pháp luật không đè nặng mà biết nâng đỡ.
 |
Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng, khởi nghiệp cần không chỉ vốn mà cả thể chế chấp nhận rủi ro có kiểm soát |
Tại tọa đàm do VCCI tổ chức tháng 2/2025, các chuyên gia đồng thuận rằng cần sớm ban hành Luật Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tích hợp các vấn đề về thuế, đất đai, sở hữu trí tuệ, sandbox và đào tạo pháp lý. Quan trọng hơn, cần luật hóa các tài sản vô hình như dữ liệu, sáng chế, mô hình kinh doanh để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho startup.
PGS.TS Nguyễn Văn Cường đề xuất cần xây dựng cơ chế “đồng sáng tạo chính sách”, trong đó doanh nghiệp, chuyên gia và nhà làm luật cùng tham gia thiết kế và hoàn thiện thể chế. Theo ông, thể chế hỗ trợ khởi nghiệp phải đủ linh hoạt để thúc đẩy đổi mới, nhưng vẫn đảm bảo khuôn khổ pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ tính bền vững và trật tự của thị trường.
Một số chuyên gia kiến nghị xây dựng hệ thống dữ liệu pháp lý mở cho startup; tích hợp thông tin về sandbox, điều kiện kinh doanh, FTA, mẫu hợp đồng, định giá tài sản số, chuyển nhượng cổ phần xuyên biên giới… Các địa phương cần số hóa toàn bộ quy trình cấp phép, thuế, đăng ký kinh doanh dành riêng cho startup. Đây là biểu hiện cụ thể của một nền hành chính hiện đại, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần cơ chế đồng tài trợ công - tư trong nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới. Các hiệp hội đề xuất thành lập Trung tâm pháp lý đổi mới sáng tạo cấp vùng, mở rộng sandbox ra ngoài lĩnh vực fintech, đồng thời trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ khởi nghiệp càng sớm càng tốt. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn quản trị startup, hướng dẫn bảo hộ dữ liệu, định giá tài sản vô hình và chuyển nhượng quốc tế cũng rất cần thiết.
Sự cộng hưởng từ “3 nhà”
Ông Đỗ Hữu Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt – Trung khu vực Đông Nam Bộ khẳng định, trong thời đại đổi mới, điều doanh nghiệp cần là sự dẫn dắt và đồng hành, chứ không đơn thuần là kiểm soát. Ông bày tỏ kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp bằng một thể chế linh hoạt, trách nhiệm rõ ràng và sự tin tưởng sâu sắc, từ đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không thể thiếu sự cộng hưởng giữa ba chủ thể: Nhà nước - doanh nghiệp - chuyên gia. Mỗi bên giữ một vai trò không thể thay thế. Doanh nghiệp không thể đơn độc vượt qua “biển thể chế”; Nhà nước không thể nắm bắt hết thực tiễn nếu đứng ngoài cuộc; và chuyên gia cũng không thể chuyển hóa tri thức thành chính sách nếu thiếu kênh phản hồi hiệu quả.
 |
Ông Đỗ Hữu Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt - Trung khu vực Đông Nam Bộ cho rằng, trong thời đại đổi mới, doanh nghiệp cần được định hướng và đồng hành thay vì kiểm soát |
Thực tiễn từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cho thấy: chính sách càng gần doanh nghiệp càng sát thực tế; thể chế càng minh bạch, đối thoại càng hiệu quả; và càng linh hoạt, niềm tin vào hệ thống càng được củng cố.
Đồng hành không chỉ là hỗ trợ, mà là sự cam kết cùng kiến tạo vì một quốc gia khởi nghiệp bền vững, đổi mới sáng tạo và đủ sức vươn tầm toàn cầu.
(Còn nữa)