Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây về nội dung liên quan tới cải cách tiền lương, đặc biệt tiền lương của đội ngũ nhà giáo đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì vẫn còn thấp.
Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.
Hiện tại, có hơn 16 triệu nhà giáo trong cả hai khố công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%.
Trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2023 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, nhà giáo phải được đãi ngộ xứng đáng; điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn nữa. Sắp tới, Chính phủ cùng với Bộ GD&ĐT chuẩn bị dự thảo Luật Nhà giáo, đặc biệt trong chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024, chắc chắn nhà giáo sẽ được quan tâm ở mức cao nhất.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng, cần có những ưu tiên đặc biệt với các trường sư phạm, sinh viên sư phạm, những người rồi đây sẽ lan tỏa hình ảnh và tấm gương cao đẹp của người thầy, truyền thụ kiến thức, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.