Nhiều đoạn vỉa hè tại một số tuyến đường ở TP.HCM vẫn đang bị cát cứ lấn chiếm buôn bán, thậm chí có cả đối tượng “bảo kê” thủ sẵn hung khí hăm dọa.
|
Đoạn vỉa hè trước Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM (đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5) được bà V. ra giá sang nhượng là 100 triệu đồng - Ảnh: Ngọc Khải |
Chiều 2-3, chúng tôi chạy xe máy chở theo một thùng xốp dừng tại lề đường nội bộ Viện Tim TP.HCM - Bệnh viện Nhân Dân 115 (P.12, Q.10).
Dù đã giải thích chỉ đứng chốc lát và không buôn bán gì nhưng một nam thanh niên bán hàng ở đây vẫn hăm dọa: “Không đi lát có chuyện”.
Vỉa hè đã có chủ
Lát sau, một nam thanh niên khác bất ngờ đi xe máy chạy vù tới, ngang nhiên rút dao từ phía sau thắt lưng lao tới, nạt nộ: “Phải chỗ của mày không? Biến!”. Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 16-3, vỉa hè trên vẫn còn tình trạng bán hàng rong.
Tại trạm xe buýt trên đường Nguyễn Chí Thanh gần cổng số 7 Bệnh viện Chợ Rẫy, khi chúng tôi tấp xe máy chở thùng xốp dừng tại lề đường thì một người đàn ông chỉ tay: “Đợi một hơi là có chuyện, khu này là khu đâm chém không đó”.
Người đàn ông trên giải thích lòng lề đường khu vực này đều đã có “chủ”, không thể có chuyện người lạ nào chen chân vào đứng bán.
Giá “sang nhượng” một chỗ đứng bán dưới lề đường lên đến 50 triệu đồng.
Lúc này, một người đàn ông trung niên khác cũng xuất hiện nói: “Nói tóm lại đã có tụ điểm là có bảo kê hết rồi. Sau khi sang nhượng lòng lề đường sẽ có người “hỗ trợ” cho đứng bán. Nhưng công an lại là chạy chứ không phải 50 triệu đồng là được bảo kê”.
|
Thanh niên cầm dao hăm dọa khi có người muốn vào mua bán trên vỉa hè đường nội bộ Viện Tim TP.HCM - Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Văn Bình |
Trong vai một người đi tìm chỗ đứng bán hàng rong, ngày 4-3 chúng tôi được bà V. chốt giá sang nhượng đoạn vỉa hè trước Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM (đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5) là 100 triệu đồng.
Đây là nơi bà này để xe đẩy, xếp bàn ghế bán nước giải khát. Theo bà V., đây là giá hợp lý bởi có đoạn vỉa hè chỉ vài mét đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy đã được sang nhượng lại với giá 300 triệu đồng.
Nếu đồng ý “giao dịch”, bà ta sẽ viết tay cam kết sang nhượng “mặt bằng” trên. Thời gian đầu, bà sẽ trực tiếp phụ bán cũng như bày cách buôn bán.
Khi có lực lượng chức năng đến thì bà này hướng dẫn đẩy xe cùng đồ đạc qua bên kia đường. “Sang vĩnh viễn luôn, anh muốn bán thì bán không thì sang lại cho người ta” - bà V.
chắc giọng.
Kiểm tra, xác minh
Ngày 13-3, P. (chủ quán cà phê HN trên đường Phạm Văn Đồng, P.3, Q.Gò Vấp) cho biết quán cà phê của anh đang kinh doanh rất đông khách, nhất là vào buổi sáng. Do vậy, quán thường xuyên để bàn ghế trên vỉa hè để buôn bán.
P. cho rằng để thuận lợi, thỉnh thoảng P. gửi phong bì 500.000 đồng cho một người có liên quan chịu trách nhiệm quản lý khu vực này. Khi có đợt kiểm tra sẽ được người này báo trước.
Tối cùng ngày, quán nhậu gần quán cà phê HN có hai chiếc bàn đặt trên vỉa hè, chúng tôi hỏi quán nhậu có chung chi hay không?
Một nam nhân viên của quán đang đón khách bên lề đường huỵch toẹt: “Chung thì có chung nhưng quận đi (đi kiểm tra - PV) rất là căng”.
Nhân viên này chỉ về phía hai chiếc bàn trên vỉa hè bảo: “Để bàn như vậy là bắt”. Còn bà L., chủ quán, cho hay từ khi có chiến dịch dọn dẹp vỉa hè công việc buôn bán tại quán chậm lại. Bởi trước đó, quán của bà tràn ra vỉa hè có thể xếp được 6 cái bàn.
Bà cho biết mỗi tháng gửi số tiền 500.000 đồng cho người liên quan quản lý khu vực. Bà này giải thích thêm: “Nói chung mình dùng từ không phải “chung” mà là biết sống thôi. 500.000 đồng, có nhiêu đâu. Để họ nhắc nhở không hốt mình như của người ta”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Minh Trí - chủ tịch UBND P.3 (Q.Gò Vấp) - cho biết sẽ giao ban chỉ huy công an phường kiểm tra xác minh thông tin trên.
“Nếu liên quan đến người nào thì người đó phải chịu trách nhiệm trước hết với công việc nhiệm vụ mình đang làm, thứ hai liên quan đến pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Trí nói.
Kiên quyết xử lý Ông Phan Vũ Sơn - phó chủ tịch UBND P.12 (Q.10) - cho biết trong năm 2015 công an quận đã phối hợp với công an phường xác minh, xử lý những đối tượng giang hồ bảo kê cho vay tại khu vực đường nội bộ Viện Tim TP.HCM - Bệnh viện Nhân Dân 115. Khi triển khai ra quân tại khu vực này có đối tượng chống đối rất mạnh, có những đối tượng bảo kê đứng sau, hăm dọa lực lượng chức năng. Trong khoảng thời gian cuối năm 2015 đến năm 2016, tình hình khu vực này đã ổn, không còn phát sinh vấn đề bảo kê, cho vay. Theo ông Sơn, có thể trường hợp mà Tuổi Trẻ phản ánh là mới phát sinh, địa phương sẽ kiên quyết xử lý triệt để. |