Bạn đọc Đỗ Long H. (Tiền Giang) hỏi: Tôi đang bị điều tra liên quan đến một vụ án hình sự và có nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm.
Đây cũng là thời gian bố tôi hoàn thiện di chúc để lại tài sản cho các con do bố tôi đã tuổi cao sức yếu còn mẹ tôi đã qua đời từ vài năm trước. Vậy xin hỏi nếu tôi phải chấp hành hình phạt tù thì tôi có được thừa kế tài sản của bố tôi để lại theo di chúc không?
Quyền hưởng thừa kế của người đang chấp hành hình phạt tù. (Hình minh họa) |
Đang chấp hành hình phạt tù có được hưởng thừa kế?
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được các nước ghi nhận và được pháp luật bảo vệ, quyền thừa kế gồm quyền để lại di sản thừa kế và quyền hưởng di sản thừa kế.
Theo quy định của Điều 621 trong Bộ luật Dân sự năm 2015, các trường hợp sau đây không được quyền hưởng di sản:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Đối chiếu trường hợp của bạn, bạn đang chấp hành án phạt tù thì vẫn được hưởng di sản thừa kế nếu bạn không có hành vi ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ bố bạ, hành vi phạm tội của bạn không xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản là bố bạn. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi thừa kế của người đang chấp hành án phạt tù nhưng cũng tôn trọng ý chí cuối cùng của người để lại di sản.
Hạn chế về quyền đối với người đang chấp hành hình phạt tù
Theo Hiến pháp năm 2013, công dân Việt Nam có quyền con người và các quyền, nghĩa vụ khác được bảo đảm và bảo vệ. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong những trường hợp cần thiết như bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, và sức khỏe của cộng đồng. Khi một công dân vi phạm các quy định mà không được phép làm theo quy định của nhà nước và pháp luật, quyền công dân của họ có thể bị hạn chế.
Cụ thể, theo quy định trong Điều 44 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì công dân Việt Nam bị kết án phạt tù vì tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị tước một hoặc một số quyền công dân. Cụ thể, những quyền công dân bị tước bao gồm:
- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước: Người bị kết án phạt tù sẽ mất quyền tham gia vào quá trình ứng cử đại biểu trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước, bao gồm Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước khác.
- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước: Người bị kết án phạt tù không được phép làm việc trong các cơ quan của nhà nước, bao gồm các cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp, và cơ quan thi hành án.
- Quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân: Người bị kết án phạt tù sẽ không được phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang khác.
Thời hạn tước một số quyền công dân sẽ được áp dụng trong khoảng từ 1 năm đến 5 năm. Thời hạn này được tính từ ngày hoàn thành thời gian chấp hành án phạt tù hoặc từ ngày mà bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp được hưởng án treo.
Như vậy, người vi phạm pháp luật và bị kết án phạt tù sẽ bị hạn chế một số quyền công dân như quyền ứng cử, làm việc trong các cơ quan nhà nước, và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Thời gian hạn chế này sẽ kéo dài từ 1 năm đến 5 năm, tính từ ngày hoàn thành thời hạn chấp hành án phạt tù.
Mọi câu hỏi và tư vấn pháp luật cần được giải đáp, bạn đọc có thể gọi điện theo số: 0904309996; hoặc gửi Email: toasoan@phapluatplus.vn. |