Từng được kỳ vọng là dự án lớn nhất ngành Giấy, với tổng mức đầu tư 1.948 tỷ đồng, quy mô dự án 130.000 tấn bột giấy/năm và 200.000 tấn giấy in cao cấp/năm; diện tích đất dự kiến sử dụng 45ha, được khởi công tháng 9/2009 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2011. Nhưng đến nay, sau gần 7 năm qua đi, Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi (xây dựng tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chỉ là bãi tập kết các container, các hạng mục thi công ngổn ngang dang dở. Khối tài sản nghìn tỷ vẫn cứ đắp chiếu gánh mưa, chịu nắng mà nhà đầu tư không có động thái tích cực nào để triển khai dự án.
|
Ảnh minh họa. |
Chủ yếu vốn vay và 5 lần xin điều chỉnh tổng mức đầu tư
Bài học “xương máu” của ngành Xi măng khi một số dự án đầu tư nhà máy xi măng chủ yếu là nguồn vốn vay ngân hàng và trong quá trình triển khai dự án bị độn vốn đầu tư dẫn tới một số nhà máy bên bờ vực phá sản, một lần nữa lại lặp lại ở Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai, Quảng Ngãi.
Với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.948 tỷ đồng nhưng trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đã phát sinh 5 lần xin điều chỉnh dự án đầu tư. Đến lần điều chỉnh thứ ba vào năm 2011 tổng mức đầu tư đã tăng lên 5.007,376 tỷ đồng, tăng 3059,376 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Đáng chú ý cơ cấu vốn cũng được điều chỉnh là vốn góp và các nguồn khác chiếm 20% còn lại 80% là vốn vay.
Lần điều chỉnh thứ ba này đã được UBND tỉnh đã chấp thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chốt thời gian vận hành nhà máy bột giấy tháng 12/2012 và nhà máy giấy vận hành vào tháng 12/2013. Nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, đến nay, dự án vẫn ngổn ngang, dang dở.
Qua Thanh tra cho thấy: Từ năm 2009 đến tháng 5/2017 (thời điểm thanh tra dự án), nhà đầu tư chỉ mới triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án và đã được UBND tỉnh Quãng Ngãi phê duyệt năm 2009; lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy được UBND huyện Bình Sơn phê duyệt tại Quyết định số 3031/QĐ- UBND với diện tích 450.013,52m2; lập hồ sơ xin thuê đất và được bàn giao 45,0067ha đất trên thực địa năm 2010; phối hợp với chính quyền địa phương cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao mặt bằng sạch với diện tích 43,9556ha/45,0067ha; nhà đầu tư khởi công xây dựng tháng 7/2010 đến tháng 12/2012 thì tạm dừng thi công dự án.
UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Nhà đầu tư là Cty CP Tập đoàn Tân Mai đã thực hiện không đầy đủ về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư. Thực tế nhà đầu tư lập hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần 3 từ 2.219 tỷ đồng lên 5.007,376 tỷ đồng (trong đó vốn góp và các nguồn khác 20%, vốn vay 80%) nhưng trong hồ sơ điều chỉnh không chứng minh được phần vốn tăng thêm, nguồn vốn vay chỉ được ngân hàng phê duyệt giới hạn cho vay là 2.770 tỷ đồng, chiếm 69,15% vốn vay.
Mặc dù trong quá trình triển khai, dự án chậm tiến độ và đã được UBND tỉnh xem xét khó khăn, vướng mắc, đồng ý chủ trương cho giãn tiến độ thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư không thực hiện các nội dung theo yêu cầu, hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về giãn tiến độ thực hiện Dự án. Đến ngày 27/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 1916/UBND - CNXD yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đánh giá hiệu quả dự án và cung cấp tài liệu chứng minh về tài chính phần vốn còn lại để thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư không nộp hồ sơ điều chỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2015 theo yêu cầu của UBND tỉnh. Mặc dù ngừng thi công các hạng mục trên mặt bằng nhà máy từ tháng 12/2012 nhưng nhà đầu tư không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật.
Được UBND tỉnh Quãng Ngãi cho thuê 45,0067 ha đất vào ngày 18/1/2010, bàn giao tại thực địa vào ngày 26/5/2010, đã thực hiện ký hợp đồng thuê đất vào ngày 2/8/2011 nhưng đến tháng 5/2017 nhà đầu tư vẫn chưa lập thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa kịp thời lập các thủ tục để cơ quan thuế xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định với số tiền 585,7 triệu đồng. Diện tích còn lại 10.511m2 của 2 hộ dân và 57 ngôi mộ chưa di dời chưa bàn giao giải phóng mặt bằng nên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn đã có 5 văn bản đề nghị nhà đầu tư chuyển kinh phí bổ sung 333,726721 triệu đồng và cử cán bộ phối hợp thực hiện giải quyết các tồn tại vướng mắc để giải phóng mặt bằng nhưng nhà đầu tư không có thông tin phản hồi và không chuyển tiền chi trả bồi thường để giải quyết các tồn tại vướng mắc nêu trên.
Trong mặt bằng đất đã được giao, nhà đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng, xây dựng nhà kho chứa sản phẩm diện tích 6.256m2; xây dựng dở dang khu văn phòng diện tích 250m2 và đã dừng thi công từ tháng 12/2012; phần diện tích đất còn lại để trống chưa xây dựng các hạng mục công trình theo dự án đầu tư. Như vậy đến thời điểm thanh tra tháng 5/2017 thì tiến độ sử dụng đất đã chậm trên 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đần tư.
Riêng khu vực 15ha bãi than và bãi đỗ xe, ngoài diện tích 46 ngôi mộ chưa bàn giao do vướng mắc bồi thường thì nhà đầu tư mới san lập 2ha, diện tích còn lại nhà đầu tư chưa san lập và xây dựng công trình theo dự án được duyệt; quá hạn trên 12 tháng liên tục không đưa đất vào sử dụng theo quy định.
Theo phê duyệt, đến tháng 12/2013 là thời điểm phải kết thúc toàn bộ việc đầu tư xây dựng của dự án nhưng đến tháng 7/2017 nhà đầu tư vẫn chưa lập hồ sơ xin gia hạn thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tháng 12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường có kết luận thanh tra xác định đầu tư vi phạm tiến độ sử dụng đất và kiến nghị nhà đầu tư phải khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch được duyệt nhưng đến 5/2017 nhà đầu tư vẫn không thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra.
Nhập máy móc, thiết bị công nghệ cũ 20 năm để sử dụng?
Điều đáng nói, toàn bộ máy móc thiết bị, công nghệ dự kiến lắp đặt cho nhà máy không phải là thiết bị công nghệ mới mà là thiết bị công nghệ mua thanh lý tại Canada vào năm 2007 nhưng hệ thống máy móc, thiết bị này được sản xuất, chế tạo từ năm 2003 trở về trước. Các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được, cần thay thế, bổ sung mới và cải tạo nhưng nhà đầu tư không có giải pháp khắc phục. Một câu hỏi đặt ra là hệ thống máy móc thiết bị công nghệ cũ đã được sản xuất cách đây trên 18 năm và đã qua sử dụng, liệu có đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn để sản xuất bột giấy và giấy theo quy định? Và tại sao chủ đầu tư lại mua máy móc, thiết bị công nghệ theo diện thanh lý ? Câu hỏi này xin được dành cho các cơ quan chức năng.
Hiện khối tài sản nghìn tỷ với 497/621 container và 184/212 thiết bị siêu trường siêu trọng này đang được tập kết về mặt bằng dự án ở Quảng Ngãi, số thiết bị còn lại 5 container đang ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng); 119 container và 28 thiết bị siêu trường siêu trọng đang ở Đồng Nai vẫn đang nằm đội nắng dầm mưa mà chưa đưa vào sử dụng.
Qua thanh tra, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu xử lý triệt để vi phạm pháp luật về đầu tư đối với dự án nêu trên. Hiện nay, nhà đầu tư không có khả năng về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, số vốn 1.926,186 tỷ đồng (chưa tính số vốn mà ngân hàng ngừng không tiếp tục cho vay là 1.041,422 tỷ đồng), chưa có giải pháp kỹ thuật về các thiết bị không đồng bộ; chưa xác định được vị trí hệ thống và điểm xả thải của nhà máy; diện tích đất trồng cây làm vùng nguyên liệu nên UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi thực hiện theo thẩm quyền (hoặc trình UBND tỉnh) ra văn bản chấm dứt Dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thu hổi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án; chấm dứt dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy tại huyện Ba Tơ của nhà đầu tư…
Theo đó, toàn bộ diện tích đất dự án đã bàn giao cho chủ đầu tư là 45,0067ha sẽ bị thu hồi và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Giao Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thủ tục thu hồi số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn 160,573389685 tỷ đồng cho Cty CP Tân Mai Miền Trung theo quy định của Bộ Tài chính.